(Baonghean) - Ở Việt Nam, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 ngày càng được nhiều người quan tâm và nhớ đến bằng nhiều hình thức kỷ niệm. Nhưng điều đáng nói, rất nhiều người đang dần quên đi ý nghĩa đích thực của ngày lễ này.
Sự ra đời của ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 có lịch sử từ cuộc đấu tranh giành quyền lợi của những nữ công nhân dệt New York, Mỹ từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ý nghĩa của ngày lễ này là để tưởng nhớ những phụ nữ trên toàn thế giới đã đấu tranh vì quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Bởi vậy, ngày 8/3 cũng được coi là ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là ngày biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.
Ngày 8/3 đang được xã hội dần coi như một ngày hội của chị em, là dịp để phụ nữ "được phép" thoát khỏi vai trò truyền thống của mình trong gia đình. Nghĩa là chị em được thoát khỏi một ngày không phải nấu nướng, không phải phục vụ chồng con, mà được vui chơi, tụ tập cùng bạn bè và được tặng những bó hoa, món quà từ nam giới - những người mà tập tục truyền thống đã cho họ cái "quyền được phục vụ".
Và sau ngày đó, các chị lại trở về với những công việc thường ngày trong căn bếp nhỏ, sau khi đã quần quật từ sáng tới chiều với công việc xã hội. Ngày 8/3 trở thành một "món quà” được chị em phấn khởi đón nhận để tạm thời quên đi thiệt thòi đáng ra mình không phải chịu đựng.
Một nước Việt Nam độc lập ra đời đã giải phóng cho phụ nữ Việt Nam khỏi những ràng buộc, những thiệt thòi, những áp bức mà chế độ phong kiến đã áp đặt lên thân phận của họ, giúp họ có quyền tự do quyết định cuộc đời mình. Đó là tự do học hành, tự do làm việc, tự do yêu đương, tự do kết hôn và tự do ly dị khi cuộc hôn nhân đó không đem lại hạnh phúc.
Quyền tự do đó được pháp luật bảo vệ. So với lịch sử hàng nghìn năm phong kiến của dân tộc, đó là một bước tiến rất dài trong một thời gian rất ngắn của cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng và sự tiến bộ cho phụ nữ.
Thế nhưng hơn 70 năm sau Cách mạng Tháng Tám, thật buồn thay, những tàn dư của hệ tư tưởng phong kiến mà đại diện của nó là tư tưởng Nho giáo núp dưới cái bóng của văn hóa truyền thống vẫn tiếp tục trói buộc chị em trong vai trò truyền thống của mình.
Đây đó, người ta vẫn ca ngợi đức hy sinh của người phụ nữ, vẫn đề cao cái gọi là "nữ công gia chánh", “tam tòng, tứ đức”, để rồi lại tiếp tục trói buộc người phụ nữ trong gia đình và cả trong các quan hệ xã hội khác. Và người phụ nữ vẫn chưa nhận được nhiều sự chia sẻ của đàn ông với gánh nặng việc nhà, và những đóng góp cho xã hội của nữ giới vẫn chưa được coi trọng như người khác giới.
Cho nên, ngày 8/3 càng được tổ chức rầm rộ bao nhiêu, thì lại càng chứng tỏ sự thất bại bấy nhiêu của cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng và sự tiến bộ của phụ nữ. Trộm nghĩ, chỉ khi nào, phụ nữ không cần một ngày 8/3 nữa, thì khi đó, phụ nữ mới thực sự được giải phóng, thực sự được tự do. Và đó mới là một "món quà" thực sự. "Món quà" ấy, không ai tự cho chị em được, mà tự chị em phải đấu tranh để mà giành lấy.
Bảo Ngân