(Baonghean) - Công tác chính sách là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi đội ngũ cán bộ không chỉ có trình độ chuyên môn giỏi mà còn là những người có lương tâm, đạo đức để đảm bảo quyền lợi cho người dân một cách công bằng, đúng đối tượng, đúng quy định. Thực tế hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách còn nhiều hạn chế về trình độ; một số chưa làm hết trách nhiệm, chưa tận tụy với dân…
Năng lực hạn chế
Đảng, Nhà nước thường xuyên quan tâm, chăm lo đến các đối tượng chính sách và hiện có nhiều chính sách bám sát thực tiễn giải quyết quyền lợi, hỗ trợ cho các đối tượng chính sách. Để những chủ trương chính sách này thực sự đi vào cuộc sống phụ thuộc rất lớn ở khả năng tổ chức, triển khai thực hiện của mỗi địa phương, mà “bắt nguồn” từ trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách. Hiện trên địa bàn tỉnh, bộ máy cán bộ chính sách đã được bố trí ở tất cả các xã, phường. Tuy nhiên, thực tế là năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ làm công tác chính sách cấp cơ sở chưa đáp ứng được công việc và những đòi hỏi trong thực tiễn. Do vậy, ở nhiều địa phương, trong quá trình giải quyết chế độ chính sách đã gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến quyền lợi và làm suy giảm niềm tin của người dân.
Đầu tháng 11, Báo Nghệ An nhận được đơn của một người dân phản ánh về việc cán bộ làm công tác chính sách ở huyện T.C gây nhũng nhiễu, khó khăn trong quá trình làm hồ sơ để được hưởng chế độ chính sách. Qua tìm hiểu cho thấy người dân tố cáo là có lý khi những cán bộ chính sách từ cấp xã đến huyện chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Cụ thể, cán bộ chính sách xã T.X, được giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn người dân thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật nhưng do năng lực hạn chế nên đã không hướng dẫn đầy đủ, cụ thể cho người dân về những giấy tờ, thủ tục cần thiết nên khi đưa hồ sơ lên nộp cho phòng LĐ-TB&XH huyện thì bị trả lại. Sau đó, cán bộ chính sách cũng không hướng dẫn cụ thể cho người dân cần bổ sung những giấy tờ nào, do đó, người dân phải đi lại nhiều lần, mất thời gian, công sức. Trao đổi với chúng tôi, cán bộ chính sách này thanh minh: “Do lần đầu làm nên không nắm được hồ sơ gồm những gì. Vì thế không biết hướng dẫn cho người dân như thế nào. Chỉ khi lên phòng LĐ-TB&XH huyện được hướng dẫn nên mới biết ???”.
Hiện nay, nhiều cán bộ làm công tác chính sách ở xã, phường chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu nên nhiều người làm việc rập khuôn, máy móc. Thậm chí, không ít người làm việc kiêm nhiệm nên thời gian và sự tâm huyết dành cho công việc chưa nhiều. Tại huyện Hưng Nguyên, hiện 21 xã, thị trấn thì mới chỉ có 16 xã có cán bộ công chức làm công tác chính sách, 5 địa phương còn lại đang phải hợp đồng. Thậm chí ở xã Hưng Phúc (Hưng Nguyên) hiện nay cán bộ làm công tác chính sách còn kiêm nhiệm quản lý nhà văn hóa và hệ thống phát thanh xã. Tại huyện Nghi Lộc, hiện nay có 4 xã đang còn hợp đồng cán bộ trong lĩnh vực chính sách.
Theo ông Nguyễn Đăng Dương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, hàng năm, tỉnh đều mở các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ làm công tác chính sách xã nhưng do kinh phí còn hạn chế, đội ngũ cán bộ đông, số lượng lớp được mở ra không nhiều nên việc tiếp cận, cập nhật các văn bản của nhà nước về chế độ chính sách cho người có công chưa đầy đủ, trọn vẹn và một số cán bộ chưa có trách nhiệm cao. Vì vậy, trong việc giải quyết chế độ chính sách cho người có công trên địa bàn tỉnh nói riêng và các lĩnh vực khác của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nói chung chưa được như mong muốn.
Nêu cao lương tâm, trách nhiệm
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có không ít vụ việc cán bộ chính sách lợi dụng sự hiểu biết còn hạn chế của người dân về quy định pháp luật và sự lơ là trong công tác kiểm tra, giám sát của cấp trên nên đã trục lợi cá nhân gây nên sự bất bình trong nhân dân. Ví dụ như vụ việc tại xã Cát Văn (Thanh Chương) cán bộ chính sách xã đã lợi dụng chức vụ cố ý làm trái về chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi cho các đối tượng người có công với cách mạng gây thiệt hại cho Nhà nước trên 400 triệu đồng. Hay tại xã Thanh Chi (Thanh Chương), cán bộ chính sách xã đã “bắt tay” với công an và phó chủ tịch UBND xã làm giả hồ sơ 8 đối tượng chưa đủ tuổi 80 để hưởng trợ cấp người cao tuổi, 16 đối tượng chính sách đã qua đời, nhưng chính quyền địa phương lại không cắt chế độ, mà vẫn cho tiếp tục nhận lương và một số người chưa qua đời, nhưng cán bộ xã Thanh Chi lại khai đã mất để hưởng tiền mai táng phí với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng.
Có thể nói, công tác chính sách là một lĩnh vực nhạy cảm và phức tạp liên quan đến nhiều đối tượng, với nhiều quy định cụ thể. Hiện nay, trình độ, nhận thức của người dân về các quy định pháp luật còn hạn chế, việc tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm nên người dân chưa nắm vững các quy định liên quan đến thủ tục, hồ sơ. Dù trong hoàn cảnh nào thì đối với nhân dân, người cán bộ cũng phải có thái độ nhã nhặn, mềm dẻo, tế nhị và kiên trì phân tích, giải thích rõ cho người dân hiểu. Và nếu như người dân không đúng đối tượng hoặc phải bổ sung hồ sơ thì họ cũng cảm thấy được quan tâm và thỏa mãn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Dương cho rằng: Làm công tác chính sách không đơn giản là ngồi thẩm định hồ sơ mà phải luôn đặt mình vào vị trí của đối tượng để thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ. Chính sách không chỉ là tiêu chuẩn của Nhà nước mà còn thể hiện tính nhân văn, lòng biết ơn của Đảng, Nhà nước đối với những mất mát, hy sinh của những người có công với cách mạng. Người cán bộ làm công tác chính sách phải ân cần, chu đáo, có cái tâm trong sáng, mẫu mực. Bên cạnh việc mạnh dạn đưa ra khỏi bộ máy, điều chuyển những cán bộ thiếu năng lực, trình độ, có biểu hiện không minh bạch, thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu với dân; tăng cường các lớp đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ chính sách xã, phường. Các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực thi đạo đức công vụ, quy trình giải quyết hồ sơ, thủ tục đảm bảo đúng quy định của Nhà nước nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân.
Nguyên Hưng