Mặc dù giá nhiên liệu, tỷ giá đã tăng mạnh nhưng giá bán lẻ điện sẽ vẫn giữ nguyên từ ngày 1/6, Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính vừa cho biết sáng nay 31/5.
 
Với khẳng định trên, lo ngại trong dư luận trước đây về khả năng tăng giá điện từ 1/6 đã bị xóa bỏ. Đây là thời điểm mà cơ chế giá điện theo thị trường chính thức được áp dụng theo Quyết định 24 của Thủ tướng ban hành ngày 15/4/2011.
 
Quyết định đã nêu rõ, cứ tối thiểu 3 tháng một lần, giá bán lẻ điện được phép điều chỉnh song, việc điều chỉnh sẽ phụ thuộc vào 3 thông số là tỷ giá, giá nhiên liệu và cơ cấu nguồn phát điện. Khi  các thông số này biến động làm cho giá bán điện bình quân giảm 5% trở lên so với giá bán điện hiện hành thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải giảm giá điện bằng mức giá bán điện bình quân.

765909_small_63340.jpg

Nếu các tích lũy chi phí phát điện phát sinh trong các tháng đã qua kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất trước đó đủ lớn, dẫn tới giá bán điện bình quân tăng 5% trở lên, EVN sẽ được tăng giá bán điện lên 5% so với giá hiện hành. Trường hợp đầu vào này tăng trên 5% thì phương án tăng giá điện phải được Thủ tướng Chính phủ xem xét.
 
Chiểu theo nguyên tắc trên để đối chiếu với thực tế ngành điện cho thấy, các lo ngại tăng giá điện là có cơ sở. Tính đến 1/6 là thời gian vừa đủ cách 3 tháng so với mốc giá điện đang áp dụng hiện nay. Điểm thứ hai là hầu hết thông số đầu vào của sản xuất điện đều tăng lên khá nhiều so với các thông số đầu vào khi tính giá điện từ 1/3.
 
Ví dụ như chi phí giá than bán cho điện trong giá điện hiện hành là cám 4b: 680.400 đồng/ tấn, cám 5: 546.000 đồng/tấn, cám 6a: 472.500 đồng/tấn, cám 6b: 414.750 đồng/tấn, nhưng từ 1/4, các mức giá than này đã tăng từ 20-40% tùy loại. Giá dầu diesel trong giá điện hiện hành được tính là 15.500 đồng/lít đến nay, đã tăng lên là  21.100 đồng/lít, tương tự giá dầu madut được tính là 13.300 đồng/kg thì nay tăng lên 17.100 đồng/kg. Đặc biệt, tỷ giá VND/USD áp dụng cho giá điện hiện hành là 19.500 đồng/USD trong khi tỷ giá hiện nay đã tăng 9,3%, là 20.486 đồng/USD.
 
Ngoài ra, khi tăng giá điện lên 15,28% kể từ 1/3, các phát ngôn của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đều khẳng định, mức này thấp hơn nhiều so với mức phải tăng là 62%.
 
Trả lời báo chí hôm 22/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết trong tháng 5 sẽ ban hành văn bản hướng dẫn tính toán giá bán điện theo biến động của thông số đầu vào này, căn cứ tính toán các mức chênh lệch thực tế để quyết định chuyện tăng giá điện hay không. Tuy nhiên, đến nay, văn bản này vẫn chưa được ban hành.
 
Có thể thấy rằng, giá điện trước mắt chưa "được phép" tăng một phần do nhiệm vụ kiềm chế lạm phát đang được thực hiện quyết liệt, nhất là trong trong bối cảnh CPI 5 tháng đã lên tới 12%. Nhưng từ nay đến cuối năm, giá điện sẽ khó mà giữ nguyên nếu Quyết định 24 được thực thi mạnh mẽ.


Theo vef.vn