Quỳnh Yên (Quỳnh Lưu) là một xã thuần nông, đời sống của người dân nhìn chung còn nhiều khó khăn. Được UBND huyện Quỳnh Lưu chọn làm thí điểm xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, Chính quyền địa phương đã xác định mục tiêu để phát triển kinh tế là chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng tăng dần tỷ lệ lao động phi nông nghiệp.

Trong đó, điểm mấu chốt, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương là phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp, đó là nghề mây tre đan xuất khẩu. Qua hơn 10 năm xây dựng ngày 28/5/2011, làng nghề mây tre đan xuất khẩu thôn Thượng Yên đã được UBND tỉnh công nhận danh hiệu làng nghề cấp tỉnh.

766600_small_64105.jpg

Lễ đón nhận danh hiệu làng nghề thôn Thượng Yên.

Thôn Thượng Yên hiện có 102 hộ với 375 nhân khẩu. Nghề mây tre đan xuất khẩu bắt đầu hình thành và phát triển tại thôn từ năm 2000. Nhận thức được những lợi ích từ việc phát triển làng nghề mây tre đan xuất khẩu thôn đã đề nghị với UBND xã xây dựng làng nghề theo hướng ổn định, bền vững.

Hiện nay, tổng số hộ trực tiếp làm nghề của thôn Thượng Yên là 81 hộ, chiếm 79,4% tổng số hộ. Hiện tại, làng nghề đang hợp đồng cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH Đức Phong (xã Nghi Phú - Tp. Vinh). Được cung cấp đầy đủ nguyên liệu, bao tiêu toàn bộ sản phẩm tại chỗ, người lao động ngày càng gắn bó với nghề. Sản phẩm của làng nghề mây tre đan xuất khẩu thôn Thượng Yên khá phong phú.

Dưới bàn tay khéo léo của những người lao động, những nguyên liệu, mây, tre, lùng thô mộc đã được "thổi hồn" trở thành những chiếc đĩa, bình hoa, đèn bàn, đèn lồng... với kiểu dáng đẹp, giá trị sử dụng cao. Quy mô sản xuất của làng nghề ngày càng được mở rộng, số lượng sản phẩm làm ra vì thế cũng tăng theo.

Năm 2010, làng nghề mây tre đan xuất khẩu thôn Thượng Yên sản xuất được 49.792 sản phẩm. Thu nhập của người lao động bình quân từ 1,2-1,5 triệu đồng/người/tháng.

Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thôn giảm dần, hiện chỉ còn 4% theo tiêu chí mới. Theo ông Lê Quốc Bảo - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Yên: "Việc xây dựng thành công bước đầu mô hình làng nghề mây tre đan xuất khẩu ở thôn Thượng Yên đã góp phần đáng kể vào mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là trong thời điểm nông nhàn, tăng thu nhập cho các hộ làm nghề".


Sự phát triển của làng nghề thôn Thượng Yên trước hết là do chủ trương đúng đắn kết hợp với sự đồng thuận cao của người dân, lực lượng lao động của địa phương dồi dào, đặc biệt là lao động nữ rất thuận lợi cho việc phát triển nghề mây tre đan xuất khẩu.


Làng nghề Thượng Yên cũng đang gặp một số khó khăn nhất định. Nhận thức của một bộ phận người dân về phát triển nghề mới còn hạn chế. Mặt khác, nhà xưởng, nơi sản xuất tập trung còn thiếu thốn ảnh hưởng đến sự phát triển của làng nghề. Chị Hồ Thị Tương - phụ trách kỹ thuật tổ mây tre đan của làng nghề cho hay: "Địa phương cần tạo điều kiện cho làng nghề xây dựng nhà xưởng sản xuất, kho chứa nguyên vật liệu để việc sản xuất được tập trung, tăng năng suất lao động. Ngoài ra, các cấp, ngành cũng cần có thêm những chính sách hỗ trợ, nâng cao thu nhập để người lao động gắn bó lâu dài với nghề".


Vừa qua, Chính phủ ra Quyết định số 11/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển làng nghề mây tre. Những chính sách ưu đãi đặc biệt này có thể xem là những tín hiệu đáng mừng để các làng nghề mây tre đan trên địa bàn toàn tỉnh nói chung, làng nghề mây tre đan xuất khẩu thôn Thượng Yên nói riêng rộng đường phát triển trong thời gian tới. Phát triển bền vững các làng nghề đang là ưu tiên của các địa phương trên đà xây dựng chương trình nông thôn mới.


Bùi Minh Tuấn