Yên Thành và Quỳ Châu chỉ là hai trong số rất nhiều địa phương hiện đang tồn tại các sai phạm trong hoạt động khai thác đá nói riêng và khai thác khoáng sản nói chung. Để chấm dứt vi phạm và hạn chế những vụ tai nạn thương tâm, cần phải xử lý dứt điểm và kiên quyết hơn.
-->xem Kỳ I: Ẩn họa từ những sai phạm
Nghệ An có nguồn tài nguyên khoáng sản rất dồi dào. Trong đó, thế mạnh về đá xây dựng với trữ lượng lớn, đặc biệt là hơn 1 tỷ m3 đá vôi. Những năm qua, hoạt động khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên này đã đem lại nguồn thu lớn, giải quyết việc làm và thu nhập cho một bộ phận không nhỏ người lao động. Thế nhưng, bên cạnh những kết quả tích cực, trong bức tranh chung về hoạt động này vẫn còn rất nhiều mảng tối.
Theo số liệu từ Sở Tài nguyên & môi trường (TN&MT), đến nay, trên địa bàn tỉnh còn 265 giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh Nghệ An cấp (trong đó có 132 giấy phép khai thác đá xây dựng) và 38 giấy phép do Bộ TN&MT cấp (trong đó có 1 giấy phép khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng).
Mặc dù giấy phép hết hạn nhưng Công ty TNHH Vũ Kỳ
vẫn ngấm ngầm khai thác.
Từ năm 2005 đến nay, tỉnh đã thu hồi 65 giấy phép khai thác khoáng sản. Từ năm 2008- 2010 Sở TN&MT đã thực hiện hơn 20 cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật khoáng sản đối với các doanh nghiệp khai thác, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 700 triệu đồng. Ngoài ra, còn có hàng trăm cuộc kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đai, môi trường, tài nguyên nước, xử lý các khu vực khai thác khoáng sản trái phép ở các huyện.
Ngày 17/5/2011, chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đức Phớc đã có văn bản yêu cầu các ngành, các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, truy quét, đẩy đuổi nhằm lập lại trật tự trong quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh. |
Không những thế, qua ghi nhận của phóng viên, các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép hiện vẫn đang ngang nhiên diễn ra dưới nhiều hình thức và quy mô khác nhau, bất chấp hiện đang là thời gian các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh ráo riết tổng kiểm tra, xử lý!
Nhiều mỏ đã hết thời hạn khai thác nhưng vẫn hoạt động, thậm chí có những mỏ như của Công ty TNHH Tùng Cường (Quỳ Châu), mỏ đá của Công ty TNHH Kỳ Sơn (Yên Thành)... dù bị đoàn kiểm tra tạm đình chỉ do không bảo đảm về an toàn lao động, nhưng hàng ngày "sản phẩm" vẫn ngang nhiên "xuất xưởng". Chính từ những bất ổn này, các vụ tai nạn thương tâm đã liên tiếp xảy ra. Chỉ tính từ đầu tháng 4 đến nay, tại các điểm khai thác mỏ trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra tai nạn, làm chết 24 người và 14 người khác bị thương.
Có cảm giác, các quyết định "tạm đình chỉ" của đoàn kiểm tra liên ngành không tác động được tới doanh nghiệp, dù tại các địa bàn này, vẫn đang có sự quản lý của chính quyền các địa phương! Thực tế này không khỏi làm dư luận băn khoăn, phải chăng những biện pháp được coi là mạnh này, vẫn chưa thực sự "với" đến các sai phạm. Để phía sau nó là lãng phí tài nguyên, là những vụ tai nạn thương tâm, là môi trường ô nhiễm sau khai thác?"
Đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận lại vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm của các ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương các cấp một cách thấu đáo, kiên quyết xử lý vi phạm một cách triệt để, không thể tiếp tục tiếp diễn tình trạng "đá ném ao bèo" trong kiểm tra, xử lý vi phạm trong khai thác khoáng sản như hiện nay.