(Baonghean)- Để người sản xuất tăng thêm thu nhập, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 62/2013-TTg về chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, chế biến nông sản, xây dựng cánh đồng lớn (CĐL). Đây là một chủ trương đúng đắn, thiết thực để sản xuất hàng hóa, muốn sản xuất hàng hóa thì phải sản xuất trên quy mô lớn, muốn có sản phẩm được các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ để chế biến thì phải có sản phẩm chất lượng tốt, muốn có sản phẩm chất lượng tốt thì phải có giống tốt được người tiêu dùng thừa nhận.
 
Nhưng vấn đề cơ cấu giống hiện nay xem ra còn khá phức tạp. Chủ trương cơ cấu giống gì trong mỗi vụ sản xuất từ Trung ương đến tỉnh chỉ là định hướng, không áp đặt phải gieo cấy giống này, giống nọ. Cơ cấu giống lúa gì trong mỗi vụ sản xuất phải từ yêu cầu của người sản xuất đề nghị lên thông qua các cuộc họp bàn mang tính chất tọa đàm để gom lại nên gieo cấy giống lúa gì là phù hợp nhất cho địa phương đó.
 
Bởi không ai hiểu hơn người nông dân về đặc trưng, đặc điểm khí hậu, địa hình cao thấp từng cánh đồng mà họ đang gieo cấy lúa hiện nay. Là nông dân ai chẳng muốn gieo cấy các giống lúa có năng suất cao, chất lượng cơm gạo ngon, bán được giá. Nhưng rất đáng tiếc, cho đến bây giờ vẫn có huyện trước mỗi vụ sản xuất, UBND huyện có văn bản giao chỉ tiêu gieo cấy cụ thể từng giống lúa cho từng xã. Thậm chí khi người dân tự gieo cấy giống lúa theo sở thích của họ thì bị ngăn cấm, thậm chí nhiều nơi còn sử dụng các biện pháp “mạnh” để ngăn chặn. Cách làm này mang tính chủ quan, áp đặt, mất dân chủ, thiếu thực tế, thiếu cơ sở khoa học và không loại trừ khả năng vì lợi ích nhóm trong mối "quan hệ" mua bán, tiêu thụ lúa giống của một số công ty kinh doanh giống nào đó. Với cách làm này đã hạn chế quyền tự chủ của ngưới nông dân trong việc lựa chọn cây trồng trên chính mảnh đất của mình - Nơi mà chỉ có họ mới biết trồng cây gì, nuôi con gì để mang lại hiệu quả.
 
Thực tế hiện nay phần lớn bà con nông dân ở hầu hết các cơ sở sản xuất không muốn gieo cấy các giống lúa lai, dù biết rằng giống đó có năng suất cao nhưng sản xuất ra cơm gạo ăn không ngon, giá bán lại thấp và rất khó bán. Nhưng họ vẫn phải làm vì chấp hành sự chỉ đạo!
 
Để có một cơ cấu giống tiến bộ đạt được năng suất, chất lượng cơm gạo tốt đem lại giá trị gia tăng cao trong các vụ sản xuất tới, chúng tôi đề nghị:
 
- Trước mỗi vụ sản xuất cơ cấu giống gì phải được bàn bạc và lấy ý kiến từ người sản xuất đề nghị lên để gieo cấy giống lúa đó có lợi nhất. Đặc biệt, ở những vùng dư thừa lương thực họ sẽ tập trung gieo cấy những giống lúa gạo hàng hóa chất lượng cao để tăng thêm thu nhập. Các huyện, thành, thị trước mỗi vụ sản xuất cần có các cuộc hội thảo có sự tham gia của đại diện một số xã, một số cán bộ KHKT có trình độ, có kinh nghiệm ở huyện và cả ở tỉnh được mời tham gia để đóng góp ý kiến là nên cơ cấu giống gì là chủ yếu nhằm đem lại giá trị kinh tế cao nhất trong vụ sản xuất.
 
- Về cơ chế, chính sách cần có sự bổ sung và điều chỉnh cho phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và KHKT. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của ông Hồ Ngọc Sỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT về việc sẽ đề xuất với UBND tỉnh bỏ trợ giá các giống lúa lai chuyển sang trợ giá các giống lúa thuần chất lượng cao để khuyến khích sản xuất lúa gạo hàng hóa chất lượng cao gắn với mô hình CĐL.
 
KHKT ngày càng phát triển thì cơ cấu giống cây trồng nói chung, cây lúa nói riêng luôn luôn là một biện pháp quan trọng, năng động phù hợp với mục tiêu nghiên cứu, phù hợp với nhu cầu xã hội. Vì vậy, sự tồn tại của một giống mới ra đời có giới hạn nhất định về thời gian và sẽ có giống mới khác tiến bộ hơn thay thế.
 
Doãn Trí Tuệ