Thực hiện NQ11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 01, theo đó sẽ thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng, kiểm soát tốc độ tăng tín dụng dưới 20%, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 15- 16%- và quy định trần lãi suất huy động vốn của các ngân hàng không vượt quá 14%/năm. Song các quy định này đang bị các ngân hàng âm thầm "xé rào".

Sụt giảm nguồn vốn?


Số liệu báo cáo 6 tháng đầu năm 2011 của Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nghệ An cho thấy, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh ước đạt 29.750 tỷ đồng, tăng 5,6% so với đầu năm. Trong đó tiền gửi của khách hàng ước đạt 6.010 tỷ đồng, giảm 588 tỷ đồng, -8,9%. Tiền gửi tiết kiệm ước đạt 21.810 tỷ đồng, tăng 9,8% so đầu năm.

Trong khi đó tổng dư nợ cho vay ra thị trường của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 54.560 tỷ đồng, tăng 17,7% so đầu năm.

Như vậy số tiền cho vay gần gấp đôi so với số tiền huy động được, tuy trong đó có một phần dư nợ của khối chính sách, nhưng phần lớn các tổ chức tín dụng đều phải điều chuyển vốn trong hệ thống về để phục vụ cho vay trên địa bàn tỉnh.

766596_small_64101.jpg

           Thực hiện các chính sách tín dụng - cần sự vào cuộc nghiêm túc
                                            của các ngân hàng


Điều này cho thấy Nghệ An là tỉnh hấp thụ vốn mạnh. Nguồn vốn huy động trên địa bàn chủ yếu tăng trong quý I, sang quý II/2011 nguồn vốn có xu hướng giảm do Ngân hàng hạn chế cho vay và lãi suất tăng cao nên các doanh nghiệp tận dụng tối đa nguồn tiền gửi để phục vụ sản xuất kinh doanh dẫn đến nguồn tiền gửi của khách hàng giảm mạnh so với đầu năm.


Ông Phan Hữu Phùng- giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn cho biết: tại thời điểm tháng 2/2011,tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn của Chi nhánh lên tới gần 900 tỷ đồng, nhưng đến 15/6/2011 tổng nguồn vốn huy động chỉ đạt 750 tỷ đồng, giảm gần 150 tỷ đồng so với thời điểm tháng 2/2011. Trong khi đó Chi nhánh cho vay gần 1.000 tỷ đồng, chúng tôi đã phải điều chuyển vốn từ trong hệ thống về để phục vụ cho vay trên địa bàn Nghệ An.


Ông Đặng Xuân Hùng- giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp thành phố Vinh chia sẻ: đầu năm 2011, tổng nguồn vốn huy động của ngân hàng chúng tôi đạt hơn 1.000 tỷ đồng, đến thời điểm tháng 6/2011 nguồn tiền gửi chỉ còn 900 tỷ đồng, giảm hơn 100 tỷ đồng.

Nguyên nhân là do nguồn vốn bị chảy sang các ngân hàng khác lãi suất cao hơn. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước quy định trần lãi suất huy động 14%/năm, nhưng nhiều ngân hàng huy động vốn vượt trần làm cho thị trường nguồn vốn trên địa bàn Thành phố Vinh bị xáo trộn, phức tạp. Ngân hàng Nông nghiệp thành phố Vinh chấp hành nghiêm túc quy định huy động vốn 14%/năm, nhiều khách hàng có số dư tiền gửi lớn đã bị các ngân hàng TMCP lôi kéo với lãi suất cao hơn.

Cuộc đua huy động vốn vượt trần lãi suất


Nhiều ngân hàng dù không thiếu nguồn nhưng vẫn tham gia cuộc đua lãi suất vượt trần 14%/năm mà theo lý giải của các vị lãnh đạo là để giữ chân khách hàng trước khi họ có ý định chuyển sang ngân hàng khác. Để chi trả cho phần chênh lệch giữa 14%/năm theo quy định và 18%, 19%/năm theo thực tế, mỗi ngân hàng có một cách riêng để hợp thức hoá.

Có ngân hàng trả tiền lãi 14% vào cuối kỳ, còn 4% còn lại sẽ chi trả trực tiếp ngay khi khách hàng đến gửi tiền. Tại một Ngân hàng TMCP khác trên địa bàn thành phố Vinh, khi khách hàng đến gửi tiền, thay vì sổ tiết kiệm truyền thống như trước đây, nay ngân hàng này sử dụng hợp đồng huy động vốn, mặc dù thoả thuận lãi suất 18,5%/năm nhưng trong bản hợp đồng giữa ngân hàng và khách hàng chỉ ghi 14%/năm, còn phần lãi suất chênh lệch được tính toán cụ thể tại một bản cam kết phụ kèm theo hợp đồng huy động vốn, song bản cam kết này chỉ được lưu tại ngân hàng, khách hàng không được giữ...


Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Hữu Phùng- giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn cho rằng, không ngân hàng nào muốn huy động lãi suất cao, vì huy động cao đẩy chi phí vốn cao, nhưng không huy động cao thì mất khách hàng. Do đó ngân hàng phải có các chính sách chăm sóc khách hàng để hút vốn.

Trước tình hình lạm phát ngày càng tăng cao, lãi suất không hấp dẫn, tâm lý người có tiền muốn đầu tư vào các kênh khác như vàng, bất động sản... sinh lợi hơn. Bên cạnh đó, các ngân hàng luôn phải nỗ lực để đảm bảo chỉ tiêu giao. Những nguyên nhân trên khiến cuộc đua huy động vốn chưa có hồi kết.


Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ hạn chế cho vay ra thì động thái chạy đua huy động vốn này được xem là điều không bình thường.

(còn nữa)


Quỳnh Lan