(Baonghean) - 15 tham luận báo cáo tại hội nghị toàn quốc Bộ phận giúp việc cấp ủy cấp tỉnh đã bao quát được những công việc, thể hiện rõ vai trò của Bộ phận giúp việc cấp ủy trong việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở từng cấp, từng ngành. Bên cạnh đó cũng thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, hạn chế cần được quan tâm...
 
Lựa chọn nội dung thiết thực
 
Không có chức năng chỉ đạo nhưng Bộ phận giúp việc cấp ủy cấp tỉnh thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đóng vai trò hết sức quan trọng, có ý nghĩa tham mưu toàn diện cho cấp ủy về Chỉ thị 03. Nói như đại biểu Huỳnh Văn Tới (Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai): “Công việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy mênh mông bát ngát, cho nên Bộ phận giúp việc phải luôn chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ, nhưng cũng vừa phải làm việc”. 
 
images933749_1b.pngPhụ nữ phường Trường Thi (TP. Vinh) “nuôi lợn tiết kiệm” giúp đỡ hội viên khó khăn. Ảnh: K.L
 
Và thực tiễn “vận hành” của Bộ phận giúp việc cho cấp ủy ở các tỉnh được các đại biểu nêu lên tại hội nghị đã thể hiện vai trò tham mưu “tất tần tật” cho Ban Thường vụ thực hiện Chỉ thị 03, từ quy chế làm việc, kế hoạch, chương trình, nội dung hoạt động, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chỉ thị 03 của Ban Thường vụ. Nhiều ý kiến phát biểu cũng cho thấy rõ quan điểm “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là việc làm thường xuyên với sự tích tụ dần dần vào tiềm thức, suy nghĩ và hành động của mỗi tập thể, cá nhân. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần lựa chọn vấn đề trọng tâm, điểm nhấn nhằm tạo ra những “bước nhảy vọt”. Chính vì vậy, ở mỗi địa phương, Bộ phận giúp việc các tỉnh đều lựa chọn để tham mưu cấp ủy triển khai sát với tình hình thực tiễn của địa phương trên cơ sở kế hoạch, hướng dẫn thực hiện nội dung xuyên suốt, từng chuyên đề của Ban Tuyên giáo Trung ương ở từng năm.
 
Đối với Bộ phận giúp việc tỉnh Lào Cai đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy chế về thực hiện Chỉ thị 03 của người đứng đầu; theo đó hàng năm tổ chức chấm điểm người đứng đầu, góp phần chuyển biến tích cực về tác phong, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao cũng như trong việc thực hiện Chỉ thị 03, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở. Cũng thông qua đó, những người đứng đầu chấp hành nghiêm túc việc không sử dụng xe công trong việc đưa đi - đón về. Còn Bộ phận giúp việc cấp ủy tỉnh Đồng Nai lại tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy chế nêu gương của cán bộ, đảng viên, cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gồm 7 nội dung, vừa mang tính định tính, vừa định lượng, đồng thời có tiêu chí đánh giá cụ thể gắn với thi đua khen thưởng kịp thời với tổng số 1.360 gương điển hình tiên tiến Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được tuyên dương ở các cấp. 
 
Ở tỉnh Bình Phước, năm 2013, Bộ phận giúp việc đã tham mưu cho cấp ủy triển khai 2 nội dung trọng tâm. Thứ nhất là xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp phù hợp với từng cấp, từng ngành, cơ quan, đơn vị và công khai ở những nơi dễ nhìn, dễ đọc nhất trong mỗi cơ quan, từ đó, mỗi cán bộ, công chức hàng ngày soi vào để tự răn mình; đồng thời người dân có thể theo dõi, giám sát cán bộ, công chức ở từng cơ quan, đơn vị. Thứ 2 là tập trung khắc phục khuyết điểm sau kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Và trong năm 2014 này, Bình Phước tiếp tục chọn 2 nội dung trọng tâm để tập trung chỉ đạo, đó là tập trung thực hiện quy định nêu gương của cán bộ các cấp và đẩy mạnh tuyên truyền về Chỉ thị 03 trong đội ngũ trí thức, doanh nhân và thế hệ trẻ.
 
Tựu chung lại, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tiếp tục được các địa phương triển khai thực hiện sáng tạo, tạo chuyển biến tích cực. Ở các địa phương, ngày càng có nhiều gương người tốt, việc tốt; nhiều địa phương đã tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm; gắn Chỉ thị 03 với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng cấp, từng ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và tạo những bước chuyển trong công tác xây dựng Đảng. Kết quả đó có vai trò quan trọng của Bộ phận giúp việc cấp ủy trong vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị ở từng cấp ủy.
 
Xây dựng Bộ phận giúp việc đủ tầm 
 
Với vai trò “quán xuyến”, giúp tất cả các công việc về thực hiện Chỉ thị 03 cho Ban Thường vụ cấp ủy, nhiều đại biểu phát biểu tại hội nghị đã khẳng định được Bộ phận giúp việc của cấp ủy các tỉnh đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo đúng quy chế hoạt động của Bộ phận giúp việc cấp ủy, từ tham mưu, đề xuất, thiết kế các chương trình, kế hoạch công tác ở từng thời kỳ và làm như thế nào, góp phần cho công tác thực hiện Chỉ thị 03 ở từng địa phương đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, có một số đại biểu cũng thẳng thắn nêu rằng: Bộ phận giúp việc “đông nhưng chưa mạnh” (Bộ phận giúp việc cấp ủy các tỉnh bình quân 27-30 người”. 
 
Qua phát biểu của các đại biểu ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, nổi lên nguyên nhân: Bộ phận giúp việc gồm nhiều lực lượng, trong đó Ban Tuyên giáo cấp ủy thường đóng vai trò nòng cốt, cán bộ chuyên trách, còn lại chủ yếu kiêm nhiệm. Vấn đề mà nhiều đại biểu đặt ra là cần quan tâm xây dựng Bộ phận giúp việc đủ tâm. Ở các tỉnh, việc lựa chọn con người tham gia vào Bộ phận giúp việc cơ bản chọn đúng người. Theo đồng chí Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương: Bộ phận giúp việc cần phải hội tụ được những người gương mẫu, có tâm huyết, năng lực, biết chọn những việc để làm. Trên cơ sở các chương trình, kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương, nhưng ở từng địa phương phải làm như thế nào cho hiệu quả, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng nơi, thì đó là việc đòi hỏi Bộ phận giúp việc cấp ủy cần suy nghĩ.
 
Bên cạnh chất lượng thì cũng cần có một số lượng nào đấy để đảm bảo cho bộ phận này hoạt động có hiệu quả. Cùng quan điểm với đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, đại biểu Nguyễn Thanh Tuấn - Trưởng bộ phận giúp việc của Thường vụ Quân ủy Trung ương cho rằng: Số lượng cũng là cần thiết nhưng quan trọng là chất lượng, còn nếu tham gia mà không hoạt động, thậm chí không tổ chức họp triển khai nhiệm vụ, không tổ chức đánh giá thì không cần thiết để có. Bộ phận giúp việc cần phải xác định được việc để làm, bám việc mà làm, sinh ra việc mà làm, giúp cấp ủy đi kiểm tra, giám sát để xem thực tiễn có làm không, từ đó kịp thời uốn nắn, chỉ đạo, khắc phục ở từng cấp, từng ngành, cơ sở, đơn vị.
 
Ngoài chất lượng, số lượng để Bộ phận giúp việc hoạt động có hiệu quả, một số đại biểu cũng đã nêu ra những kiến nghị, đề xuất liên quan đến biên chế, chế độ tập huấn cho các thành viên Bộ phận giúp việc; sự quan tâm vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cấp ủy, của các ban Đảng của cấp ủy, vì xét cho cùng việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị cũng là công tác xây dựng Đảng. 
 
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương biểu dương những ý kiến tham luận thẳng thắn, trách nhiệm và đưa ra những kiến nghị, đề xuất, gợi mở có tính thực tiễn cao. Đồng chí cũng nhấn mạnh: Để Chỉ thị 03 thực sự chuyển biến và lan tỏa trong từng cấp ủy và toàn xã hội thì những cán bộ chuyên trách, giúp việc phải thật sự trách nhiệm, tâm huyết và yêu chính công việc mình đang làm, từ đó tham mưu tích cực cho cấp ủy trên tất cả các công việc. Mỗi thành viên Bộ phận giúp việc luôn phải suy nghĩ để tham mưu cho cấp ủy thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương ở nhiệm kỳ tới là gì; xây dựng nhân cách, đạo đức là việc làm thường xuyên, lâu dài nhưng cũng cần phải nghiên cứu làm như thế nào?. Đồng chí cho rằng: Chỉ thị 03 chính là văn hóa, là đạo đức và những người thực hiện, chuyển tải những công việc này chính là những nhà văn hóa, chuyên gia đạo đức Hồ Chí Minh. Thông qua công việc giúp cấp ủy thực hiện Chỉ thị 03, mỗi người cũng tốt hơn về nhân cách, “...nghĩ về Bác, lòng ta trong sáng hơn”.
 
Mai Hoa