(Baonghean) - Năm 2013, là năm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội giữa nhiệm kỳ 2010 - 2015, dù chịu ảnh hưởng khó khăn chung như lụt, bão, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền, sự nỗ lực của cán bộ và nhân dân nên tình hình KT-XH của huyện Tương Dương vẫn giữ ổn định. Nhân dịp đầu xuân, phóng viên Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn đồng chí Lương Thanh Hải - Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Tương Dương.

images922195_tuong_duong_1.jpgTỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Lương Thanh Hải

PV: Năm 2013 tuy nhiều khó khăn, nhưng Tương Dương đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tích đáng ghi nhận về phát triển KT-XH. Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật?

Đồng chí Lương Thanh Hải:Năm 2013, tình hình kinh tế - xã hội của Tương Dương có sự chuyển biến mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực. Cụ thể:
 
Về kinh tế: Tổng giá trị sản xuất ước thực hiện cả năm 3.168.693/3.241.000 triệu đồng. Tốc độ tăng trưởng 4,6%. Cơ cấu kinh tế trên địa bàn có sự chuyển dịch hợp lý: Nông-lâm-ngư: 11,24%; Công nghiệp - Xây dựng: 73,21%; Thương mại - Dịch vụ: 15,55%. Thu ngân sách ước đạt: 589.585 triệu đồng/DT 402.774, đạt 146% dự toán. Trong đó, thu ngân sách trên địa bàn ước đạt: 16 tỷ đồng/DT 8,4 tỷ đồng, đạt 190,5% KH, tăng 31,4 % so cùng kỳ (12,176 tỷ đồng). Thu nhập bình quân đầu người: 15,8 triệu đồng/năm, tăng 7,9%. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt: 211.942/211.000 triệu đồng, chiếm 59,53% tổng giá trị sản xuất ngành nông – lâm - ngư nghiệp. Trong đó, huyện quản lý: 211.942 triệu đồng, tăng 8,14%. Tổng sản lượng lương thực ước thực hiện cả năm 18.909/16.630 tấn. Bình quân lương thực đầu người: 267,5 kg/năm. Chăn nuôi: Tổng đàn trâu, bò năm 2013 là 31.888 con. Tổng đàn lợn: 28.908/33.710 con; tổng đàn gia cầm: 277.928 con.
 
Lâm nghiệp: Bảo vệ tốt diện tích rừng 70.798/169.569 ha; Trồng 3.068.421 cây phân tán (tương đương 2.045 ha). Riêng Công ty TNHH 1 thành viên Lâm nghiệp Tương Dương hàng năm ươm được trên 1,7 triệu cây giống các loại như keo lai, xoan, lát… đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu trồng rừng địa bàn huyện. Khoanh nuôi bảo vệ 7.530 ha rừng, trong đó bảo vệ 1.500 ha rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất và rừng 147 được hàng trăm ha. Đặc biệt không để xảy ra cháy rừng trên địa bàn huyện quản lý; BQL rừng phòng hộ Tương Dương phối hợp với Hạt Kiểm lâm xử lý các điểm nóng, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép. Giao khoán bảo vệ rừng 45.000 ha, có gần 2.000 hộ dân nhận khoán. Tại vùng lòng hồ Thuỷ điện bản Vẽ có 46.000 ha rừng, địa thế phức tạp, trong năm qua Ban quản lý đã thường xuyên tuần tra, kiểm soát bằng đường sông bảo vệ tốt số diện tích rừng trên.
 
Thuỷ sản: Diện tích nuôi trồng ước đạt: 7.208,9 ha. Trong đó, ao nuôi 52,9 ha, diện tích sông, suối, hồ nước tự nhiên 7.156 ha. Sản lượng khai thác, nuôi trồng thuỷ sản: 270 tấn. 
 
Mô hình trồng rau sạch ở bản Phòng, Thạch Giám, Tương Dương. Ảnh: Thanh Lê
 
Về xây dựng nông thôn mới:Phát triển sản xuất: tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư vào phát triển sản xuất với tổng vốn đầu tư: 21.277 triệu đồng, trong đó xây dựng 78 mô hình phát triển kinh tế gồm: 42 mô hình trồng trọt, 25 mô hình chăn nuôi, 4 mô hình thủy sản, 1 mô hình nông - lâm kết hợp, 2 mô hình xây dựng làng nghề (bện chổi đót), 4 mô hình vườn ươm mây nếp. Đã huy động được 43.350 ngày công lao động, nhân dân hiến đất gần 8.983m2. Năm 2013 làm mới 15 km đường giao thông nông thôn bằng bê tông; làm mới 12,5 km đường giao thông vào các bản vùng sâu, vùng xa. 
 
Công nghiệp - Xây dựng: Tổng giá trị sản xuất ước đạt 2.319.899/2.441.000 triệu đồng, trong đó: Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 1.435.967/1.491.000 triệu đồng, đạt 96,3% KH, tăng 8,0% so với cùng kỳ. Đã tiến hành bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành Điện quản lý 192,7 ki lô mét đường dây 0,4 KV; 95 trạm biến áp; 13.110 hộ sử dụng điện. Hiện có 15/18 xã có điện lưới quốc gia. Về công tác bồi thường GPMB hai dự án thủy điện trên địa bàn huyện là dự án Thuỷ điện Bản Vẽ và dự án Thuỷ điện Khe Bố, đến thời điểm này huyện đã thực hiện cơ bản hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, di dân và tái định cư ổn định cuộc sống cho bà con, để kịp chạy máy phát điện theo đúng tiến độ. Đối với dự án Thuỷ điện Bản Vẽ vẫn còn tồn tại các vấn đề sau tái định chưa được giải quyết kịp thời. Diện tích đất sản xuất không đủ, đây cũng là một gánh nặng cho huyện và cũng là nguyên nhân dẫn đến một số hộ đã di dời từ các khu tái định cư về quê cũ làm ăn. Hiện các hạng mục công trình giai đoạn 1 của Thủy điện Khe Bố đã cơ bản hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng nhưng còn gặp những khó khăn: Năng lực tài chính của công ty còn hạn chế chưa đáp ứng kịp thời, đầu tư xây dựng hạ tầng thiếu đồng bộ, công tác phê duyệt hồ sơ thiết kế và dự toán các hạng mục công trình chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công các hạng mục công trình. Toàn bộ mặt đường (A-GTNT) vào các khu tái định cư xã Tam Đình thuộc giai đoạn hai của dự án đến nay chưa được phê duyệt hiệu chỉnh gây khó khăn cho huyện.
 
Dịch vụ - Thương mại:Tổng giá trị sản xuất cả năm ước đạt 492.774/450.000 triệu đồng, đạt 109,5% KH, tăng 8,7% so với cùng kỳ. Đầu tư và xây dựng cơ bản: Tổng số vốn đầu tư xây dựng trên địa bàn: 162.071 triệu đồng. Trong đó, vốn trái phiếu Chính phủ: 47 tỷ đồng; Huyện quản lý xây dựng đường giao thông: 43 tỷ đồng, giải ngân đạt 98% KH vốn; Ngành quản lý 4 tỷ đồng (Bệnh viện Đa khoa), đã giải ngân 45%; Vốn xây dựng cơ bản tập trung: 48,508 tỷ đồng, giải ngân đạt 64% KH vốn; Vốn Chương trình mục tiêu được bố trí 54,863 tỷ đồng, giải ngân 75%. 
 
Về Văn hóa - Xã hội:Quy mô trường lớp tiếp tục được bố trí, sắp xếp lại hợp lý, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên; giữ vững chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS. Số học sinh đậu tốt nghiệp đạt 95,5%; có 135 em đạt học sinh giỏi cấp huyện, 17 học sinh lớp 9 đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục chuyển biến tích cực. Chất lượng y tế cơ sở, công tác bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân có nhiều tiến bộ. Chỉ đạo thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Tỷ lệ gia đình văn hóa năm 2013 ước đạt 55%, tăng 5% so với KH; tỷ lệ làng, bản văn hoá ước đạt 46%, tăng 2,5%; 100% số xã có thiết chế văn hoá - thông tin- thể thao. Tổ chức được 3 lớp phổ biến và bảo tồn chữ Thái Lai Pao; Tổ chức thành công Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào.
 
Trong năm, giải quyết việc làm cho 6.800 lao động, tăng 70% so với cùng kỳ, tổ chức được 12 lớp đào tạo nghề cho 405 lao động nông thôn. Hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo theo Đề án nhận giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo năm 2013 đến năm 2020 được 175 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 ước giảm từ 58,2% xuống còn 51,7% (giảm 6,5%). Tổ chức cấp phát 224 tấn gạo cứu đói giáp hạt đầy đủ, kịp thời cho 7.555 hộ (14.933 khẩu). 349 người được cai nghiện ma túy. Quốc phòng - an ninh được giữ vững. 
 
P.V: Là huyện rẻo cao có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế còn khó khăn nhưng công tác thực hiện phát triển Đảng ở Tương Dương khá tốt. Đồng chí có thể chia sẻ bài học của sự thành công?
 
Đồng chí Lương Thanh Hải:Trong năm, từ cấp huyện đến cơ sở tập trung chỉ đạo phổ biến, học tập và triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6, thứ 7 (khoá XI), Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và nghị quyết, chỉ thị của Đảng các cấp. Nhìn chung tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. 
 
Mở lớp bồi dưỡng tập huấn cho cán bộ cơ sở. Tổng số 57 lớp, với 4.176 học viên. Đánh giá, xếp loại chất lượng 48 tổ chức đảng và đảng viên năm 2013: Đạt tiêu chuẩn "Trong sạch, vững mạnh": có 37 TCCSĐ (đạt tỷ lệ 77,08%). Trong đó, đạt tiêu chuẩn "Trong sạch, vững mạnh tiêu biểu": 7 TCCSĐ (đạt tỷ lệ 19%); Hoàn thành tốt nhiệm vụ: 10 TCCSĐ (đạt tỷ lệ 20,83%); Hoàn thành nhiệm vụ: 1 TCCSĐ (chiếm tỷ lệ 2,08%); không có yếu kém. Tổng số đảng viên bị thi hành kỷ luật là 40 người, hình thức kỷ luật: Khiển trách 14 người, cảnh cáo 12 người, cách chức 3 người, khai trừ 11 người. Huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện cải cách thủ tục hành chính, duy trì chế độ giao ban Thường trực Huyện ủy, giao ban khối Dân vận của Đảng. Thực hiện tốt quy chế dân chủ, phát huy tính tự chủ, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, kịp thời xử lý những vấn đề nảy sinh tại cơ sở. 
 
P.V: Đồng chí có thể cho biết định hướng phát triển KT-XH năm 2014?
 
Đồng chí Lương Thanh Hải: Bám sát chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ khoá XXV để xây dựng Chương trình công tác năm 2014 sát hợp với điều kiện thực tiễn địa phương nhằm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra. Thu hút và lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn như Nghị quyết 30a, nguồn vốn từ các tổ chức nước ngoài tài trợ và các chương trình khác để đầu tư cho phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao. Tập trung chỉ đạo tuyên truyền và triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng các cấp. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 03-CT/TƯ, đẩy mạnh "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", gắn với thực hiện Nghị quyết TƯ4 (khóa XI) và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ theo Đề án 03 -ĐA/HU của Huyện ủy. Đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành trong cơ quan Nhà nước, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát. Nêu cao vai trò trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu trong các cơ quan Nhà nước gắn với việc thực hiện Quy định 101-QĐ/TƯ của Trung ương về trách nhiệm nêu gương.
 
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
 
Văn Trường (Thực hiện)