(Baonghean.vn) -Trong thực tế, những chỉ đạo từ cấp trên thường luôn luôn đúng về chủ trương, đường lối, nhưng khi triển khai lại thiếu giải pháp cụ thể.
Tại Hà Nội vừa diễn ra hội nghị trực tuyến tổng kết đợt cao điểm hành động vệ sinh, an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp và triển khai kế hoạch năm 2016, Bộ NN&PTNT cho biết, trách nhiệm quản lý về ATTP đã được ghi rõ và chi tiết trong Luật ATTP, bao gồm ba bộ: Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT.
Từ đầu năm tới nay, đã có hơn 6.000 mẫu rau, quả được test kiểm tra, tuy nhiên, Bộ này cũng thừa nhận việc phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm tại các địa phương còn rất hạn chế. Đặc biệt, việc ngăn chặn hiệu quả, tiến tới giải quyết dứt điểm việc sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm, lạm dụng thuốc BVTV, thuốc thú y thủy sản trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản chưa được triển khai quyết liệt, đồng bộ tại tất cả các địa phương.
Nguyên nhân được chỉ ra thì có nhiều, trong đó, nhiều ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng chính là sự chồng chéo trong phân công nhiệm vụ giữa ba Bộ: Y tế, NN&PTNT và Công Thương. Việc quản lý ATTP có đến 3 bộ cùng quản lý nhưng hoạt động còn riêng rẽ, phối hợp chưa tốt, các ngành, địa phương vẫn hoạt động độc lập, chưa chủ động đề xuất các hình thức phối hợp chặt chẽ hơn. Nhiều địa phương vẫn có tư tưởng “khoán trắng” cho nơi tiêu thụ (là một địa phương khác), rất khó truy xuất nguồn gốc về tận nơi sản xuất khi phát hiện vi phạm.
Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị cán bộ tại các Sở NN&PTNT tỉnh xem xét kỹ Điều 63 trong Luật ATTP quy định về nhiệm vụ của ngành NN&PTNT để có thể làm tròn trách nhiệm. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương tiếp tục phát huy hiệu quả đường dây nóng để người dân thông tin về các sai phạm hằng ngày trên thị trường và trong đời sống. Cùng với đó, các địa phương cũng cần cởi mở, hợp tác thông tin về những cơ sở vi phạm ATTP.
Trong thực tế, những chỉ đạo từ cấp trên thường luôn luôn đúng về chủ trương, đường lối, nhưng khi triển khai thiếu giải pháp cụ thể.
Thêm vào đó, phát huy hiệu quả của đường dây nóng như thế nào để người dân khi thông tin về các sai phạm hàng ngày được nhìn thấy kết quả quản lý, giám sát, kết quả xử lý thông tin họ cung cấp, không chỉ “nói rồi bỏ đó”, làm mất sự tin tưởng của người dân vào cơ quan quản lý. Bằng không, có hô hào đến thế nào đi chăng nữa, thì thực trạng vi phạm ATTP không những không chuyển biến mà còn nặng nề hơn, lan rộng hơn.
Vĩnh Quyên