(Baonghean.vn) - Mấy ngày nay, mạng xã hội “chìm” trong làn sóng tranh luận về việc ngôi vị hoa hậu hoàn vũ bị công bố nhầm và phiên xét xử một người tiêu dùng vì hành vi tống tiền doanh nghiệp sản xuất nước giải khát bằng…chai nước có ruồi. Mình cũng khá quan tâm đến các vấn đề thời sự, nhưng riêng lần này mình có chút bối rối trước phản ứng của dư luận: tại sao lại chọn những sự việc này làm tiêu điểm quan tâm?
Trước tiên, xin bàn về cuộc thi hoa hậu hoàn vũ. Có lẽ nhiều khán giả mến mộ sẽ chạnh lòng khi đọc được những dòng này, nhưng suy cho cùng, đây là một cuộc thi vốn dĩ mang tính chất tư nhân, do một ông tỷ phú Mỹ sáng lập ra - đồng nghĩa với việc nó mang đậm màu sắc lợi ích, dù là về kinh tế, chính trị, hay là cái gì đi chăng nữa. Thực vậy! Tinh ý một chút, chúng ta sẽ thấy xuyên suốt cuộc thi là những sản phẩm, nhãn hàng của các nhà tài trợ thời trang, hay nói cách khác, sân khấu cuộc thi hoa hậu hoàn vũ là một sàn trình diễn mà các thí sinh có thể được xem là người mẫu quảng cáo. Tất nhiên, về tư duy kinh tế, đó là một ý tưởng cực kỳ khôn khéo và sáng tạo, bởi thưởng thức cái đẹp là điều mà ai cũng thích, cũng hướng đến. Vấn đề là ở cách nhìn nhận của khán giả, đặc biệt là khán giả Việt Nam, liệu chúng ta có đang quá đề cao một cuộc thi mang tính giải trí đơn thuần, áp đặt lên đó những đòi hỏi, yêu cầu mang tính dân tộc chủ nghĩa?
Sau đêm chung kết cuộc thi, nhiều khán giả Việt Nam đã để lại những lời bình luận phẫn nộ, thậm chí khiếm nhã trên trang mạng xã hội của cuộc thi. Trong đó, không ít người còn tỏ thái độ gay gắt, chỉ trích các thí sinh đến từ các quốc gia khác. Trên mạng xã hội những ngày này không thiếu những chia sẻ đại loại như “Việt Nam nên tẩy chay cuộc thi hoa hậu hoàn vũ từ năm sau”, “Việt Nam bị xử ép trong cuộc thi này”,…Quan sát tất cả những phản ứng đó của cư dân mạng Việt Nam, câu hỏi đầu tiên đến trong đầu mình là: Việt Nam sẽ tẩy chay cuộc thi trước hay các nước bạn sẽ tẩy chay Việt Nam trước? Nói cho cùng, trong những cuộc thi mang tính giải trí kiểu như thế này, mình cho rằng giá trị lớn nhất chúng ta có thể nhận được từ nó là một cơ hội để giao lưu với bạn bè quốc tế và quảng bá đến họ hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp nhất về con người Việt Nam. Chắc chắn rồi, chúng ta không hứng thú với việc trở thành “cái lò đào tạo hoa hậu” như Venezuela, Colombia,…vậy thì tại sao phải cố chấp đến mức cực đoan vì một danh hiệu mà giá trị, tiêu chuẩn tạo nên nó chỉ là một thước đo tương đối? Những gì mà ứng viên đại diện cho một quốc gia thể hiện ở sân chơi quốc tế có giá trị lớn hơn cả ngôi vị cao nhất - đáng buồn thay, những phản ứng kém văn minh của người hâm mộ Việt lại đang phá vỡ tất cả những gì mà ứng viên của Việt Nam đã gây dựng trong mắt bạn bè quốc tế.
Nói đến cùng, có lẽ mấu chốt nằm ở những cảm xúc tiêu cực, thái quá mà chúng ta khó kiềm chế và lại viện những lý do như tự tôn dân tộc, đối xử bình đẳng, lợi ích chính trị,…ra để bao biện. Lý do thật sự có lẽ đơn giản hơn nhiều: sự cố chấp, không chấp nhận khiếm khuyết của bản thân hay thế mạnh của người khác, và thấp thoáng đâu đó là cả sự ghen tỵ. Thứ cảm xúc “tối” này có lẽ cũng hiện diện ở câu chuyện về doanh nghiệp giải khát lớn nhất nhì Việt Nam và chai nước có ruồi. Giả sử, nếu doanh nghiệp này bỏ một số tiền lớn ra chiều theo ý khách hàng, hoặc giả sử đây chỉ là một doanh nghiệp “cò con” không tên tuổi, không đối thủ cạnh tranh trên thị trường, thì liệu yêu cầu “công lý” của dư luận có bớt gay gắt đi ít nhiều? Tương tự như câu chuyện giao thông “Xe lớn đền xe bé” bất kể ai đúng ai sai, dường như lô-gic “cá lớn nuốt cá bé” đang bị đảo ngược vai vế cho nhau. Nên vui hay nên buồn, ai mà biết được?
Hải Triều