(Baonghean.vn) - Điều mà cả người tiêu dùng lẫn DN cần là sự “trọng tài” của cơ quan nhà nước, như cơ quan kiểm nghiệm, kiểm định sản phẩm, cơ quan quản lý thị trường. 

 Cạnh tranh trong kinh doanh là một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, của doanh nghiệp (DN). Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, cạnh tranh có vai trò vô cùng quan trọng, đòi hỏi DN phải tìm nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao để đáp ứng thị hiếu và nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. 

Tuy nhiên, cạnh tranh lành mạnh khác với cạnh tranh để tranh giành, bằng mọi thủ đoạn, mọi biện pháp. Trong vụ việc “nổi như cồn” thời gian gần đây là vụ con ruồi trong chai nước ngọt của DN Tân Hiệp Phát là một ví dụ. Chỉ vì “bảo vệ sản phẩm, thương hiệu” như cách nói của Tân Hiệp Phát hay “làm thương hiệu một cách liều lĩnh” như cách nói của cư dân mạng mà thực tế đã đẩy Tân Hiệp Phát vào khủng hoảng truyền thông, khủng hoảng thị trường, sản phẩm. Dù có thanh minh thế nào đi chăng nữa, thì với việc đưa người tiêu dùng vào vòng lao lý đã là “nước cờ tàn”, là lực đẩy mạnh mẽ khiến hàng triệu người tiêu dùng quay lưng lại với các sản phẩm của DN. 2.000 tỷ đồng thiệt hại mà Tân Hiệp Phát công bố chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng.

images1430173_con_ruoi_gia_nua_ty.jpg"Con ruồi giá nửa tỷ" và cuộc khủng hoáng truyền thông của DN. Ảnh: Internet

Không chỉ thế, nhân nước cờ sai lầm này của Tân Hiệp Phát, các đối thủ cạnh tranh không lành mạnh của DN đã ra sức tạo dựng vật chứng, tin đồn để hạ gục DN, thâu tóm thị trường mà Tân Hiệp Phát đã dày công tạo dựng và nắm giữ. Đại diện Công ty đã lên tiếng giải trình về việc công ty đang là nạn nhân của một “âm mưu” cạnh tranh không lành mạnh, được của đối thủ lập kế hoạch chi tiết… là có căn cứ, là có thật. Vấn đề là người tiêu dùng không có một chỗ dựa tin cậy nào để phân định đúng sai, phải trái, bởi tất cả những thông tin đó đều rất khó xác định nguồn gốc, khó xử lý. Bởi với công nghệ làm hàng giả hiện đại khá tinh vi, người ta có thể đóng lại chai và khiến người tiêu dùng không thể nào nhận biết được.

Chính vì vậy, không thể trách người tiêu dùng khi họ bị hoang mang, dao động, tẩy chay sản phẩm, thị trường vì lo ngại về sức khỏe. Điều mà cả người tiêu dùng lẫn DN cần là sự “trọng tài” của cơ quan nhà nước, như cơ quan kiểm nghiệm, kiểm định sản phẩm, cơ quan quản lý thị trường. Sự lên tiếng kịp thời của các cơ quan này sẽ khẳng định chất lượng sản phẩm bởi nhà nước. Việc đó cần phải làm ngay, làm luôn chứ không chỉ “đóng cửa”, từ chối tiếp đại diện của DN khi chưa xác minh được họ có đúng là đại diện của DN hay không. Ngoài ra cần phải có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa đối với hành vi tung tin đồn thất thiệt để răn đe và làm gương.  

Vĩnh Quyên

TIN LIÊN QUAN