(Baognhean) - Vốn là loại cây bản địa, những năm qua cây rễ hương đã được đưa vào trồng, nhân rộng ở Quỳ Châu để làm hương trầm – một sản phẩm nổi tiếng, với những phương thức hiệu quả như trồng xen keo, cao su...
 
Ông Hà văn Khương - cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Quỳ Châu cho biết: Nhận thấy hiệu quả kinh tế rất cao của cây rễ hương, cùng điều kiện tự nhiên ở Quỳ Châu rất hợp với loại cây này, năm 2006, Trạm Khuyến nông đã bắt đầu xây dựng mô hình trồng luân canh kết hợp rễ hương dưới tán cây keo. Từ hiệu quả mô hình này, năm 2010, Trạm tiếp tục triển khai mô hình trồng dưới tán cao su, bước đầu cho kết quả rất khả quan. Dự kiến, những mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng, góp phần xóa đói giảm nghèo và tiến tới làm giàu. 

765924_small_63356.jpg
 Cây rễ hương.

Vốn là loại cây bản địa, cây rễ hương mọc tự nhiên trên núi, chủ yếu ở những vùng rừng tái sinh sau nương rẫy. Theo đánh giá của những hộ làm hương lâu năm, cây rễ hương ở đây mập bụi, dài, màu vàng và có mùi hương thơm ngào ngạt. Nghề làm hương trầm Quỳ Châu vốn có từ rất lâu đời, cây rễ hương được lấy từ rừng về, đem phơi khô, xay mịn, làm ra những cây hương trầm thơm nổi tiếng.

Tuy nhiên, với nghề làm hương ngày càng phát triển, rễ hương tự nhiên không còn đủ đáp ứng nhu cầu, năm 2006, nhận thấy hiệu quả mà loại cây này có thể đem lại cũng như điều kiện tự nhiên phù hợp, Trạm Khuyến nông huyện đã xây dựng mô hình trồng luân canh kết hợp rễ hương dưới tán keo, ở các chân đồi có độ ẩm cao, lượng mùn lớn.
 
Bước đầu, mô hình trồng 4 ha rễ hương dưới tán 10 ha keo ở bản Hoa Hải (xã Châu Hạnh) đã đem lại hiệu quả rất khả quan, với năng suất bình quân đạt 4,5 - 5 tấn rễ tươi/ha, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha. Từ đó, hàng năm Trạm tiếp tục mở rộng thêm 3 - 4 ha diện tích rễ hương ở các xã Châu Phong, Châu Bình, Châu Tiến v.v.. Đến nay đã có thêm 8 ha mô hình rễ hương dưới 18ha keo phát triển tốt. Cùng với chương trình của Ban Phát triển kinh tế mới của huyện, mỗi năm Quỳ Châu có thêm khoảng 10 ha cây rễ hương trồng xen keo.


 Cán bộ Trạm khuyến nông tổ chức đánh giá mô hình trồng cây rễ hương.

Ông Lô Văn Tuấn (khối Hạnh Khai - Tân Lạc) hộ đầu tiên được chọn để xây dựng mô hình này cho biết: Cây cao su và rễ hương đều phát triển rất tốt. Cao su có tỷ lệ sống 90% và cây rễ hương là 95%. HIện cây rễ hương đã đẻ nhánh đẹp, chưa thấy sâu bệnh hại. Nếu cứ thuận lợi thế này, gia đình ông sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, vì việc tiêu thụ loại cây này rất thuận lợi, giá cao (hiện khoảng 20.000 đồng/kg).
 
Dự kiến, huyện Quỳ Châu sẽ tiếp tục mở rộng mô hình trồng xen rễ hương ở các xã khác trong huyện, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần gúp bà con làm giàu. Từ mô hình rễ hương xen keo và cao su, sẽ nghiên cứu triển khai mô hình trồng dưới các tán cây khác nhau, kể cả rừng trồng và rừng tự nhiên.


Phú Hương