(Baonghean) - Từ trung tâm xã Thọ Sơn (Anh Sơn), chúng tôi qua mấy thôn bản và 4 quả đồi mới đến được Thung Chanh. Rừng tái sinh và thung lũng đẹp có dòng suối Khe Trằng được đánh giá hội đủ nhiều yếu tố để xây dựng một bản làng tái định cư cho đồng bào Thái trên địa bàn xã. Và trên thực tế, công việc này được khởi động từ năm 2006, chính thức bước vào xây dựng từ năm 2009 theo Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, số 920/UBND - NN (tháng 3/2009). Sau đó, chỉ có công trình đường cấp phối và hai đập tràn qua Khe Trằng được làm vội. Đến nay, 2 đoạn đập tràn bị lũ cuốn trôi gần hết, dự án tái định cư này đang dở dang.
 
Dự án “Xây dựng bản tái định cư Thung Chanh” xã Thọ Sơn được UBND tỉnh giao cho UBND huyện Anh Sơn làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư là 12,6 tỷ đồng. Theo đó, trên diện tích khoảng 40 hécta, sẽ xây dựng mới 54 nhà ở  cho các hộ đồng bào Thái du canh, du cư từ bản Khe Trằng Thượng và Khe Trằng Hạ đến định canh, định cư. Danh mục cơ sở hạ tầng được phê duyệt gồm 3 km đường cấp phối vào vùng định cư, 2 km đường nội vùng tái định cư, trường mầm non, trường tiểu học, nhà ở cho giáo viên, nhà cộng đồng, hệ thống nước sinh hoạt, công trình điện và hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu cho 10 ha lúa nước. Ngay trong năm 2009, dự án khởi công xây dựng với việc thi công 2 km đường nội bản Thung Chanh; Đến tháng 10 năm 2011, khi hạng mục này đang giai đoạn hoàn thiện thì đợt lũ đã cuốn trôi hai đập tràn và gần như toàn bộ tuyến đường cấp phối vừa đắp. Cũng từ đó, toàn bộ các hạng mục của dự án dang dở, UBND huyện lại chậm kiểm tra, đôn đốc, dẫn tới việc Ban Dân tộc tỉnh đề xuất tạm dừng cấp vốn. Các hộ đồng bào thuộc diện được hưởng lợi thường xuyên kiến nghị lên UBND, HĐND huyện nhưng công trình vẫn không chuyển động. HĐND huyện cũng đã nhiều lần nhắc nhở chủ đầu tư là UBND huyện nhưng câu trả lời là “do thiếu vốn!?”.
 
images1012340___p_tr_n_qua_khe_tr_ng_thung_chanh_b__hu_h_ng_n_ng_n_..jpgĐập tràn qua Khe Trằng và đường vào Thung Chanh bị hư hỏng nặng nề.
 
Trên thực tế, ngay sau khi hạng mục đường nội bản bị lũ cuốn trôi, Ban quản lý dự án này mới “ngộ” ra rằng quá trình thực hiện, công tác khảo sát không kỹ lưỡng dẫn đến những thiệt hại nặng nề. Ngày 9/7/2014, quan sát tại hiện trường chúng tôi thấy toàn bộ khu vực chỉ còn sót lại mấy tảng bê tông của đập tràn trên Khe Trằng. 12 hộ thuộc diện hưởng lợi hiện đang bám trụ, làm những lán trại tạm để khai hoang vùng Thung Chanh đã lấy đá trên núi kè tạm qua khe suối, phục vụ đi lại sản xuất, sinh hoạt. Gia đình ông Lộc Văn Hạnh là một trong những hộ đầu tiên vào khai hoang nơi này ngao ngán kể: “Chú thấy đó, đường vào Thung Chanh vẫn loanh quanh, khó khăn như vậy. Vào mùa mưa lũ, chúng tôi gần như bị cô lập. Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần rồi mà dự án vẫn chưa được thực hiện. Cách đây mấy tháng, lại có đoàn của huyện và tỉnh vào kiểm tra, nhưng kiểm tra xong để đó”.  Còn ông La Văn Hoạt - Bí thư Đảng ủy xã Thọ Sơn cho hay: “Kỳ tiếp xúc đại biểu HĐND các cấp nào, nhân dân, cử tri các bản cần giãn dân xung quanh Thung Chanh cũng kiến nghị về việc chậm trễ của dự án.”
 
Bên cạnh chưa khảo sát kỹ địa hình dẫn đến những thiệt hại khi triển khai dự án thì một nguyên nhân khác dẫn đến những tồn đọng kéo dài là trước khi thực hiện, UBND huyện Anh Sơn chưa khảo sát quỹ đất nên lúng túng trong việc giải quyết đền bù cho 12 hộ từng vào Thung Chanh khai hoang cách đây 20 năm. Từ những năm 1980, vì thiếu đất sản xuất, nhiều gia đình đồng bào Thái ở bản Khe Trằng Hạ và Khe Trằng Thượng đã vào Thung Chanh khai hoang trồng lúa nước, khoanh rừng phát triển chăn nuôi. Hàng chục năm qua, có những gia đình đến nay đã 3 thế hệ gắn bó với thung lũng này. Thế nhưng, trước khi khởi động dự án, chủ đầu tư và các bên liên quan chưa tiến hành khảo sát, tính toán các phương án bồi thường cũng như chưa làm tốt công tác dân vận nên chưa thu hồi được đất phục vụ dự án định canh, định cư. 
 
Cho đến đầu năm 2014, Ban Dân tộc của HĐND tỉnh tiến hành giám sát thực tế, kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết những tồn tại của dự án thì chủ đầu tư là UBND huyện mới bắt tay vào làm lại quy trình. Nghĩa là phải tiến hành khảo sát lại thực địa, tính toán các phương án điều chỉnh, tổ chức công tác vận động đồng bào trong vùng ảnh hưởng, tính toán đền bù, thiết kế các hạng mục phù hợp, đề xuất các cấp về mức đầu tư, bố trí nguồn vốn … Những công đoạn này đã được Ban Dân tộc tỉnh, Sở KHĐT, UBND huyện Anh Sơn, UBND xã Thọ Sơn cùng bàn bạc thống nhất trong cuộc họp vào giữa tháng 2 năm 2014. Đến ngày 25 tháng 3 năm 2014, UBND huyện Anh Sơn có tờ trình các cấp về tiếp tục cấp kinh phí để tái khởi động dự án. Nhưng cho đến nay, dự án vẫn đang trong giai đoạn thanh kiểm tra. Trao đổi với chúng tôi, bà Võ Thị Hồng Lam - Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn thừa nhận: “Qua kiểm tra, đánh giá lại dự án, chúng tôi nhận thấy có những thiếu sót trong quá trình khảo sát tiến hành dự án. Công tác quản lý dự án cũng chưa sâu sát. UBND huyện đã chấn chỉnh lại Ban quản lý dự án và đề xuất Trung ương, tỉnh bố trí nguồn vốn để tiếp tục thực hiện. Chúng tôi đang đặt quyết tâm đến cuối năm 2015 có thể hoàn thành cơ bản những hạng mục quan trọng của dự án…”.
 
Nguyên Nguyên