(Baonghean.vn) - Mấy ngày gần đây, dư luận xôn xao vì việc ông giám đốc công ty môi trường tỉnh nọ ký hợp đồng với một doanh nghiệp nước ngoài, chôn chất thải công nghiệp ngay trong đất thuộc trang trại nhà mình.

Một người bạn nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam thắc mắc: 

- Nếu là tớ, có cho bao nhiêu tiền đi chăng nữa cũng chẳng bao giờ chôn đống chất thải độc hại đó vào khu đất của chính mình. Tiền bạc chẳng thể đánh đổi được sức khoẻ. Ông ấy không nghĩ đến bản thân thì chí ít cũng phải nghĩ đến con cháu mình chứ? Chẳng lẽ ông ta không biết mức độ độc hại của chất thải công nghiệp, nếu đúng là như vậy thì lỗi của ông ta là… quá dốt!

- Có thể ông ta nghĩ rằng đất trang trại không giống như đất ở nên cũng chẳng gây hại trực tiếp đến mình. Vả chăng, trang trại của ông ấy thì ông ấy muốn làm gì chẳng được?

resize_images1619700_fomosa.jpgCơ quan chức năng phát hiện 100 tấn rác thải của côn ty Formosa được chôn lấp tại trang trại của vị Giám đốc Công ty môi trường huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).Ảnh: Internet

Nghe mình nói bâng quơ như vậy, người bạn của mình tỏ ý không đồng tình và kể về luật pháp ở nước của cậu ấy. Môi trường được họ xem trọng đến mức cây trong vườn nhà bạn, do bạn trồng và chăm sóc sẽ không thuộc sở hữu của bạn nếu như đạt đến một ngưỡng tiêu chuẩn về kích thước, diện tích không gian tán che phủ…Những cái cây “đạt chuẩn” như vậy sẽ nghiễm nhiên thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Nếu bạn muốn chặt cây, di dời hay làm bất cứ điều gì thay đổi hiện trạng của cây, bạn sẽ phải được chính quyền cho phép. Thậm chí, có trường hợp bị phạt hàng chục nghìn USD chỉ vì lỡ… chặt cây trong vườn nhà mình. 

“Thật vô lý”, mình thốt lên. “Tại sao mình lại không có quyền được làm những gì mình muốn với vật rõ ràng thuộc quyền sở hữu của mình cơ chứ?”. Người bạn kia thản nhiên trả lời: “Bởi vì lợi ích và ảnh hưởng của những vật đó không chỉ liên quan đến mình cậu nữa, mà đã trở thành vấn đề chung của cả cộng đồng rồi. Hãy nghĩ mà xem: Có thể cậu được quyền sinh sống trên mảnh đất đó, nhưng cái cây cậu trồng thì bén rễ và hút chất dinh dưỡng từ sâu trong lòng đất để sinh trưởng, tầm vươn của nó hoàn toàn có thể vượt xa ngoài phạm vi mảnh đất của cậu. Tán che phủ của cái cây cũng chiếm một phần diện tích không gian chung, hoạt động quang hợp và hô hấp của cây cũng góp phần vào việc tạo nên bầu sinh quyển chung. Khi cậu chặt cái cây trong vườn nhà cậu, nghĩa là cậu đang thay đổi bầu sinh quyển, tài nguyên không gian và tài nguyên đất - những thứ thuộc quyền sở hữu quốc gia chứ chẳng của riêng ai”. 

Đến đây, mình chợt nhìn lại lối tư duy “kinh điển” của người Việt Nam mình về sở hữu chung - riêng. Đoạn đường đi qua trước cửa nhà nghiễm nhiên trở thành không gian cá nhân để mặc người ta muốn trưng dụng như thế nào, sử dụng ra làm sao - tuỳ ý. Ao, hồ trước nhà mặc nhiên thành nơi đổ nước thải. Vỉa hè trước nhà tôi thích đốt rác cho khói um cả đường - ai dám ý kiến?…Ấy đều là những tư duy và hành động xấu xí của nhiều người Việt mình. Mà chung quy cũng chỉ vì chúng ta còn nhập nhèm, nhầm lẫn giữa quyền sử dụng và quyền sở hữu. Đối với những thứ thuộc về cộng đồng, lợi ích chung, có lẽ đã đến lúc nhìn nhận lại một cách đúng mực về quyền và trách nhiệm cá nhân, chứ đừng nhận vơ để rồi làm càn…

Hải Triều

TIN LIÊN QUAN