(Baonghean) - Đền Gành ở xóm Lam Dinh, xã Thanh Giang (Thanh Chương) không chỉ là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của người dân địa phương, mà còn là điểm đừng chân của bao du khách mỗi lần về thăm xứ Phuống. Đền toạ lạc bên gành Bình Ngô, nên gọi đền Gành...
Theo các cụ cao niên trong xóm, đền Gành có từ xa xưa. Nơi đây, sông Lam chảy xiết vào bờ, tạo thành gành nước xoáy sâu cuồn cuộn, gây nguy hiểm cho người và thuyền bè qua lại. Có lẽ vì thế, người dân trong vùng đã xây dựng trên vị trí hiểm yếu của ngôi đền cổ, thờ “Bản cảnh Thành hoàng Lam Giang đại thần”, cầu mong sức khoẻ cho mọi người, hiền hoà cho sông nước, thuận lợi cho làm ăn... Trước mặt đền là gành. Sau lưng đền là làng xóm. Qua thời gian, chiến tranh, bão lũ, đền đã bị hư hỏng, không có tài liệu, sách vở, hay sự tích, câu chuyện truyền khẩu nào nói về nguồn gốc cổ xưa của đền.
Cụ Nguyễn Xuân Đồng (93 tuổi) - cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa cho hay: “Ngày xưa đền Gành có 2 nhà thượng, hạ. Nhà thượng 2 gian 6 cột, nằm dọc, bên trong có nhiều đồ tế khí như gươm, giáo, long ngai, cổ bồng; nhà hạ 3 gian, xung quanh xây tường hàu, là nơi treo một cái mõ to, dài, giống hình con cá, chỉ gõ lên mỗi lúc có việc tại đền. Cạnh đền, cây cối rậm rạp, có nhiều cây cổ thụ sum suê như giới (duối), thị... Cạnh đền là bến Gành, hay còn gọi là bến Lam Dinh, người xưa đã vận chuyển một khối lượng lớn các loại đá về đây, trong đó có những phiến đá như mặt bàn, ghép thành bến nước kiên cố, thuận lợi cho dân làng sinh hoạt bao đời. Bến nước, sân đền là những nơi thân thuộc gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây.
Đền Gành vừa là nơi sinh hoạt tâm linh của bà con xóm Gành (xóm Lam Dinh bây giờ) và vùng lân cận, vừa là nơi hội họp dân làng thuở xưa, mỗi khi có việc. Cụ Nguyễn Hữu Hoà (95 tuổi), nhà ở cạnh đền cho biết: Những ngày cách mạng, chiến tranh, đền là nơi hội họp của cán bộ, các đoàn thể địa phương; là nơi cất giấu vũ khí; nơi tập trung dân làng để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng... Từ xưa tới nay, đền luôn là nơi hội tụ linh thiêng trong tâm thức của mỗi người con xóm Gành.
Những năm qua, với sự đóng góp của các gia đình trong xóm, sự ủng hộ, hướng về cội nguồn của con em Lam Dinh trên mọi miền đất nước, đền Gành được trùng tu tôn tạo. Tháng 7/2013, đền được hoàn thành với diện mạo mới, to đẹp, uy nghi, gồm cổng tam quan, hạ điện, thượng điện, giữ được nét uyển chuyển, mềm mại của lối kiến trúc cổ xưa với những mái ngói âm dương lượn vành trăng, những đầu đao hình rồng cong vút... Đồ thờ tự trong nội điện như long ngai, bát bửu, tượng Hộ Pháp... đều được mua sắm đầy đủ. Hiện vật cổ duy nhất còn lại của đền xưa là đôi kiếm thờ. Cuối năm 2014, dân làng khôi phục, nâng cấp hơn 100m đường trước mặt đền, biến một lối đi nhỏ hẹp chênh vênh, sát gành thành một đoạn đường bê tông rộng 4 đến 6m, có móng đá vững chãi và lan can khang trang. Đường đền ôm trọn mặt sau của làng, khép kín với đường làng, đường 533, bằng 2 lối ra vào. Bên phải đền, sát bến Lam Dinh, một “vọng lâu” 4 cột được dựng nên như một toà sen sắp nở. Với người làng, “vọng lâu” này là nơi dừng chân của các vị thần linh, là nơi hóng mát của dân làng mỗi khi ra đền vãn cảnh.
Từ đền Gành nhìn về phía Bắc, thu vào tầm mắt một vùng non nước Lam giang. Bên phải là bãi Triều, ngô, khoai tít tắp. Bên trái là chợ Phuống, đền Bản Huyện, đình Bích Thị là Di tích Lịch sử - Văn hoá quốc gia. Các công trình này đều nằm gần nhau, trên cùng một dải đất thoáng đãng, soi mình xuống dòng sông Lam, tạo nên một quần thể di tích, một không gian văn hoá linh thiêng, hiếm có, với những vẻ đẹp riêng.
Những ngày sóc, vọng hàng tháng, người dân trong làng và vùng lân cận, lại về đây thắp hương, dâng lễ, cầu phúc cho gia đình mình. Tại đền, hàng năm thường diễn ra các ngày lễ trọng: lễ khai xuân, lễ ông Táo, đại lễ (13 tháng Bảy)... Xuân năm nay, những người con Lam Dinh và du khách gần xa, sẽ được về đền Gành hội tụ trong muôn sắc mới, hân hoan trước những đổi thay trên vùng quê xứ Phuống .
Huy Thư