(Baonghean) - Cách đây mấy ngày, báo chí đưa tin một chuyên gia người Thái Lan đã nhận định rằng “gạo Việt Nam đi sau Thái Lan 100 năm” và chỉ ra một thực tế buồn là gạo Việt Nam đang ngày càng thất thế trước gạo Thái Lan, Campuchia, Myanmar... Danh hiệu nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới chỉ là trên danh nghĩa. Vậy nguyên nhân do đâu?
Theo nhận định của các chuyên gia thì trước hết là do chưa gây dựng được thương hiệu có uy tín trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, Thái Lan đã có 250 thương hiệu quốc gia khác nhau cho các sản phẩm chất lượng từ trung bình đến cao cấp. Theo như những gì người Thái nói thì gạo thơm của họ có lịch sử trên 100 năm bắt đầu từ nhà vua Rama. Một trăm năm trước, ông vua này đã có chỉ dụ về xây dựng thương hiệu gạo có phẩm cấp tốt, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho các giống gạo để xuất khẩu ra nước ngoài. Hơn 50 năm trước, Thái Lan chính thức công bố các giống lúa gạo nổi tiếng gọi là Thai Hom Mali Rice, đồng thời xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng cho các loại gạo. Tiêu chí để khu biệt và nhận diện gạo Thái bao gồm các tiêu chí về độ tinh khiết; mã vạch; nguồn gốc về bao bì; logo, màu sắc, nhận diện bao bì đều thể hiện sự thống nhất. Trong khi đó, Việt Nam ta “Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu. Nhân dân ta cần cù, anh dũng” nhưng vẫn chưa có một thương hiệu gạo quốc gia nào.
Vì sao lại như vậy? Ta sở hữu tới 100 giống lúa cơ mà, sao đến giờ vẫn chưa tìm được loại nào để xây dựng thương hiệu? Các dạng câu hỏi về vấn đề này thì nhiều lắm. Cơ mà, như thường lệ, khi đụng đến vấn đề trách nhiệm người ta lại tìm mọi cách đổ lỗi vòng quanh. Các nhà quản lý nói do cơ chế, chính sách, nền tảng khoa học - kỹ thuật yếu, trình độ nông dân thấp; các chuyên gia cho rằng do Nhà nước và doanh nghiệp không lo xây dựng thương hiệu; các công ty lương thực thì đổ thừa: Thua là vì chất lượng gạo kém… Ai cũng bảo mình đúng nhưng không ai chịu trách nhiệm cả. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, điểm yếu nhất của gạo Việt Nam là thiếu đồng đều về chất lượng, chủ yếu phân chia theo tỷ lệ tấm, thông dụng 5%, 15%, 25%. Chỉ cần khắc phục được điểm yếu đó cộng với xây dựng quy trình để nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để ra lúa nguyên liệu giá thành thấp nhất mà chất lượng cao nhất, sau đó mua nguyên liệu, xử lý tại nhà máy hiện đại, cho ra những sản phẩm gạo thật tốt. Đơn giản thế thôi. Lạ một nỗi là các doanh nghiệp Việt không chịu làm theo. Đến mùa lúa chín, thương lái vừa mua vừa ép giá nông dân, lúa giống nào, tốt hay xấu, phẩm cấp cao hay thấp đều đổ chung vào nhau thành một đống tả phí lù. Cái đống đủ loại hỗn độn đó thành ra gạo Việt. Không chỉ doanh nghiệp tư nhân và ngay cả các doanh nghiệp nhà nước là những người đứng mũi chịu sào có đủ “binh hùng, tướng mạnh” và nguồn tài chính vô biên từ ngân sách nhà nước như Tổng Công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam (Vinafood 1, Vinafood 2) cũng vẫn thích chơi trò "tay không bắt giặc". Nghĩa là cũng đi thu gom lúa gạo tứ xứ về, có gì bán nấy. Không theo bất cứ một tiêu chuẩn nào. Bởi nếu theo tiêu chuẩn cụ thể thì phải đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu riêng, giống má riêng, quy trình sản xuất riêng, phù hợp với từng loại… cách rách, tốn thời gian, công sức lắm. Thế nên, cứ thu mua theo kiểu vơ bèo, vạt tép. Có gì mua nấy rồi bán nấy. Miễn là có lãi. Lãi càng cao càng tốt. Thương hiệu quốc gia có hay không có, uy tín cao hay thấp đều không quan trọng bằng việc đút túi được bao nhiêu tiền. Lối làm ăn thời vụ, chụp giựt kiểu đó đã thành thói quen cố hữu khó bỏ. Các nhà buôn, nhà quản lý làm ăn ù xòe kiểu đó thì nông dân cũng thế thôi. Họ bón cho lúa đủ thứ phân, phun cho lúa đủ thứ thuốc bất kể độc hại hay không. Miễn là có năng suất cao. Rồi xanh chín gì khi gặt cũng vơ tuốt cho chắc ăn theo đúng quan niệm “non ở nhà hơn già ở đồng”. Phẩm chất gạo như thế hỏi sao mà cao, mà có uy tín được.
Xem ra thì sau 30 năm tiến hành đổi mới, hội nhập quốc tế, sản xuất nông nghiệp của ta vẫn theo kiểu phận ai, người nấy lo như cả ngàn đời nay. Từ người nông dân cho tới nhà buôn, nhà quản lý ai cũng chỉ bo bo nghĩ cho riêng mình. Chỉ biết lợi nhuận trước mắt theo kiểu “cưa đứt, đục suốt” mà không nghĩ tới lâu dài. Một kiểu làm, kiểu nghĩ rất phổ biến và rất nghiệp dư. Mà nói như nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn thì là “Tôi nghiệp dư, anh nghiệp dư, nó cũng nghiệp dư”. Suy cho cùng thì tất cả mọi sự yếu kém, thất thế đều bắt nguồn từ lối nghĩ, cách làm nghiệp dư.
Bụt Sơn