(Baonghean) - Con Cuông là huyện có diện tích rừng tự nhiên rất lớn (133.193 ha), tuy nhiên do tập quán canh tác nương rẫy, hàng năm địa phương này bị mất một diện tích rừng không nhỏ. Dự án “Trồng rừng thay thế làm nương rẫy” những năm qua đã đem lại kết quả rất khả quan, từng bước phát triển diện tích rừng, ổn định cuộc sống đồng bào.
Những năm 2000, toàn huyện Con Cuông có tới trên 2.000 ha nương rẫy. Năm 2010, thực hiện chủ trương của nhà nước về trồng rừng phòng hộ và rừng sản xuất thay thế làm nương rẫy, toàn huyện còn khoảng gần 700 ha diện tích canh tác theo phương thức này, tập trung ở bốn xã gồm Cam Lâm, Châu Khê, Thạch Ngàn và Bình Chuẩn.
Thực hiện cơ chế hỗ trợ của nhà nước, khi dừng canh tác nương rẫy để chuyển sang trồng rừng, người dân vùng dự án được cấp lương thực cho đến khi có thu nhập thay thế. Theo đó, những hộ có nhiều nhân khẩu nhưng tham gia chuyển đổi với diện tích nương rẫy ít sẽ được nhận mức trợ cấp theo diện tích nương rẫy thực tế, tuy nhiên không quá 700 kg/ha/năm; những hộ ít nhân khẩu nhưng tham gia chuyển đổi với diện tích nương rẫy lớn sẽ nhận theo khẩu với mức 10 kg gạo/người/tháng.
Chăm sóc rừng trồng ở Con Cuông.
Bước vào thực hiện dự án, Con Cuông có những khó khăn rất cơ bản. Người dân vốn quen làm rẫy, chưa mặn mà với việc trồng rừng, trong khi đó, những địa phương có làm nương rẫy đều là những xã vùng sâu vùng xa. Ông Lê Quang Hợp - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Con Cuông cho biết: Những diện tích làm nương rẫy đều ở rất xa dân, chỉ là đất lau lách, giao thông đi lại rất khó khăn. Nhiều nơi phải leo dốc, lội khe suối cả buổi mới đến nơi. Trong khi đó, trồng rừng thường phải vào mùa mưa, xe không vào được, nhiều lần huyện phải dùng máy múc đẩy các loại xe chở cây giống, phân bón vào vùng dự án. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động đến tận từng thôn bản, từng người dân. Lực lượng kiểm lâm thay nhau bám trụ địa bàn, hướng dẫn, kiểm tra cách đào hố, cách làm hàng rào bảo vệ rừng mới trồng.
Nhờ những biện pháp phù hợp cũng như sự nỗ lực của địa phương, năm 2010, Con Cuông trồng được 100 ha thay thế diện tích canh tác nương rẫy cũ. Riêng năm 2011, đã thiết kế và thẩm định 345 ha để trồng ở vụ thu, phấn đấu phủ kín cây keo ở toàn bộ diện tích nương rẫy của ba xã là Cam Lâm, Châu Khê và Thạch Ngàn.
Ông Hợp cho biết: Hiện chỉ còn diện tích nương rẫy ở xã Bình Chuẩn, do địa bàn ở rất xa, đi lại khó khăn (từ bản gần nhất lên vùng dự án mất 3 - 4h đi bộ), đường giao thông hầu như không có. Nếu thực hiện dự án, khi có sản phẩm sẽ rất khó khăn trong việc vận chuyển. Do đó, dự kiến năm 2012, huyện sẽ giao Hạt kiểm lâm phối hợp với Ban chỉ đạo sản xuất nông lâm nghiệp của huyện tiến hành khảo sát, tìm ra loại cây trồng phù hợp, phủ kín diện tích rừng ở xã vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn này.