(Baonghean) - Khi các sườn đồi đã bung nở sắc đỏ của hoa đào, màu trắng hoa mơ, hoa mận, khi cái lạnh tê tái cuối đông vẫn còn vấn vít trên những cánh rừng đầu bản, người Mông Kỳ Sơn cùng đồng bào các dân tộc khác trên cả nước lại rộn rịp đón Tết cổ truyền... 
 
Những ngày này ở Kỳ Sơn, đất trời đã dày sương hơn. Mà cũng chẳng biết đó là sương hay mưa phùn nữa. Nhưng mặc mưa sương, khí lạnh bao trùm, đào mận trên nương vẫn bắt đầu bung nụ. Các già bản, lũ trai trẻ đều bảo: Tết Nguyên đán đã về. Gia đình cụ Già Giống Rê, năm nay 83 tuổi, bố của liệt sỹ Già Bá Chá trú tại bản Phá Lếch Phay, xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn dường như vui hơn hẳn. Bởi năm nay, gia đình cụ đã được đón Tết trong căn nhà tình nghĩa mà Đảng, Nhà nước, chính quyền và nhân dân làm tặng thân nhân người có công. Không chỉ riêng nhà già Rê, các hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đều được các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị trong và ngoài tỉnh hỗ trợ, giúp đỡ, góp phần làm vơi đi những khó khăn, vất vả của ngày thường để họ có một cái Tết đầm ấm hơn. 
image_3859329.jpgĐồng bào Mông bản Huồi Viêng, xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn làm bánh nếp đón năm mới. Ảnh: Hải Thượng
Già Rê chia sẻ: “Năm nay bố được Đảng và Nhà nước làm cho căn nhà mới trên nền đất cũ. Bố cũng được cán bộ huyện, xã, các ban, ngành quan tâm, cho quà các ngày lễ trong năm. Bố rất mừng, phấn khởi khi được quan tâm như thế!”. 
 
Trước đây, người Mông Kỳ Sơn ăn Tết riêng khi mùa vụ đã thu hái xong. Sau khi được Đảng và Nhà nước tuyên truyền, vận động, giờ đây đồng bào Mông đã cùng đón chung Tết Nguyên đán với đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, cái Tết của đồng bào Mông vẫn giữ được nét độc đáo rất riêng. Đó là, sáng ngày 30 Tết, tại một bãi đất rộng, bằng phẳng, cả dòng họ sẽ tập trung trồng cây nêu để làm lễ Gẩu su (hay còn gọi là lễ xua tà), xua đi những điều không may mắn, cầu mong những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới. 
Đồng bào Mông (Kỳ Sơn) múa khèn ngày Xuân.
Ông Hờ Chồng Pó ở xã Tây Sơn giảng giải: Khoảnh khắc giao thừa của đồng bào Mông ở Kỳ Sơn được tính bằng tiếng gà gáy đầu tiên. Bắt đầu từ đêm 30 Tết, người người, nhà nhà đều ngồi chờ đón giao thừa. Mọi người ngồi bên bếp, lửa bập bùng và ôn lại những câu chuyện của năm cũ, hay hát những bài hát truyền thống đón Xuân. Với người Mông, bếp lửa theo truyền thống không thể thiếu trong 3 ngày Tết, họ luôn để bếp cháy rực cả ngày lẫn đêm. Các cụ bảo, lửa cháy như vậy là sưởi ấm tổ tiên khi tổ tiên về ăn Tết và cũng là để mọi người sưởi ấm, xua đi cái lạnh tê tái nơi vùng cao. Đồng bào Mông ăn Tết trong 3 ngày chính, còn các hoạt động vui chơi thì kéo dài đến ngày Rằm tháng Giêng.
 
Trong ngày mồng Một Tết, các thành viên trong gia đình đến thăm, chúc thọ cho những vị cao tuổi trong dòng họ, anh em, họ hàng gần, xa tìm đến gia đình nhau để chúc tụng cầu mong một năm mới mạnh khỏe, bình yên, một năm mùa màng tươi tốt, con cháu học hành chăm ngoan. Từ ngày mồng Hai, mồng Ba trở đi, phần vui chơi, lễ hội mới được bắt đầu. Từ sáng sớm, tại các sân bãi, các trò chơi đậm chất dân gian như ném po po, kéo co, bắn nỏ, múa khèn, văn nghệ... và ngoài ra, không thể thiếu những màn chọi trâu, chọi bò của cánh đàn ông, trai tráng. Ngày Xuân, cũng là dịp để những chàng trai, cô gái náo nức trong hội hái hoa ban, nồng say cùng vòng xòe mê đắm, trao nhau khúc hát giao duyên, hò hẹn. “Trong mấy ngày Tết chính, tại mỗi gia đình, mâm cỗ luôn được người phụ nữ trong gia đình chuẩn bị trước và sẵn sàng đón tiếp khi có khách đến. Uống rượu vòng là phong tục rất độc đáo của người Mông nói chung. Qua chén rượu nồng để gửi cho nhau những lời chúc tốt đẹp khi bản làng bước sang năm mới” - anh Mùa Bá Vừ, Trưởng bản Sơn Hà, xã Tà Cạ nói. 
 
...Tết này, người Mông xã Huồi Tụ là vui nhất! Dân bản Huồi Đun trầm trồ nói thế. Vui, vì đã có cái điện lưới quốc gia về bản, bà con đón Tết to hơn. Đêm, sắc hoa đào, hoa mận ngoài vườn ghé thềm nhà như lung linh hơn lên nhờ ánh đèn điện. Cái lạnh giá của mùa Đông dường như bị xua tan trong niềm phấn khởi của dân bản Huồi Đun. Điện về thắp sáng lòng người, thắp sáng những ước mơ và dự định ấp ủ trong mỗi người dân bao năm qua. Đến thăm gia đình bà Hờ Y Trừ trú tại bản Huồi Đun, cả nhà đang sửa soạn trang trí nơi thờ cúng của gia đình để chuẩn bị đón năm mới. Năm nay điện lưới về bản, gia đình bà đã sắm thêm bộ đèn nháy, mua máy vi tính cho con trai và nhiều thiết bị dùng điện khác. Tết đến, Xuân về, bà con vui mừng đón điện, nhà bà Y Trừ lúc nào cũng đông người đến chơi, các chị, các mẹ ngồi hàn huyên, tâm sự và cùng nhau xem phim, xem ca nhạc tiếng Mông. Bà Trừ khoe hệ thống dây điện được cán bộ Điện lực Kỳ Sơn dẫn mắc trong nhà, rồi cả những thiết bị điện mà gia đình mới mua sắm được, đôi mắt người phụ nữ Mông ánh lên niềm sung sướng, tự hào. Bà phấn khởi: “Năm nay bản ta có điện về, không tối mù mù như xưa nữa. Năm nay sướng rồi. Nhà ta mua ti vi, mua nhiều cái khác. Bây giờ đi rẫy về muộn, có điện nấu ăn cũng nhanh hơn. Có ti vi xem thì họ làm chi ở mô ta cũng thấy hết. Họ làm ăn như thế nào ta cũng làm theo... Cảm ơn Nhà nước, cảm ơn Đảng đã quan tâm đến đời sống dân bản”.
 
Cũng như nhà bà Y Trừ, gia đình anh Lỳ Bá Sểnh ở bản trung tâm xã Huồi Tụ mở ki ốt sửa chữa điện tử đã 9 năm nay. Nhiều năm về trước chưa có điện, gia đình anh chủ yếu dùng điện nước để sinh hoạt và duy trì sửa chữa các thiết bị điện (chạy điện mi-ni). Ngày mưa, nước lớn không có điện, mọi công việc của anh dường như dừng hẳn. Vì thế mà thu nhập cũng kém hơn. Năm nay có điện lưới về, nắm bắt được nhu cầu mua sắm của người dân về các thiết bị loa, đài, ti vi, đầu đĩa... nên sát Tết gia đình anh Sểnh đã đầu tư thêm nhiều mặt hàng để bán. Vợ anh là nghề may quần áo, anh mua hẳn mô-tơ điện để vợ không phải đạp bằng chân như trước đây. Điện về không chỉ làm cho cuộc sống của người Mông xã Huồi Tụ sáng hơn, mà có lẽ phấn khởi nhất vẫn là các thầy, cô giáo và học sinh. Những lớp học đã sáng ánh điện, thay thế cho những ngọn đèn dầu trước đây, để phục vụ cho việc dạy và học của thầy - trò vào ban đêm. Thầy giáo Nguyễn Văn Đăng - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Huồi Tụ nói: “Chúng tôi rất phấn khởi khi có điện lưới về. Mọi công việc của nhà trường, việc học tập của học sinh thuận tiện hơn. Nhờ vậy mà chất lượng đại trà của nhà trường được nâng lên rõ rệt”.
 
Năm nay dường như mùa Xuân cùng cái Tết về sớm hơn, vui hơn với đồng bào các bản Mông ở Kỳ Sơn... Mùa Xuân ấy, chính là từ mối quan tâm của cộng đồng, xã hội, của nhà nước suốt cả tháng nay đối với người nghèo, bản nghèo, xã nghèo trên những lưng chừng núi vùng biên cương... 
 
Hồng Thoa