(Baonghean) - Bản thông báo về kỳ họp thứ IV và thứ V của Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng vào ngày 11/7 vừa rồi đã được dư luận hết sức chú ý. Sự chú ý không chỉ đơn thuần mang hơi hướng thời thượng là quan tâm đến một nhân vật rất “nóng” trên báo chí và các diễn đàn xã hội đề cập trong thời gian qua. Mà sự quan tâm là rất nghiêm túc được dành cho nội dung chi tiết trong bản thông báo đã đề cập rất rõ ràng, tỉ mỉ cũng như chủ trương, đường hướng xử lý một vấn đề nghiêm trọng.
Trước hết, bản thông báo không chỉ đề cập đến những sai phạm hiện tại của cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011 - 2016 mà còn cả trong quá khứ.
Cụ thể là thời gian 2007 - 2013, trên các cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban tổng giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế; đã để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ hơn 3 nghìn 200 tỷ đồng.
Việc soi lại quá khứ của ông Thanh không những chỉ ra những sai phạm tày trời bị che giấu suốt trong một thời gian dài mà còn làm phát lộ ra một sự thật khác nữa. Đó là đã có nhiều cá nhân, tổ chức “chung tay, góp sức” không những bao che cho những sai phạm nghiêm trọng mà còn góp phần đưa một cán bộ thoái hóa, biến chất tới cỡ đó lên giữ những chức vụ cao hơn.
Báo cáo cũng không ngần ngại đề cập trách nhiệm để xảy ra sự việc tai hại đó bao gồm Ban Tổ chức Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, Ban Thường vụ Đảng ủy và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Bộ Công Thương, Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
Mặc dù bản thông báo không đề cập đến một cách cụ thể, nhưng qua cách đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Đảng xem xét xử lý trách nhiệm một số cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã giúp người ngoài hình dung ra được cả một đường dây quyền lực hỗ trợ cho người sai phạm, bất chấp Điều lệ Đảng và các quy định về bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ. Qua đó, đã góp phần vẽ nên “chân dung” của cái gọi là lợi ích nhóm vốn đã được nhắc đến rất nhiều từ mấy năm nay mà chưa mấy ai hình dung ra được.
Nay thì đã khác. Với bản báo cáo của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, “hình hài” của cái gọi là lợi ích nhóm đã được phác họa khá cụ thể. Có đường đi, nước bước, có cơ quan, có cá nhân khá rõ ràng. Tất cả đã kết nối với nhau thành một vòng tròn khép kín sẵn sàng bao bọc, bao che cho nhau đến cùng. Một mắt xích của “liên minh ma quỷ” đã bị phá. Đó là cơ sở để các cơ quan chức năng thanh lý luôn cả chuỗi xích.
Luật pháp của chúng ta chưa có các điều khoản quy định về việc hồi tố, nghĩa là truy cứu trách nhiệm của người về hưu về những sai phạm khi họ đương chức Nhưng với các quy định trong Đảng, bất cứ khi nào phát hiện sai phạm của anh thì dù anh đương chức. hay đã nghỉ hưu cũng không thể trốn tránh trách nhiệm được. Việc bản báo cáo đề cập xử lý trách nhiệm của một số người đứng đầu nay đã nghỉ hưu về những sai phạm lúc còn đương chức, đương quyền cho thấy “vùng cấm, vùng an toàn” của những cá nhân tội lỗi hạ cánh không còn yên ổn nữa.
Anh đã từng làm sai thì anh sẽ phải chịu trách nhiệm, bất kể lúc nào. Miễn là những sai phạm đó bị phanh phui, phát hiện. Đó chính là tiền đề quan trọng để chúng ta đào tận gốc, trốc tận rễ những nhóm lợi ích tiêu cực và xử lý triệt để. Có thể khẳng định rằng, bản thông báo của Ủy Ban Kiểm tra T.Ư Đảng và những đề xuất, kiến nghị ở trong đó đã tạo ra một tiền lệ tốt.
Bụt Sơn