Mỹ Sơn (Đô Lương) mảnh đất "chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã lụt", từ trước tới nay, sản xuất hè thu của địa phương thường bấp bênh vì lũ lụt. Năm 2010 cả xã mất trắng 120 ha lúa bị ngập nước. Mưa lớn kèm lốc xoáy thời điểm đầu tháng 06/2011 vừa qua tiếp tục làm đổ, ngập úng, hư hỏng gần 200 ha lúa xuân đang thời kỳ chín và chắc xanh (khôi phục sau đợt rét).

Đồng chí cán bộ khuyến nông xã đưa chúng tôi thăm đập Me - đây là con đập phục vụ nước tưới cho 20 ha đất sản xuất nông nghiệp tại xóm 1 và 2, đập có diện tích mặt nước khoảng 5 ha. Quan sát thấy thân đập bị sạt lở mái thượng lưu, vỡ bờ trong, do đợt mưa lụt năm ngoái, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất và đời sống người dân.

Mặc dù ngay sau đó xã vận động nhân dân góp sức đắp bờ đất mái thượng lưu, xây tràn. Nhưng do không được kiên cố vững chắc nênhiện nay đập Me trong tình trạng bồi chân đập, sụt lún cao, nguy cơ sạt lở thân đập là điều khó tránh khỏi.

766598_small_64103.jpg


                          Đập Me (Mỹ Sơn) có nguy cơ sụt lún cao.


Đồng chí Võ Thanh Lục-chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn cho hay: Công tác triển khai PCLB năm nay được xã nhận định ngay từ đầu là hướng tập trung khắc phục, gia cố các công trình hồ đập, kênh mương ách yếu. Toàn xã hiện có 12 đập lớn nhỏ, được hình thành cách đây khá lâu. Mấy năm nay mưa lớn đã xẩy ra tình trạng tràn và vỡ nhiều đập.

Năm 2009 đập Khe Su bị vỡ làm thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp của địa phương. Trong khi đó, một số hệ thống kênh mương bê tông như kênh trạm bơm 1, tuyến kênh 8,9,10 chiều dài gần 2km chạy dọc sườn đồi đã đi vào sử dụng quá lâu nên không an toàn. Để chủ động ứng phó với bão lụt năm nay, xã đã triển khai cho bà con phương án cụ thể đến từng xóm, từng hộ, ra quân khắc phục những điểm kênh mương, hồ đập ách yếu. Nhưng để tu sửa, gia cố hồ đập, kênh mương mang tính vĩnh cửu, đảm bảo khả năng chứa nước, thoát lũ tốt là bài toán khó đối với địa phương.


Huyện Đô Lương hiện có 16 km đê ngăn lũ tả Lam do Trung ương quản lý, 7km tuyến đê Nam - Bắc - Đặng do địa phương quản lý, 13 công trình tưới tiêu, 53 trạm bơm, 49 hồ đập.

Đây là hệ thống thuỷ lợi phục vụ đời sống sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an toàn trong mùa bão lụt của huyện. Ba năm trở lại đây, hệ thống công trình đầu mối, cống tiêu, hồ đập, đê, tràn xả lũ được nâng cấp theo nguồn vốn từ trái phiếu của Chính phủ.

Năm 2010, các công trình thuỷ lợi bị hư hỏng trên địa bàn do bão lụt được sự hỗ trợ của tỉnh và nguồn lực địa phương đã cơ bản được sửa chữa. Việc tu bổ, bồi trúc mặt cắt thân đê, cao trình đỉnh đê trên thực tế đã đạt mức chống lũ như các năm 1978, 1988. Các công trình tưới tiêu qua đê được di tu bảo dưỡng.


Theo đánh giá của phòng NN -PTNT huyện Đô Lương thì gần 3 năm nay không xẩy ra lũ lớn, các công trình đầu mối như cống tiêu, hồ đập lớn, đê, tràn xả lũ trên địa bàn huyện Đô Lương chưa được trải nghiệm vận hành công lực nênchịu đựng sự cố vẫn còn lơ lửng.

Một số công trình như cống thoát lũ Cầu Dâu (Tràng Sơn), hệ thống thoát lũ dọc tuyến Sông Đào từ Tràng Sơn chạy xuống Hoà Sơn với chiều dài gần 7km, hiện đang trong tình trạng bồi lắng, lấp dòng, ruột thoát lũ hẹp dần, khả năng tiêu thoát lũ trên thực tế đã kém. Bên cạnh đó, đa số các công trình hồ đập đắp đất mái thượng lưu, chưa được lát đá chống sóng, chống tràn, khả năng chứa nước, thoát lũ hạn chế, dễ gây sạt lở khi mưa bão đến. Đặc biệt như đập Đá Bàn (Bài Sơn), đập Chọ Mại (Nam Sơn), tràn Lệ Nghiã (Minh Sơn)...


Xuất phát từ thực tế, Đô Lương xác định nhiệm vụ của công tác PCBL năm 2011 là tập trung bảo vệ an toàn các công trình thuỷ lợi, bảo vệ đê, kè, cống và các công trình hồ đập, trạm bơm. Phương án cụ thể là huy động các địa phương tập trung, tu sửa đê điều, chỉ đạo hoàn thành dứt điểm các khối lượng bồi trúc đê, các công trình hồ đập, chậm nhất ngày 30/06 hoàn thành khối lượng đất dự trữ trên 2 tuyến đê tả Lam và hữu Lam theo quyết định của UBND tỉnh.


Lương Mai