LTS: Nhằm nâng cao chất lượng tờ báo đảng tỉnh nhà, từ nhiều tháng nay, Báo Nghệ An duy trì bình chọn bài hay, chưa hay; trang báo đẹp và chưa đẹp. Đã có hàng trăm bài bình chọn sâu sắc, đầy trách nhiệm của phóng viên, nhân viên cộng tác viên gửi về tòa soạn với tấm lòng, sự trìu mến đặc biệt dành cho tờ báo đảng tỉnh nhà. Những bài báo được bình chọn hay hoặc chưa hay đều được phân tích một cách thấu đáo, thuyết phục, là niềm động viên, khích lệ; là động lực để những người cầm bút phải trăn trở, nghĩ suy và trách nhiệm hơn. 
 
Để tỏ lòng biết ơn và cám ơn những bạn đọc tâm huyết, trách nhiệm với tờ báo đảng Nghệ An; để những góp ý chân thành và tận tình được lan tỏa và hữu ích hơn, Tòa soạn mở chuyên mục: “Bình phẩm Báo Nhà” trên các số nhật báo thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần để giới thiệu những bài bình chọn xuất sắc của tuần.  
 
1.“Quả bom nước”.  Đó là lời cảnh báo trong bài bình chọn của một bạn đọc gửi về tòa soạn dành cho bài viết "Hệ lụy từ các dự án thủy điện: Trách nhiệm trong việc trồng rừng thay thế" của tác giả Phạm Bằng đăng trang 1, số Nhật báo ngày 11/12/2013). 
 
Trước khi bình về bài viết này, rất cần nhắc lại, thủy điện đang là vấn đề thực sự "nóng", không chỉ ở tỉnh ta mà là câu chuyện đã được đặt lên bàn nghị sự Quốc hội trong sự kỳ vọng của đông đảo tầng lớp nhân dân. Những hệ lụy của thủy điện đã gây không ít nỗi lo lắng cho người dân bởi hàng trăm "quả bom nước" khổng lồ treo lơ lửng, sẵn sàng ụp xuống bất cứ lúc nào. Mới đây, trên báo Văn Nghệ, nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã có bài viết mang tựa đề "Thủy, hỏa, đạo tặc" nói về mối nguy này. Ông đã dùng đến từ "Thủy điện tặc" để chỉ ra bản chất vấn đề.
 
images894234_4a.jpgĐập ngăn nước Thủy điện Sao Va khiến cho dòng suối Nậm Việc trơ đáy. Ảnh: P.B
 
Tại kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XIII, sáng ngày 27 - 11 vừa qua, với tỷ lệ 88,96% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Theo đó, Quốc hội quyết định loại bỏ 424 dự án thủy điện trên toàn quốc, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án. 
 
Đi cùng những dòng thông tin "nóng" đó, tác giả Phạm Bằng đã thêm một tiếng nói vào câu chuyện đang là mối quan tâm lớn của dư luận cả nước và Nghệ An không là ngoại lệ. Với hệ thống sông ngòi dày về mật độ, lưu vực lớn, độ dốc địa hình cao cộng với lượng mưa trung bình khá lớn đã khiến tỉnh ta xem như là mảnh đất "màu mỡ" cho thủy điện phát triển. Quả thật, với 44 dự án vừa và nhỏ cùng tổng công suất trên 1.411 MW có thể khai thác (tính đến 2015), thủy điện đúng là có "đất sống" tại Nghệ An, vùng đất có diện tích gần 16,5 ngàn km2 với trên 3 triệu người. 
 
Phát triển thủy điện phục vụ cho "Quốc kế, dân sinh" là điều rất đáng mừng, đáng để suy ngẫm, tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc phát triển ồ ạt, phát triển bằng mọi giá, trong đó có rất nhiều nhà máy thủy điện công suất nhỏ dưới 10MW làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đời sống và sản xuất của người dân. Tác giả bài viết đã cảnh báo ngay từ cách đặt vấn đề khi chỉ ra nhiều dự án thủy điện chậm tiến độ, dừng thi công phải rút giấy phép. Từ đó, cần tiếp tục rà soát, đánh giá một cách nghiêm túc để nâng cao chất lượng quy hoạch, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tác động, hệ lụy đã, đang và có thể sẽ tiếp tục xẩy ra bởi..."ông thủy điện". 
 
Trong bài viết này, câu chuyện được đưa ra đầu tiên là thủy điện ở Nghệ An đã có lỗi ngay từ khâu quy hoạch. Như đã nói, với những tiềm năng "trời cho" để phát triển nguồn “vàng trắng’, chúng ta hoàn toàn có thể hình thành một mạng lưới thủy điện lớn mạnh, từ đó góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia trong đó có quê mình, nếu biết chế ngự nguồn tài nguyên này. Thế nhưng, hoặc vì hám lợi gần mà quên hại xa. Hoặc vì do yếu kém trong quy hoạch, thẩm định cho đến khâu quản lý, phê duyệt và nhiều lý do “tế nhị” khác... nên đã dẫn đến việc không quản lý được "con rồng trắng" (vốn dĩ đứng đầu trong những mối họa được dân gian đúc kết: Thủy, hỏa, đạo tặc), làm hệ lụy đến không chỉ một thế hệ. 
 
Ngoại trừ 8 dự án đã vận hành phát điện với tổng công suất 638,5 KW có hiệu quả, mà Bản Vẽ, Khe Bố, Hủa Na... là những minh chứng hiển nhiên. Còn lại 21 dự án quy mô nhỏ, vừa bị UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương loại bỏ đã bộc lộ tình trạng chậm tiến độ, làm ảnh hưởng đến đời sống dân sinh một cách nặng nề. Một trong nhiều nguyên nhân là bởi các chủ đầu tư còn hạn chế về năng lực, về khả năng đánh giá tác động môi trường....Những dự án như Thủy điện Sông Quang, Châu Thôn (Quế Phong) do Công ty CP Phát triển năng lượng Sơn Vũ làm chủ đầu tư đều được khởi công từ 2007 nhưng đã đành lòng ấn nút "Pause" (tạm dừng) từ 3 năm nay. Sự thực, họ cũng chỉ mới hoàn thành được đường công vụ (TĐ Châu Thôn) hoặc thi công hệ thống kênh dẫn và bể áp lực, kéo theo nguy cơ sạt lở lớn (TĐ Sông Quang). Đến nỗi, lãnh đạo huyện này đã phải kêu lên, đại ý rằng "Cho chúng em xin! Các bác thủy điện nên dừng lại nhé! Thủy điện với bản làng quê hương chúng em như vậy là đủ rồi, chúng em biết sợ rồi!". Hơi hài hước một tý, nhưng cũng là cách nói để thấy mức độ phản ứng của địa phương đối với việc phát triển thủy điện tại địa bàn. 
 
Khi lãnh đạo, đại diện cho người dân, đã kêu lên như vậy, thì có nghĩa thủy điện đã gây hệ lụy không nhỏ cho cuộc sống bản địa. Ở tiểu mục 2 "Những hệ lụy phát sinh" của bài viết, tác giả tiếp tục đi sâu phân tích và chỉ rõ nguyên nhân của vấn đề này. Một trong số đó là việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và công tác khôi phục, bảo vệ môi trường lại bị chính các chủ đầu tư xem nhẹ. Tiếc thay, đây lại là vấn đề liên quan "sống còn" đến nội hàm “Tồn tại hay không tồn tại” của chính công trình ngay trên vùng đất, dòng sông mà nó đứng chân. Có thể dẫn theo tác giả đánh giá của ông Hồ Sỹ Dũng- Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) khi nói về vấn đề này:"
 
Khi xây dựng dự án thủy điện, môi trường sinh thái chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, làm cạn kiệt các nguồn lợi thủy sản, làm thay đổi dòng chảy... Hiện nay, công tác đánh giá tác động môi trường mới chỉ dừng lại ở mức độ dự báo...". Sự thờ ơ với môi trường nguyên thủy, vô trách nhiệm với môi sinh có thể thấy ngay trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, là khu bảo tồn đặc biệt quý giá, đã "hoành tráng" với 7 dự án thủy điện. Ngoại trừ dự án lớn, các dự án thủy điện nhỏ, vốn thu lợi nhuận ít, nhưng lại kéo theo không ít diện tích rừng nguyên sinh bị mất trắng, làm biết bao "cư dân" theo đó cũng không còn đất sống. 
 
Đó mới chỉ nói về thiên nhiên. Để thực hiện dự án, đã phải di dời hàng ngàn hộ dân đến nơi ở mới. Đơn cử như để làm Thủy điện Hủa Na, đã có 1.362 hộ dân và trên 5,3 ngàn dân phải di chuyển. Điều này đồng nghĩa với biết bao phiền toái về tập quán sinh sống, nguồn sống, môi trường sống cùng những mất mát về tập tục sinh hoạt, truyền thống văn hóa bản địa...không thể tính đếm được. Hơn 500 nhân khẩu của gần 200 gia đình "cực chẳng đã" đã phải hồi hương về dựng lều giữa mênh mông lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ để mưu sinh trong sự bất lực của chính quyền là một minh chứng sống động và tủi buồn nhất.
 
Có thể lần giở lại ký ức như những đoạn phim quay chậm khi chứng kiến hình ảnh những ngôi lều xiêu vẹo nằm chênh vênh ven núi, bên dưới là mặt nước trắng băng của lòng hồ thủy điện khổng lồ. Trong những túp lều này, hiện diện rất rõ cuộc sống tạm bợ với sự phơi bày làm não lòng người chứng kiến. Mấy đứa trẻ nhem nhếch theo cha mẹ trở về sinh sống nơi vốn xưa là bản làng của chúng, giờ đã chìm sâu dưới hàng trăm thước nước, tha thẩn trần truồng giữa trời lạnh giá và cái nền vô cùng, vô tận của thiên nhiên. Ngoài lòng hồ đã dần chìm vào màn đêm lễnh loãng xám, người lớn đi kiếm cá đổi gạo vẫn chưa về. Đó là hệ lụy của những dự án thủy điện chưa được người có trách nhiệm dự trù thấu đáo và giải quyết sau này.
 
Cũng như vậy, mặc dầu công suất chỉ 3MW nhưng khi đi vào vận hành, Thủy điện Xao Va (Quế Phong) đã làm 70 ha diện tích đất nông nghiệp của 5 bản thuộc xã Tiền Phong luôn nằm trong tình trạng thiếu nước sản xuất. Đó là chưa tính đến con thác Xao Va, một thắng cảnh nổi tiếng của miền Tây xứ Nghệ cũng cạn dòng trơ khấc. Hơn 20 sải nước tuôn chảy trữ tình của dòng thác này cũng đang dần đi vào...trí nhớ các cụ.
 
Tất nhiên là không thể phủ nhận hiệu quả của các dự án thủy điện đối với an ninh năng lượng trong sự phát triển chung. Tuy nhiên, từ những thực tế có phần phũ phàng hay còn gọi là mặt trái của những dự án này gây ra tại tỉnh ta trong thời gian qua, đã đến lúc các ngành chức năng cần có cái nhìn toàn diện, cẩn trọng hơn trong công tác quy hoạch thủy điện dựa trên góc độ môi trường cũng như phát triển bền vững. 
 
Được và mất của một vấn đề, hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của người trong cuộc – đó là thông điệp của bài viết mà tác giả Phạm Bằng mang đến cho chúng ta và cũng là gửi gắm của người viết bài bình.
 
2. “Sự xuất hiện đúng lúc”, là một bình chọn rất ngắn mà đầy đủ, sâu sắc, trọn vẹn, đó là lời khen tặng của độc giả dành cho tác giả Phạm Bằng.
 
Những năm gần đây, do sự thiếu hụt năng lượng trầm trọng vào những tháng cao điểm của mùa hè. Các nguồn nguyên liệu khác như than đá, dầu mỏ… bị khai thác vô tội vạ, mà bất luận là tài nguyên trong lòng đất, hay trên bề mặt, ngoài biển khơi, nếu bị khai thác ồ ạt, thiếu quy hoạch, không kế hoạch và đặc biệt là không thực hiện bồi đắp, tái sinh tất sẽ cạn kiệt. Người ta chuyển hướng sang tài nguyên nước. Từ đó, các nhà máy thủy điện mọc lên như nấm sau mưa. Bài viết: “Hệ lụy từ các dự án thủy điện: Trách nhiệm từ việc trồng rừng thay thế” của tác giả Phạm Bằng đăng trên trang 1, Nhật báo ngày 11/12/2013 đã nói lên được thực trạng và những hệ lụy mà người dân phải gánh chịu từ việc quy hoạch các nhà máy thủy điện thiếu đồng bộ.
 
Những nhà hoạch định vì một lý do nào đó mà không hoặc chưa tính toán đến những tác động tiêu cực như lũ ống, lũ quét, sạt lở vào mùa mưa, thiếu nước vào mùa khô. Đó là chưa nói đến việc xả lũ khi mực nước đạt đến cao trình cho phép, gây ngập lụt nặng dẫn đến những thiệt hại về người và tài sản cho các địa phương ở hạ lưu… Và một điều hết sức quan trọng nữa là di dời người dân ra khỏi vùng lòng hồ, nhiều dự án thủy điện cũng chỉ thực hiện một cách rất qua loa, với mục tiêu là giải phóng mặt bằng càng sớm càng tốt mà không tính toán đến việc những người dân đó sẽ làm gì để sống, sống như thế nào ở nơi mới… Sự xuất hiện đúng lúc cũng là một thành công của bài viết, vì đây là vấn đề nóng, được các cử tri tỉnh nhà đặc biệt quan tâm và HĐND tỉnh đã đưa ra chất vấn tại kỳ họp lần thứ 10, khóa XVI diễn ra vào các ngày từ 11 đến 13 tháng 12 vừa qua.
 
Vấn đề không mới, không phải có tính phát hiện, nhưng được tác giả phân tích thấu đáo, thuyết phục và đưa ra đúng lúc đã tạo nên sự hấp dẫn và thành công.
 
Người Xây Dựng