(Baonghean) Là người đi xa về, tôi không khỏi ngạc nhiên trước những thay đổi, thói quen của xã hội mình. Hôm đi uống nước với bạn, lúc thanh toán hoá đơn 38.000 đồng tôi đưa cho cô phục vụ 40.000 và hỏi: Chị ơi, 2.000 đồng tiền phụ của em đâu ạ? . Cô ta nhìn tôi như thể tôi là người ngoài hành tinh, sau đó cười nhã nhặn (với cái nhìn mỉa mai không lẫn đi đâu được): “Cảm ơn chị đã ghé quán chúng em”. Bạn tôi được một trận cười ngặt nghẽo và lên lớp ngay cho tôi thế nào gọi là văn minh của người có tiền, đồng thời dặn tôi đừng bao giờ đưa những tờ 500 đồng, 1.000 đồng ra mà mua bán, nếu không muốn bị người bán lườm nguýt. Tôi nghĩ đi nghĩ lại, nghĩ mãi không thông.
Ở ta thường hô hào tiết kiệm chỗ này, phòng, chống lãng phí chỗ kia. Đi đâu cũng thấy người ta chăm chăm săm soi xem ông A mua cái ô-tô đời mới bao nhiêu tiền, bà B sắm cái túi hàng hiệu mấy nghìn đô, cứ thấy ở đâu tiêu tiền là phê bình, lên án loạn cả lên. Nhưng thiết nghĩ, đâu cứ phải tiêu tiền, và tiêu nhiều tiền đã là lãng phí? Một công trình xây dựng cho tử tế, cầu ra cầu, đường ra đường, hết bao nhiêu tỷ đồng mà đem lại lợi ích dài lâu, thì những đồng tiền ấy không thể lãng phí. Còn những đồng tiền tiêu tủn mủn, nhỏ giọt như cà phê phin vào những việc chẳng được tích sự gì mới chính là lãng phí, cần phải lên án, bài trừ. Thiết nghĩ, đã đến lúc định nghĩa lại thế nào là lãng phí, và phải tuyên truyền, giáo dục tư tưởng để dân ta khỏi nghĩ sai, làm sai: lãng phí là khi đồng tiền ta bỏ ra không xứng đáng với những gì ta nhận lại, là khi đồng tiền được sử dụng một cách bột phát, không có kế hoạch, mục đích rõ ràng. Một khi người dân còn chưa thông suốt được điều này, thử hỏi hô hào tiết kiệm, chống lãng phí phỏng có ích gì, hay cuối cùng cũng chỉ là một sự lãng phí thời gian, tiền của mà thôi?
Ở các nước phương Tây, mặc dù là xã hội tiêu dùng và người dân không có thói quen tích trữ như các nước phương Đông, nhưng họ vẫn nổi tiếng về sống tiết kiệm. Nếu như người Việt Nam những năm gần đây bắt đầu “kì thị” những đồng tiền mệnh giá nhỏ như tờ 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng thì ở châu Âu, những đồng xu 1 xăng tim, 2 xăng tim (100 xăng tim bằng một ơ-rô) vẫn được tiêu dùng rộng rãi.
Với người nước ngoài nói riêng và những người biết trân trọng sức lao động nói chung, không có đồng tiền nào là vô giá trị, vì đã là tiền thì đều phải đánh đổi bằng bàn tay lao động. Văn minh tiêu tiền của dân mình còn kém, phải chăng vì chúng ta chưa biết yêu đồng tiền mình làm ra? Cần phải xem lại thái độ, trách nhiệm của chúng ta đối với lao động, liệu sức lao động ta bỏ ra đã xứng đáng với đồng tiền ta nhận được hay chưa? Có phải vì làm việc hời hợt, vô trách nhiệm nên đồng tiền với ta thành ra dễ dãi, lâu ngày dẫn đến giảm giá trị, thậm chí là vô giá trị? Vậy nên khi bĩu môi phê bình, chỉ trích nền kinh tế suy thoái, lạm phát gia tăng, tham nhũng biển thủ của công, thay vì đổ vấy những điều này lên cho một thứ vô hình, vô dạng mang tên “tập thể”, “Nhà nước”, ta hãy tự kiểm điểm lại bản thân, vì rất có khả năng chính ta đang đục khoét, đang làm cho xã hội mục rỗng. Mối nguy tiềm ẩn trong thái độ vị kỉ và vô trách nhiệm này có thể rất nhỏ nếu chỉ hiện diện ở một, hai cá nhân, nhưng thử tưởng tượng mà xem, nếu ai cũng nghĩ và làm như thế, liệu có khác gì một nong tằm ăn rỗi mà nền kinh tế nước nhà chính là vườn dâu?
Phân tích văn hoá tiêu tiền của dân mình mới thấy rằng cần thay đổi không chỉ là tinh thần trách nhiệm của người lao động, mà còn phải thay đổi cả tâm lý hành vi của người tiêu dùng. Thật không hiểu nổi từ đâu sinh ra cái nạn đầu cơ tích trữ của dân mình, có những người thà khoá một đống vàng sau hai lần két sắt, không dám tiêu một đồng một chinh, để rồi sống một đời khổ sở. Nếu như đồng tiền làm ra để bị đóng băng, cất cất giấu giấu như đồ cổ trong viện bảo tàng, thử hỏi hàng hoá trên thị trường lấy ai sử dụng, buôn bán? Đồng tiền liệu có giá trị gì, hay chỉ là mớ giấy lộn mà thôi? Nếu đồng tiền không được lưu hành tuần hoàn, ắt dẫn đến tắc nghẽn, rối loạn nền kinh tế, từ đó sinh ra muôn vàn vấn nạn như lạm phát, cung cầu bất cân đối, khiến nhà nước yếu kém, xã hội suy đồi. Có lẽ mấu chốt vấn đề là ở sự lười biếng, thụ động, thay vì dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư xoay vòng đồng tiền để sau đó thu về nhiều hơn, người ta thà để đồng tiền bị mai một đi chứ không chịu đối mặt với rủi ro và mạo hiểm.
Vẫn biết suy nghĩ đó xuất phát từ lối sống “ăn chắc, mặc bền” của người Á Đông, nhưng trong thời đại mới này, những lối suy nghĩ tầm gần và nhỏ như vậy liệu có nên thay đổi ít nhiều?
Sự lãng phí và giá trị của đồng tiền!
Hải Triều (Mail từ Paris)