(Baonghean) - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ cháy nổ trên xe khách gây thiệt hại lớn về người và tài sản có nguyên nhân từ việc hàng hóa ký gửi trên xe phát nổ. Qua đó cho thấy, công tác quản lý giao nhận, ký gửi hàng hóa trên các phương tiện vận tải khách còn lỏng lẻo, tùy tiện; nhận thức về trách nhiệm đảm bảo an toàn cho hành khách, phương tiện của lái xe, phụ xe còn nhiều hạn chế…
Vụ nổ trên xe khách giường nằm BKS 29B - 056.71 chạy tuyến Vinh - Hà Nội tại địa bàn xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc xảy ra cuối tháng 9 vừa qua là tiếng chuông cảnh báo trong việc nhận ký gửi hàng hóa tùy tiện. Vụ nổ xuất phát từ gói hành lý đựng một chiếc loa gửi từ TP. Vinh ra Thanh Hóa, nhưng đến nơi lại không có người nhận. Sau đó, gói hàng được đem trở lại TP. Vinh nhưng không tìm được người gửi. Khi nhà xe mở hộp kiểm tra, vừa cắm vào ổ điện thì chiếc loa bất ngờ phát nổ, khiến lái xe, phụ xe bị thương nghiêm trọng, khách trên xe được một phen hú vía.
Theo thượng tá Phạm Hoài Nam - Phó trưởng phòng PC45, Công an tỉnh: Để phá được chuyên án, bắt giữ được đối tượng, lực lượng chức năng đã phải rất vất vả. Trong đó, khó khăn lớn nhất chính là người của nhà xe nhận vận chuyển hàng không nắm được thông tin liên quan đến đối tượng gửi, quãng thời gian từ lúc đối tượng gửi hàng đến lúc gói hàng phát nổ quá dài. Trước đó, vào trung tuần tháng 2/2014 trên quốc lộ 1A đoạn qua xã Diễn Hồng (Diễn Châu), xe khách BKS 37B-00348 đang lưu thông hướng Vinh - Quỳnh Lưu bỗng nhiên phát nổ khiến 2 người thiệt mạng, 16 người bị thương. Nguyên nhân được xác định là do xe khách đã vận chuyển bình ôxy trên xe và đặt ngay cửa ra vào.
Những sự việc nói trên là bài học cảnh tỉnh cho cánh lái xe, phụ xe, bởi thực tế việc giao nhận, ký gửi hàng hóa hiện còn lỏng lẻo, tùy tiện; nhận thức về trách nhiệm đảm bảo an toàn cho hành khách, phương tiện của lái xe, phụ xe còn nhiều hạn chế… Thông thường, người gửi chỉ việc ghi tên, địa chỉ, số điện thoại người nhận lên gói hàng đã đóng sẵn rồi trực tiếp gửi cho nhà xe. Còn về phía các nhà xe, không ít người nhận thức rằng, việc ký nhận hàng hóa kiểu “truyền thống” như trên là một việc làm hết sức... bình thường. Một chủ hãng xe chạy tuyến Vinh - Hà Nội cho biết: “Những hàng gì nghi ngờ, có thể nhìn qua gói hàng, thái độ người gửi… thì yêu cầu mở ra kiểm tra, chứ mở ra tất cả hàng hóa khách gửi rất khó. Hành khách gửi hàng và trả phí thì chúng tôi nhận, tới nơi thì gọi cho người nhận đến lấy, còn sự cố chỉ là hy hữu”.
Ngoài việc chủ quan, mất cảnh giác của các lái xe, chủ xe, các đơn vị vận tải, sự bất cẩn trong khâu quản lý, thì việc thiếu các quy định cụ thể hoặc các chế tài xử phạt liên quan đến ký gửi hàng hóa cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn như hiện nay. Ông Võ Xuân Thanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Vinh, cho biết: Công ty quản lý 14 bến xe lớn, nhỏ trên toàn tỉnh, bình quân mỗi ngày có khoảng 800 chuyến xe xuất bến và một lượng lớn hàng hóa đi theo xe. Ngoài hàng hóa khách mang theo và hàng vận chuyển cho khách quen, còn có hàng hóa gửi qua đường. Với loại này, hàng hóa đã được đóng gói sẵn, thông tin người gửi, người nhận được ghi sơ sài trên bao bì, vì vậy nếu xảy ra sự cố phát sinh từ các gói hàng này thì rất khó xử lý.
Còn phương án lắp đặt máy soi, chiếu an ninh tại bến xe như ở sân bay là rất khó, bởi cơ sở vật chất chưa thể đáp ứng được. Đó là chưa kể hàng hóa không phải lúc nào cũng được đưa lên bến, khi xe xuất bến mới dừng bốc, đổ hàng nên không ai có thể kiểm soát được. Hiện tại, ngoài việc kiểm tra, đảm bảo các nhà xe không vận chuyển các loại hàng cấm tại bến, chúng tôi tuyên truyền cho các nhà xe hiểu rõ nguy cơ khi chuyển những hàng không rõ nguồn gốc, không rõ người nhận, người gửi... Còn giải pháp tối ưu nhất vẫn là các công ty vận tải, các nhà xe cần có quy định, cũng như phương án đảm bảo an toàn cho riêng mình.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 1.864 xe ô tô hoạt động kinh doanh vận tải hành khách. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, chỉ có 53 doanh nghiệp đăng ký dịch vụ vận tải khách có kèm theo vận tải hàng hóa, chuyển phát, nhưng thực tế nhà xe nào cũng có thể vận chuyển hàng hóa khi khách có nhu cầu. Riêng đối với những doanh nghiệp đăng ký vận tải hàng hóa, chuyển phát, thì không phải doanh nghiệp nào cũng có văn phòng giao dịch để tiếp nhận, kiểm tra, vận chuyển và trả hàng như các Công ty TNHH Văn Minh, Công ty CP lữ hành du lịch Quốc tế Phúc Lợi,...
Như vậy, ngoài một số ít những doanh nghiệp đã thực hiện khâu kiểm nhận hàng hóa để vận chuyển, thì đa phần dịch vụ này đều được thực hiện theo kiểu tự phát do lái, phụ xe tự nhận, trả hàng trên đường. Dù không khuyến khích, thậm chí cấm các lái, phụ xe nhận hàng dọc tuyến, nhưng do việc kiểm tra còn hạn chế nên các đơn vị kinh doanh vận tải cũng chưa thể quản lý được dịch vụ này, trong khi lái xe, phụ xe vẫn coi đây là khoản “thu nhập thêm”. Do đó, rất dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, vô tình tiếp tay trong việc vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng dễ cháy nổ…
Thiết nghĩ, để không xảy ra sự việc đáng tiếc liên quan đến vận chuyển hàng hóa trên xe khách như thời gian qua, nhất là khi dịp Tết đang cận kề, lượng hóa ký gửi tăng cao. Về phía người dân, tốt nhất khi có nhu cầu, nên liên hệ với đơn vị quản lý phương tiện có uy tín hoặc tìm đến những đơn vị chuyên ngành để được phục vụ chu đáo, an toàn. Về phía các nhà xe, cần có quy định cụ thể về việc giao nhận hàng. Khi nhận hàng ký gửi, nhất định phải kiểm tra cụ thể mặt hàng, yêu cầu người gửi phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, nơi cư trú, số điện thoại.
Bên cạnh đó, cần có một chế tài xử lý nghiêm minh những lái xe, phụ xe vì lợi nhuận, bất chấp các quy định khi nhận những gói hàng không rõ nguồn gốc, gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe cũng như tài sản của hành khách trên xe. Mới đây, Sở Giao thông Vận tải ban hành Công văn 281 về việc “Ngăn chặn tình trạng vận chuyển chất dễ cháy, nổ, chất độc hại trên xe chở khách”, tuy nhiên, để chấn chỉnh tình trạng nhận ký gửi hàng hóa tùy tiện, nguy cơ mất an toàn cao như hiện nay, các cơ quan chức năng cần sớm có những quy định cụ thể về chế tài xử phạt, chế độ thanh, kiểm tra... Bởi trên thực tế, ngành Giao thông Vận tải và lực lượng quản lý thị trường cũng không có thẩm quyền kiểm tra hàng hóa trong bưu phẩm nếu không phát hiện ra sai phạm…
Quảng An