(Baonghean) - Bao đời nay, những buồn vui của người Nghệ đều gắn chặt với ruộng đồng. Những cực nhọc, khắc nghiệt của mảnh đất ấy được dồn nén và cất thành lời ca, tiếng hát da diết bên khung cửi, bãi dâu, dòng sông... truyền từ đời này qua đời khác. Từ những ngôn từ  “mô, tê, răng, rứa” nằng nặng khó nghe qua lao động đã sáng tạo nên nhiều thể loại như: ví phường vải, ví phường đan, ví phường nón, ví đò đưa, giặm ru, giặm kể, giặm khuyên. Theo các nghiên cứu, ví, giặm xứ Nghệ hình thành cách đây khoảng 400 năm, tồn tại và gắn bó với người dân xứ Nghệ như máu thịt, ăn sâu vào tính cách…

Không phải ngẫu nhiên mà bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Lễ vinh danh và đón bằng Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại của Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được tổ chức trang trọng tối 31/1/2015, tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh, Nghệ An) đã phát biểu đầy xúc động: “Dân ca ví, giặm là một ví dụ hoàn hảo về việc di sản phi vật thể luôn ngân vang và sống động trong lòng người dân. Nó đặc biệt, bởi lẽ, làn điệu, âm hưởng và lời ca của nó đã được các nghệ nhân truyền miệng từ thế hệ này qua thế hệ khác. UNESCO sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ, bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật tuyệt vời này”. Ngay tại buổi lễ, trước hàng vạn người có mặt và hàng triệu người xem truyền hình, một thông điệp đã được UNESCO phát đi: “Hãy cùng quảng bá cho kho báu văn hóa này, bởi lẽ nó đã chạm vào tâm hồn và trái tim mỗi chúng ta, bởi lẽ nó đã tăng cường đối thoại giữa chúng ta, giữa các các cộng đồng và các dân tộc ở Việt Nam, và bỡi lẽ nó thúc đẩy sự đồng cảm và lòng khoan dung”.
images1130542_clb_d_n_ca_phu_ng_vinh_t_n__tp.vinh__h_t_v__phu_ng_c_y__nh_tru_ng_sinh.jpgCLB Dân ca phường Vinh Tân (TP.Vinh) hát ví phường cấy. Ảnh: Trường Sinh
 
Ví, giặm được tôn vinh như ngày hôm nay là nhờ sự đóng góp của bao thế hệ người dân đã gìn giữ và phát triển vốn quý dân gian. Đó là cố PGS-TS Ninh Viết Giao, các nhà nghiên cứu Nguyễn Hưu, Thái Kim Đỉnh và nhiều người khác đã có nhiều tâm huyết và công sức dành cho ví, giặm. Các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã cất công điền dã khắp các miền quê trong tỉnh để sưu tầm, tập hợp thành các công trình, bài viết, như: Hát giặm Nghệ Tĩnh (Nguyễn Đổng Chi), Hát phường vải (Ninh Viết Giao), Hát ví Nghệ Tĩnh (Nguyễn Chung Anh), Dân ca Nghệ Tĩnh (Vi Phong)… Các nhà quản lý, các nhạc sỹ Nguyễn Trung Phong, Lê Hàm, Vi Phong, Thanh Lưu, An Thuyên, Hồ Hữu Thới, Thanh Tùng… đã góp sức quảng bá các tác phẩm mới dựa trên nền ví, giặm. Bên cạnh đó, các nghệ nhân, nghệ sỹ như Đức Duy, Song Thao, Xuân Năm, Thanh Bảng, Tiến Dũng, Hồng Lựu… và nhiều nghệ sỹ, nghệ nhân khác bằng lời ca, tiếng hát của mình đã đưa ví, giặm lan tỏa... Hiện nay, hàng trăm câu lạc bộ dân ca ví, giặm; hơn 800 nghệ nhân ở 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh; các nghệ sỹ, nhạc sỹ chuyên nghiệp ở Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ ở Nghệ An và Nhà hát nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh quan tâm tới việc diễn xướng, bảo tồn và phát huy giá trị của Dân ca ví, giặm. 
 
Mới đây, trong khuôn khổ gặp gỡ Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Việc bảo tồn và phát huy Dân ca ví, giặm hiện đang được 2 tỉnh thực hiện bằng việc làm cho nó xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc, trong nhiều không gian, thời gian. Đó là việc thành lập các CLB dân ca ở các địa phương để tập hợp các nghệ nhân hát dân ca, trên cơ sở đó, đưa Dân ca ví, giặm trở về với cộng đồng, với cuộc sống thường ngày của người dân. Ngành Văn hóa tăng cường đưa dân ca vào trường học; đẩy mạnh phong trào toàn dân hát dân ca, duy trì thi liên hoan dân ca hàng năm ở 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và tổ chức thi hát liên tỉnh 2 năm 1 lần. Đồng thời, tiếp tục công tác sưu tầm, thống kê, bảo tồn vốn Di sản Dân ca ví, giặm... Đồng thời kêu gọi các cá nhân, tập thể chung tay cũng tỉnh mở rộng không gian ví, giặm ra khỏi địa bàn để cộng đồng bạn bè trong nước và quốc tế được dịp thưởng thức loại hình nghệ thuật độc đáo này.
 
Chào mừng sự kiện UNESCO vinh danh Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh và Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ngày 20/12/2014, Nhóm cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Thành phố Vinh, Nghệ An) đã tổ chức Chương trình giao lưu "Về miền Ví, giặm" tại Trường Phan Bội Châu, tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng thầy trò và đông đảo khán giả. Hiện nay Nhóm học sinh trường chuyên Phan Bội Châu ở Hà Nội đang lên kế hoạch tổ chức chương trình giao lưu “Ân tình ví, giặm” tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam (8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) vào đêm 7/3/2015. Hàng chục nghệ nhân, nghệ sỹ của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ do NSND Hồng Lựu phụ trách cùng các em sinh viên xứ Nghệ đang học tập tại Hà Nội yêu dân ca sẽ tham gia chương trình. Nhạc sỹ An Thuyên, Tổng đạo diễn chương trình cho biết: “Chương trình không chỉ thỏa mãn nhu cầu thưởng thức của cộng đồng người Nghệ tại Hà Nội mà sẽ là món quà “chào Xuân” đầy ý nghĩa tại mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến này”. 
 
Dự kiến chương trình sẽ tiếp tục được tổ chức ở Nha Trang và TP. Hồ Chí Minh. Nói thế để khẳng định rằng, một khi đã được cộng đồng quan tâm, không gian của Dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh sẽ rộng mở và lan tỏa.
 
An Thanh