(Baonghean) - Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã trải qua ngày chất vấn và trả lời chất vấn thứ hai. Các bộ trưởng Tài chính, Công thương và Giáo dục - Đào tạo là “tư lệnh” của những ngành luôn có nhiều vấn đề nóng liên quan sát sườn đời sống của 90 triệu dân đã đăng đàn trả lời các câu hỏi của đại biểu.
Vẫn như mọi khi, phiên chất vấn luôn được cứ tri cả nước quan tâm, trông đợi. Nhưng không hiểu là do đang có nhiều vấn đề nóng hơn, được cả nước và quốc tế quan tâm hơn nên hai ngày chất vấn vừa qua có ráo riết nhưng thiếu lửa, thiếu sức nóng cả từ người hỏi lẫn người trả lời. Xem xét kỹ thì không hẳn vậy. Vì làm sao mà “nóng” lên được khi mà những vấn đề được đưa ra tại nghị trường đều là những vấn đề “nguội”. Nghĩa là vấn đề cũ, đã được đề cập đến từ lâu mà nay vẫn chưa giải quyết được. Chứ thật ra đó vẫn đang là những vấn đề gây nhiều bức xúc nhất trong xã hội.
Mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính vẫn là vấn đề điều hành xăng dầu, điện. Vẫn là những kêu ca, phàn nàn của cử tri về cung cách điều hành giá cả thiếu minh bạch, rắc rối và nhập nhằng lỗ lãi ở hai mặt hàng thiết yếu bậc nhất này. Và người ta không ngần ngại nói thẳng ra là có dấu hiệu cho thấy có lợi ích nhóm chi phối nên dẫn đến thực trạng đó. Và cách trả lời của vị “tư lệnh ngành” cũng nhập nhằng chẳng khác nào giá xăng, dầu, điện trong hiện tại. Để tình trạng không rõ ràng, tách bạch đó diễn ra từ nhiều năm nay, lỗi trước hết là ở bộ chủ quản và các cơ quan có liên quan. Phải nhìn thẳng vào sự thật đó và để làm rõ nguyên nhân và đưa ra các giải pháp khắc phục. Đằng này lại quy lỗi chủ yếu cho Nghị định 84. Nếu biết lỗi chủ yếu nằm ở đó sao không sửa ngay đi để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà để từ năm 2011 đến nay vẫn lặp đi, lặp lại điệp khúc đó. Khiến cho đại biểu chất vấn phải than phiền "Tôi cũng đã kiên nhẫn chờ đợi lời hứa này nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả... Cách sửa nghị định này cũng rất là khó hiểu, cứ mấy tháng đưa ra bàn thảo một lần xong là để đấy”.
Có lẽ cần mở một cuộc điều tra, làm rõ vì sao “mấy tháng đưa ra bàn thảo một lần xong là để đấy”. Có gì ở phía sau chi phối hiện tượng này. Với chỉ một vấn đề sửa đổi Nghị định 84 thôi, đã thấy Bộ Tài chính chưa thực hiện đúng lời hứa trước Quốc hội và cử tri về tiến độ sửa đổi. Liên đới vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương đã đứng ra nhận trách nhiệm của Bộ về chậm ban hành Nghị định 84 sửa đổi và hứa sẽ sớm ban hành nghị định mới. Và theo như lời của ông Bộ trưởng Tài chính thì bản chỉnh sửa lần cuối nghị định sẽ sớm được ban hành trong 1 hoặc 2 tháng tới. Đành chờ vậy và biết vậy thôi!
Tiếp theo sau là phiên trả lời chất vấn của ông Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo. Bộ này nhận được 19 câu hỏi, trong đó một nội dung liên quan Bộ Lao động. 18 câu tập trung 7 nhóm vấn đề: đào tạo, tuyển sinh, sinh viên thất nghiệp, quyết toán ngân sách giáo dục đại học, giáo dục đạo đức lối sống, thi tốt nghiệp THPT, đăng ký môn Lịch sử, đổi mới chương trình và SGK. Nhìn qua là nhận ra ngay toàn những vấn đề cũ, lưu cữu từ nhiều năm nay chưa được giải quyết rốt ráo nên các đại biểu vẫn cứ tiếp tục hỏi. Qua theo dõi trả lời chất vấn thì thấy, người chất vấn hỏi về những vấn đề cũ và người trả lời chất vấn vẫn tiếp tục trả lời như cũ. Nghĩa là các câu trả lời có tính chất định tính nhiều hơn là định lượng một cách rõ ràng, cụ thể với những giải pháp tiến hành và thời hạn giải quyết rõ ràng, dứt điểm. Vẫn chỉ là Bộ sẽ thế này, bộ sẽ thế nọ… và còn đem cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Rút cục, phiên trả lời chất vấn của ông Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo trở thành một phiên kể lể dài dòng về những việc của ngành Giáo dục trong thời gian qua với không ít kết quả khả quan. Và “khối u” 72 nghìn cử nhân thất nghiệp vẫn chưa được mổ xẻ thấu đáo để có phương án giải quyết triệt để mà vẫn chỉ là nằm ở mức lý giải nguyên nhân Bộ Giáo dục và các trường nằm ở phần cung của thị trường lao động. Nội dung thi cử, tổ chức đào tạo của các trường xuất phát từ khả năng mình có. Quy trình mở trường chưa chặt chẽ, chưa chú trọng đến nhu cầu địa phương. Chương trình đào tạo chưa theo kịp thế giới, chưa chú trọng kỹ năng mềm, khả năng làm việc nhóm, ngoại ngữ... Những yếu kém đó dẫn đến quy mô tuyển sinh, đào tạo hàng năm tăng, trong khi chất lượng chưa được chú trọng. Bộ và cơ sở đào tạo có trách nhiệm chính trong những yếu kém nói trên. Thời gian qua, Bộ đã có những giải pháp như hạn chế thành lập các trường đại học, cao đẳng, cải tiến quy trình cấp phép thành lập, hoạt động, khắc phục tình trạng trường được thành lập chưa có cơ sở, giáo viên mà đã có chỉ tiêu tuyển sinh. Khi mở chuyên ngành, Bộ đã có cảnh báo về ngành nghề, lĩnh vực đào tạo có quy mô lớn thì không cho mở thêm như khối kinh tế, tài chính, ngân hàng, giáo dục…. Tóm lại, vẫn chưa có được phương án cụ thể nào để giải phẫu “khối u” đó và nhiều khả năng là còn to thêm trong thời gian tới.
Xem ra, người hỏi thì cứ hỏi nhưng trong lòng dường như đã biết trước được câu trả lời nên không hồ hởi, mặn mà lắm. Còn người được hỏi cũng không lấy thế làm khó coi mà vẫn cứ thản nhiên trả lời như đã từng trả lời trước đó. Làm thế chẳng khác nào làm cho qua chuyện. Và thế là những vấn đề bức xúc, nổi cộm thuộc trách nhiệm giải quyết của các bộ chủ quản vẫn chưa có được hướng giải quyết cụ thể. Đó là món nợ các bộ trưởng, các “tư lệnh ngành” nợ cử tri cả nước. Nợ thì sẽ có ngày phải trả, nhưng sợ nhất là “mất khả năng thanh toán” vì nhiều khả năng đó là món nợ xấu khó đòi.
Duy Hương