(Baonghean) - Theo Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ XXIV của huyện Quỳ Châu, đến hết năm 2015 có 100% số xã được phủ điện lưới quốc gia. Song đến thời điểm này, 3 xã: Châu Hoàn, Châu Phong và Diên Lãm vẫn chưa có dự án kéo điện lưới quốc gia về trung tâm xã, ảnh hưởng tới mục tiêu cải thiện đời sống cho hơn 1 vạn đồng bào dân tộc Thái ở đây.

Xã Châu Hoàn là 1 trong 3 xã thuộc vùng trong của huyện Quỳ Châu, hiện chưa có điện lưới quốc gia tới trung tâm xã. Mọi công việc của Đảng bộ, chính quyền địa phương và sinh hoạt của người dân nơi đây đang phụ thuộc vào nguồn điện yếu ớt của máy phát điện năng lượng mặt trời và máy phát điện nước mini. Nhiều thiết bị điện tại trụ sở Đảng ủy, UBND xã và Trạm Y tế xã, trường học không thể sử dụng được, do nguồn điện quá yếu.

Ông Lữ Đức Tài - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Hoàn cho biết: Do sử dụng điện năng mặt trời nên công suất điện yếu, những lúc xã sử dụng một lúc 2 máy vi tính thì phải tắt toàn bộ các thiết bị điện khác như bóng đèn và quạt dù trời nóng đến 400C... Những ngày xã tổ chức hội họp quan trọng, thì mới sử dụng máy nổ phát điện chạy xăng. Nhất là trạm y tế xã, các thiết bị khám chữa bệnh như: máy điện tim, máy xét nghiệm, tủ làm lạnh, tủ hấp sấy… đều bỏ kho chờ điện lưới quốc gia. 
 
Hầu hết người dân Châu Hoàn thắp sáng bằng đèn dầu, hoặc nến. Một số hộ có điều kiện, tận dụng nguồn nước của khe Nậm Cam lắp đặt máy phát điện mi ni. Nhưng về mùa mưa thường bị nước lũ cuốn trôi, mùa khô, dòng nước cạn kiệt, nên cũng chạy thất thường. Ông Lim Văn Sơn – Bí thư Chi bộ bản Na Ba, giãi bày: Nhà có 4 đứa con rất ham học (hiện đã có 2 con gái theo học Trường Đại học Sư phạm Huế và Trường Đại học Vinh), cố mua chiếc máy thủy điện mini, nhưng mưa gió làm đứt liên tục, cuối cùng vẫn phải thắp đèn dầu. Ông Lim mua chiếc đèn dầu to như đèn bão trước kia, sử dụng khi họp bản và phục vụ việc hiếu, hỷ trong bản. 
 
images1007896_dsc_2194.jpgÔng Lim Văn Sơn - Bí thư Chi bộ bản Na Ba, xã Châu Hoàn chuẩn bị chiếc đèn dầu để họp chi bộ.
 
Chưa có điện lưới quốc gia, cuộc sống người dân Châu Hoàn, Châu Phong và Diên Lãm trở nên bức bối, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần, vật chất của hơn 1 vạn dân nơi đây. Không có điện lưới nên người dân không được xem ti vi, con em không có cơ hội để đi học các nghề như điện tử, điện dân dụng, gò hàn… về phục vụ đời sống người dân trong vùng. Hệ thống loa truyền thanh cũng không có, nên hạn chế việc tuyên truyền cho người dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào vùng đặc biệt khó khăn. Hiện nay trên địa bàn các xã trên chưa hề có dịch vụ gì. Đặc biệt, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, 3 xã này gặp rất nhiều khó khăn về các tiêu chí: việc làm; thu nhập của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo...
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Đức Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, cho biết: Ngoài 3 xã Châu Hoàn, Châu Phong và Diên Lãm, trên địa bàn Quỳ Châu còn 12 bản chưa có điện lưới quốc gia. Đây là vấn đề bức thiết nhất đối với Quỳ Châu hiện nay. Bởi vậy, nhiều năm qua, huyện đã nhiều lần xin chủ trương của tỉnh và Trung ương được đầu tư điện lưới vào các xã này, nhưng vẫn chưa được. Với mục tiêu  đặt ra đến hết năm 2015, 3 xã này có điện lưới quốc gia về trung tâm xã, là rất khó đạt được, vì từ nay đến hết nhiệm kỳ chỉ còn hơn 1 năm, trong khi đó, đến thời điểm này, tỉnh và Trung ương chưa có dự án xây dựng đường điện cho 3 xã này. 
 
Ngày 20/6/2014, UBND tỉnh có Thông báo số 295/TB-UBND gửi Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Quỳ Châu về kết luận của đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường, sau chuyến thăm của đồng chí tại huyện Quỳ Châu. Trong đó có nội dung: Chỉ đạo Công ty Điện lực Nghệ An huy động nguồn vốn đầu tư từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam để xây dựng hệ thống điện lưới Quốc gia vào 2 xã Châu Hoàn, Diên Lãm trong năm 2014 – 2015. Trong trường hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam chưa bố trí được vốn đầu tư thì đề nghị UBND tỉnh cho phép lập dự án đầu tư hệ thống điện vào 2 xã Châu Hoàn, Diên Lãm và bố trí nguồn vốn theo tỷ lệ ngân sách tỉnh 70%, ngân sách huyện và đóng góp của nhân dân 30% để triển khai xây dựng vào năm 2015. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Công thương đôn đốc, phối hợp với Công ty Điện lực Nghệ An hoàn thành các thủ tục chuyển ngành điện làm chủ đầu tư để khẩn trương triển khai thực hiện, kịp thời cấp điện cho dân. Trường hợp nếu không được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng ý với phương án do huyện Quỳ Châu đề xuất.
 
Đứng trước những khó khăn đó, UBND huyện Quỳ Châu đã nghĩ đến phương án chủ động. Theo ông Thuận, trong năm 2014, huyện Quỳ Châu sẽ xin ý kiến tỉnh triển khai dự án kéo điện vào trung tâm xã Châu Phong bằng nguồn vốn 70% của tỉnh, 30% của huyện. Theo đó, huyện Quỳ Châu sẽ sử dụng nguồn vốn Quyết định 293/CP của Chính phủ và vốn huy động đóng góp của nhân dân. Các địa phương còn lại thì chờ hưởng dự án theo Quyết định 2081/QĐ-CP năm 2013 của Chính phủ về lộ trình kéo điện đến các vùng biên giới, hải đảo và các xã đặc biệt khó khăn.
 
Xuân Hoàng