(Baonghean) - Mỗi người, dù ở cương vị khác nhau, là kỹ sư, thầy giáo hay học sinh, hoặc người lính nơi biên cương... bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực, họ đã tạo nên phong trào thi đua rộng khắp trong toàn tỉnh về "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Hàng trăm điển hình, tấm gương tiêu biểu đã xuất hiện tô đẹp và làm rạng rỡ sắc xuân cho những ngõ phố, xóm làng, thôn bản của quê hương Nghệ An...
 
Kỹ sư trẻ đam mê sáng tạo
 
Sinh ra và lớn lên ở xã Nghĩa Thái (Tân Kỳ) tuổi thơ của Nguyễn Hoàng gắn liền với những bãi mía, bờ dâu và dòng sông Con hiền hòa, trĩu nặng phù sa. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Nguyễn Hoàng mong muốn được trở về Tân Kỳ công tác phục vụ quê hương. Nguyện vọng đó được toại nguyện khi anh được Công ty Mía đường Sông Con nhận vào làm việc tại Phòng Kỹ thuật. Với nhiệt huyết tuổi trẻ và sự kiên trì chịu khó trong lao động, kỹ sư Nguyễn Hoàng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 4 năm liên tục anh đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng hiệu quả sản xuất cho nhà máy và cải thiện thu nhập cho người lao động. 
 
images921655_11b.jpgĐồng chí Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng gặp mặt các cá nhân đoạt giải Nguyễn Đức Cảnh (Kỹ sư Nguyễn Hoàng đứng gần nhất bên tay trái đồng chí Lê Hồng Anh)
 
Năm 2009, trước thực trạng nhu cầu thu mua mía cho người dân ngày càng cao nhưng công suất ép mía của nhà máy còn khiêm tốn (1.650 tấn mía/ngày), Công ty đầu tư đổi mới một số thiết bị để nâng công suất ép mía lên 2.500 tấn mía cây/ngày. Một vấn đề mới nảy sinh là bộ thu hồi đường nồi nấu 20m3 không thích ứng được với hoạt động dây chuyền mới, lượng đường thất thoát ra hồ chứa nước thải lên men gây mùi hôi, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh. 
 
Thực tế trên đặt ra cho kỹ sư trẻ Nguyễn Hoàng rất nhiều trăn trở. Trên cơ sở tìm hiểu, làm rõ nguyên nhân, Hoàng cùng anh em bộ phận kỹ thuật  tìm cách thiết kế bộ thu hồi đường mới tiên tiến thay thế bộ thu hồi đường cũ. Sau hơn 5 tháng tìm tòi thử nghiệm, Hoàng cùng anh em Phòng Kỹ thuật đã thiết kế ra bộ thu hồi đường đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, được áp dụng ngay vào sản xuất đã khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất và làm lợi cho Công ty trên 400 triệu đồng/năm. Để cho ra đời công trình “Cải tạo hệ thống đường ống hệ bốc hơi từ 5 nồi sang 6 nồi, 5 hiệu”, Hoàng đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết cho sản phẩm này. Ngoài giờ làm việc, từ kiến thức đã học được ở sách vở, anh tranh thủ tìm hiểu nghiên cứu bộ thu hồi đường cũ và các bộ thu hồi đường hiện có trên thế giới, từ đó vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và sáng kiến của mình để thiết kế, chế tạo bộ thu hồi đường mới với chi phí đầu tư thấp, phù hợp với điều kiện, không gian lắp đặt và cấu tạo của nồi nấu đường 20m3 mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động của dây chuyền. 
 
Hiệu quả thực tế ngoài mong đợi, sau khi đưa bộ thu hồi đường mới vào sử dụng, ngoài việc vận hành tốt vụ ép 2010-2011, qua kiểm tra không còn hiện tượng mật đường theo ống hơi thoát ra ngoài môi trường, giảm được tổn thất 0,05%, tương đương 16,8 tấn đường mỗi năm. Với công trình sáng tạo này, Hoàng không chỉ làm giảm thất thoát về đường mà còn góp phần tăng doanh thu cho Công ty và cải thiện thu nhập của người lao động. Bên cạnh đó, sản phẩm sáng tạo của kỹ sư Nguyễn Hoàng còn góp phần “giải” bài toán về ô nhiễm môi trường mùi hôi khiến người dân sống xung quanh nhà máy luôn lo lắng mỗi khi bước vào vụ ép mía mới…
 
Tại cuộc thi Sáng tạo Khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An năm 2011, kỹ sư Nguyễn Hoàng là 1 trong 2 gương mặt sáng tạo tiêu biểu của tỉnh vinh dự được trao giải Nhất. Niềm vui nhân đôi khi cũng trong năm này Hoàng được đứng vào hàng ngũ của Đảng. 
 
Ông Trần Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Công ty CP Mía đường Sông Con cho biết: “Sau khi hoàn thành việc nâng công suất ép lên 2.500 tấn mía/ngày, Công ty đang có kế hoạch nâng công suất ép ổn định từ 3.000 - 3.500 tấn mía/ngày nên rất quan tâm và khuyến khích người lao động thi đua sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Với 4 công trình sáng kiến cải tiến thiết bị công nghệ, kỹ sư Nguyễn Hoàng là một điển hình đi đầu trong phong trào thi đua sáng tạo của Công ty. Những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của anh được ứng dụng vào thực tiễn không chỉ làm lợi cho Công ty hơn 1 tỷ đồng/năm mà còn góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển bền vững, tạo môi trường sản xuất sạch và thân thiện; qua đó, tạo việc làm ổn định cho gần 400 lao động tại nhà máy cùng hàng ngàn hộ dân vùng nguyên liệu.
 
Với những thành tích trên, năm 2013, Nguyễn Hoàng được tập thể đơn vị suy tôn là điển hình tiêu biểu trong học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh toàn Công ty và huyện Tân Kỳ. Kỹ sư Nguyễn Hoàng khiêm tốn: “Công trình sáng tạo trên là công sức tập thể anh em Phòng Kỹ thuật và sự ủng hộ, tin tưởng của lãnh đạo Công ty. Bản thân may mắn khi được đứng trong tập thể và được tập thể suy tôn nên phải cố gắng để đáp lại niềm tin yêu đó”. Tin rằng, với đam mê và đức tính kiên trì cùng những ý tưởng sáng tạo độc đáo, kỹ sư Nguyễn Hoàng sẽ tiếp tục có những sáng tạo có ích cho doanh nghiệp, đồng thời góp phần làm cho quê hương Nghệ An ngày càng giàu mạnh.
 
PGS, TS  Lê Thế Vinh: Hạnh phúc là được cống hiến
 
Tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuyên ngành Vật lý điện tử, năm 2002, Lê Thế Vinh (SN 1976)  về làm chuyên viên Sở Khoa học Công nghệ. Anh được giao chủ nhiệm Đề án đưa khoa học công nghệ vào sản xuất rau sạch cho nhân dân xã Quỳnh Lương. Bằng tâm huyết và tài năng của người trẻ, chàng kỹ sư Vật lý đã cùng với các đồng nghiệp tích hợp được nhiều kỹ thuật trong công nghệ trồng rau sạch và đã đưa đến một trang web tiện ích, thân thiện với mọi đối tượng sử dụng.  
 
PGS, TS Lê Thế Vinh chạy thử mô hình thực nghiệm.
 
Những ngày tại Sở, anh luôn đau đáu với công tác đào tạo Tin học cho cán bộ văn phòng nhằm hướng đến tin học hóa công tác hành chính sự nghiệp. Thế nên khi Sở KH và CN mở trung tâm dạy Tin học văn phòng cho cán bộ văn phòng các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh, anh đã xung phong đảm nhận. Tháng 7 năm 2004, anh làm hồ sơ xin được giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật Vinh (nay là Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh).
 
Khi được hỏi vì sao một chàng kỹ sư lại yêu thích ngành sư phạm đến thế, PGS. TS Lê Thế Vinh trả lời: “Dường như cơ duyên với sư phạm đã theo tôi từ những ngày còn là sinh viên. Năm thứ 2, tôi đã là giảng viên trợ giảng cho những sinh viên trong các chuyên đề khoa học, từng trực tiếp chỉ dẫn các bài tập lớn, các tiết thực hành trong giờ lên lớp của các giáo sư. Tình yêu với nghề cầm phấn có lẽ đã nhen nhóm trong tôi từ ngày ấy”. Trúng tuyển làm giảng viên Khoa Kỹ thuật điện tử đã giúp anh thực hiện ước mơ cháy bỏng bấy lâu. Đây là môi trường làm việc mà theo anh là “như cá gặp nước”. Không chút bỡ ngỡ, không cần thời gian tập sự, thầy giáo Lê Thế Vinh say mê truyền thụ kiến thức cho sinh viên như một giảng viên lâu năm đã có nhiều kinh nghiệm. Từ niềm đam mê đó anh đã miệt mài nghiên cứu và được nhà trường giao trọng trách giảng dạy những bộ môn chính: Kỹ thuật vi xử lý, Vật lý điện tử, Kỹ thuật siêu cao tần, Mô phỏng mạch điện tử, kiến trúc máy tính…   
 
Để có những buổi lên lớp nhiều thông tin, mang lại nhiều kiến thức  cho sinh viên, anh đã soạn những bài giảng có tính chuyên đề sâu từ những tạp chí, giáo trình mà anh đã được tiếp cận. Những giáo án đó được anh in thành tài liệu học tập cho sinh viên, giúp các em có thể tiếp cận được kiến thức trong bài giảng của thầy một cách tối ưu nhất như giáo trình thực hành các bộ môn: Thực hành vi điều khiển, Kiến trúc máy tính. Và với niềm say mê nghiên cứu, anh đã hoàn thành nhiều chuyên đề sâu mang tính phát hiện, lý giải quy luật trong tự nhiên như: Nghiên cứu vi cấu trúc và một số tính chất vật lý của vật liệu ôxit SiO2, AL2O3, GeO2, mô hình hóa vật liệu SiO2 và (Al2O3)x(SiO2)1-x. Đó cũng chính là đề tài được triển khai trong luận án tiến sỹ mà anh đã bảo vệ thành công năm 2008. Công trình này đồng thời được công bố trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Và cũng từ những công trình khoa học cơ bản này, anh được xét đề nghị công nhận hàm PGS. 
 
Giảng dạy trong ngôi trường đào tạo những giáo viên dạy nghề, hơn hết người giảng viên tại đây phải là những người chú trọng công tác thực hành cho sinh viên. Những năm là Phó xưởng trưởng Xưởng thực hành, anh luôn cố gắng hết sức để giúp sinh viên thành thạo kỹ năng. Với mỗi đối tượng sinh viên anh luôn tìm ra cách truyền đạt riêng, nếu là học viên cao học và sinh viên xuất sắc thì anh hướng họ đến những kiến thức mở, từ đó hướng dẫn họ bắt đầu biết nghiên cứu. Với những sinh viên có khả năng hạn chế anh lại hướng dẫn họ trau dồi tay nghề trong thực hành. 
 
Song song với công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, anh còn đảm nhận vai trò làm công tác đào tạo với cương vị Trưởng phòng Đào tạo. Và trên cương vị mới, anh là người cẩn trọng và có tầm nhìn xa để thu hút được sự đầu tư về nhân lực, về cơ sở vật chất hay thu hút số lượng lớn sinh viên mỗi năm.   
 
PGS, TS Lê Thế Vinh luôn tâm niệm, làm việc gì, người cán bộ giảng dạy cũng cần có sự đam mê và trách nhiệm. Và điều mà mọi người quý mến anh không chỉ là sự lao động cần cù miệt mài, đức hy sinh lớn trong công việc mà còn là sự nhiệt tình chân thành với sinh viên, học viên cao học và cả những đồng nghiệp khi cần sự giúp đỡ của mình. Với anh: “Học theo Bác không khó, chỉ cần biết phát huy khả năng và lấy sự cần cù để trau dồi nó. Trong cuộc sống, học theo Bác tốt nhất nên ứng xử một cách chân thành!”.
 
Cán bộ “miệng nói hay, tay khéo làm”
 
Nhiều năm liền, Thiếu úy Lầu Bá Nênh, nhân viên Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Mường Típ, huyện Kỳ Sơn tình nguyện xuống cắm bản với quyết tâm làm thay đổi nhận thức và cuộc sống của đồng bào. Thời gian dài bám dân, cầm tay chỉ việc, anh đã góp sức đưa cuộc sống của đồng bào Mông ở bản Huồi Khí, xã Mường Típ ngày một đổi thay, tiến bộ…
 
Chúng tôi đến Đồn Biên phòng Mường Típ đúng vào buổi lễ chào cờ đầu tuần của đơn vị. Hôm nay Thiếu úy Lầu Bá Nênh, nhân viên Đội vận động quần chúng là người được vinh dự đứng dưới lá cờ Tổ quốc đọc 10 lời thề danh dự của quân nhân. Tiếng hô dõng dạc của Thiếu úy Lầu Bá Nênh trong buổi lễ chào cờ cũng là lời chia tay của anh với đồng đội. Nơi anh đến thực hiện nhiệm vụ là bản Huồi Khí, vùng đất khó khăn nhất xã và cách xa đồn ròng rã 1 ngày đêm vượt dốc.
 
Thiếu úy Lầu Bá Nênh vận động trẻ em đến trường.
 
Hành trang của anh bộ đội cắm bản thật giản dị, trên vai là chiếc ba lô và kho kiến thức, kinh nghiệm về vận động quần chúng tại địa bàn người Mông mà anh đã học được qua hơn 10 năm binh nghiệp. Buổi làm việc đầu tiên của anh với Ban quản lý bản đúng vào ngày sinh hoạt chi bộ thường kỳ. Có bộ đội biên phòng về, Bí thư chi bộ Lầu Bá Lầu như được dịp để trút bầu tâm sự. Bá Nênh lặng lẽ ngồi nghe bí thư kể về những khó khăn mà chi bộ bản và bà con nơi đây đang gặp phải. Đường sá đi lại khó khăn trắc trở, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, người dân còn thiếu đói, nhiều trẻ không được đến trường nên một số hộ dân đã tìm cách di cư sang Lào với hi vọng thay đổi cuộc sống.
 
Lầu Bá Nênh quyết định đến gia đình Lầu Nhia Vừ, một thanh niên đang có ý định đưa cả gia đình di cư sang Lào. Hàng đêm, Nênh đến từng nhà để nói chuyện với dân bản, hôm nhanh thì vài ba mươi phút, hôm dài thì đến hàng giờ đồng hồ. Việc đầu tiên là anh thuyết phục được Lầu Nhia Vừ ở lại bản, ít nhất là để xem anh có làm cho dân bản đỡ nghèo, đỡ khổ không đã và Lầu Nhia Vừ đã đồng ý ở lại. Tuy nhiên, khó khăn mới lại đến khi  bản Huồi Khí và cụm dân cư Chà Lạt, Huồi Khói, Huồi Phe có tới 90% hộ nghèo. 
 
Bằng niềm tin và sự kiên trì, Lầu Bá Nênh đi đến từng nhà và đến nay khắp vùng cao biên giới đều in dấu chân anh. Anh giúp đỡ dân bản từ những việc nhỏ như đuổi trâu từ rừng về, sửa sang lại chuồng trại, cùng tham gia lao động sản xuất để xóa đói giảm nghèo, xây dựng lại nhà cửa… Ở đâu người dân khó khăn, Lầu Bá Nênh có mặt. Dân bản Huồi Khí, Huồi Phe… bắt đầu nhìn anh với ánh mắt thân thiện, trìu mến. Từ khi có Bá Nênh, cuộc sống của người Mông vùng rẻo cao này có cơ hội đổi thay. Ông Lầu Dua Chò, Trưởng bản Huồi Khí cho biết: Từ khi có đồng chí Nênh về sinh hoạt với chi bộ, anh nhiệt tình giúp đỡ cho bà con biết làm ăn, an ninh, chính trị thay đổi nhiều.
 
Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với bà con, người cán bộ biên phòng càng hiểu và sẻ chia với những khó khăn mà đồng bào còn gặp phải. Để đồng bào Mông nơi đây ổn canh, ổn cư, biện pháp duy nhất là phải giúp họ thoát nghèo. Trên diện tích đất khai hoang, Bá Nênh đã mạnh dạn tham mưu cho người Mông ở Huồi Khí, Huồi Phe, Huồi Khói, Chà Lạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Không lâu sau, cây dong riềng, cây gừng, cây ngô cao sản đã mọc lên trên nương rẫy đồng bào người Mông và chỉ ngay trong vụ đầu tiên, những người dân đã có “của ăn của để”. 
 
Nhận thấy đất sản xuất còn nhiều, nhân lực ít nên Lầu Bá Nênh bàn bạc với bí thư bản để xây dựng nghị quyết, giúp bà con có vốn phát triển chăn nuôi. Anh quyết định dồn 3 tháng lương cho 3 hộ dân ở cụm dân cư Chà Lạt vay 30 triệu đồng không lấy lãi trong 5 năm để họ mua bò giống, phát triển chăn nuôi. Anh  Lầu Vả Lỳ, bản Huồi Khí (Mường Típ, Kỳ Sơn) là người được Lầu Bá Nênh cho vay vốn mua bò chăn nuôi đã chia sẻ: “Cuộc sống gia đình đang khó khăn, nghèo khổ vì thiếu vốn để phát triển chăn nuôi. Được anh Nênh cho vay 10 triệu đồng, gia đình đã mua 1 con bò mạ về làm giống, đến nay bò đẻ được 2 con. Bây giờ gia đình chỉ việc nhân rộng đàn và phát triển đàn bò lên”.
 
Nhiệm vụ của người cán bộ biên phòng cắm bản là giúp đỡ chi bộ về công tác đảng, công tác chính trị; đồng thời tham mưu, hướng dẫn cho bà con xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh vùng biên. Bá Nênh đã chung vai gánh vác tất cả và làm tròn các trách nhiệm ấy. Cũng bởi đường sá đi lại khó khăn, cuộc sống nghèo khổ, nhiều gia đình ở cụm dân cư Chà Lạt, Huồi Khói, Huồi Phe đã cho con em mình nghỉ học giữa chừng. Ý thức sâu sắc về hậu quả của vấn đề này, Lầu Bá Nênh đã tới tận từng hộ dân vận động con em họ quay trở lại trường học. Và người lính mang quân hàm xanh đã trở thành người thầy giáo của các em học sinh vùng biên giới này.
 
Già làng Lầu Nhia Hùa chia sẻ: “Nhờ anh Nênh tuyên truyền vận động đồng bào, anh em, bà con trong bản đã xóa bỏ hủ tục lạc hậu, kể cả ma chay, rượu chè, lễ tang, lễ cưới. Người dân bản ta bây giờ đã tin và sẽ xây dựng cuộc sống theo anh Nênh tuyên truyền”.
 
Sau 3 năm về bản, Bá Nênh đã giúp 9% hộ đồng bào Mông thoát nghèo. Nhiều gia đình đã xây dựng, phát triển được một số mô hình theo hướng trang trại hàng hóa với mức thu nhập từ 50 đến 60 triệu đồng/năm; tình hình an ninh, chính trị vùng biên được ổn định. Năm 2013, không còn hộ dân nào có ý định di cư sang Lào; Chi bộ Huồi Khí từ chỗ yếu kém đã được công nhận là chi bộ trong sạch, vững mạnh. Thiếu úy Nênh trở thành tấm gương tiêu biểu của lực lượng BĐBP Nghệ An trong công tác vận động quần chúng và học tập, làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ ở vùng cao biên giới.
 
Lầu Bá Nênh bộc bạch: “Bây giờ nhiều người trong bản đã đỡ đói, đỡ khổ rồi, nhưng để cái đói thật xa dân bản, người khấm khá sẽ giúp đỡ người nghèo, cả bản làng phải đoàn kết lại để xây dựng cuộc sống mới”. Nói là làm, hàng đêm, Lầu Bá Nênh vẫn đến từng nhà để trao đổi, trò chuyện với bà con người Mông ở Huồi Khí, bàn kế hoạch chuyển đổi cây trồng và chuẩn bị cho vụ sản xuất mới bội thu...
 
Nguyễn Hải - Thanh Nga - Hải Thượng