(Baonghean) - Bài viết "Xin rút tên khỏi danh sách hộ nghèo: Chuyện vui ở xứ Thạch Ngàn" của tác giả Nhật Lân, đăng trên trang 1 Nghệ An Nhật báo ngày 17/12 là bài viết được bình chọn là tác phẩm hay của tuần 3 tháng 12-2013 

1. Tự trọng của người nghèo 
 
Bài viết như là những tia nắng ấm áp những ngày đông giá cuối năm 2013 đầy vất vả, lo toan của bà con ở miền rét sương Nghệ An. Câu chuyện giản dị, nói về 15 hộ dân tự nguyện viết đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo, cũng có nghĩa là tự nguyện nhường lại những lợi ích hiển nhiên được từ tiêu chuẩn hộ nghèo để nỗ lực vươn lên bằng chính khả năng của mỗi người. Đơn giản vậy thôi, nhưng đó là cả một sự quả quyết dứt bỏ khỏi tâm lý ỷ lại, trông chờ từ bao lâu nay. Cao hơn nữa, là ý nghĩa của việc "nhường cơm, sẻ áo" cho những đồng bào còn gian khó hơn mình. 
 
images898969_cam00102.jpgẢnh minh họa
Không muốn thoát nghèo
 
Ngay từ đầu, tác giả Nhật Lân đã nêu vấn đề "Nếu được chứng minh là hộ nghèo, sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề...", nghĩa là rất nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước để có thể ỷ lại với những người "siêng ăn, nhác làm". Khi vào trang tìm kiếm google, gõ cụm từ "Không muốn thoát nghèo", chỉ trong 0,34 giây cho ra 90.500 kết quả liên quan. Cũng Google, cụm từ "Xin ra khỏi danh sách hộ nghèo", trong 0,12 giây cho ra 10.600 kết quả. Số người Không muốn thoát nghèo áp đảo những người tự nguyện Xin ra khỏi danh sách hộ nghèo trên 8 lần.
 
Ngày 24/9 mới đây, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (QH) đã tổ chức phiên giải trình việc phân bổ nguồn lực và cơ chế điều hành thực hiện chính sách giảm nghèo. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, tổng nguồn vốn huy động cho mục tiêu giảm nghèo từ năm 2005-2012 đạt gần 543.000 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước đã bố trí gần 206.000 tỉ đồng, còn lại từ 6 nguồn khác như vốn ODA, trái phiếu Chính phủ... Hơn nửa triệu tỷ đồng cho một quãng thời gian 7 năm, một con số khổng lồ để giúp đỡ những người nghèo trên cả nước. 
 
Đó là một chủ trương đầy nhân văn của Đảng và Nhà nước, thể hiện đạo lý ngàn đời người Việt nâng niu "Bầu ơi thương lấy bí cùng"...Tuy nhiên, từ chính sách rất đỗi cao cả này, đã nảy sinh ra nhiều chuyện cười ra nước mắt. Như một gia đình ở huyện lúa đã dùng 5 bức ảnh chụp ở các góc độ khác nhau để làm hồ sơ xin công nhận 5 hộ nghèo. Hoặc như chuyện có thật như bịa, rằng một vị chủ tịch xã nọ đã chỉ đạo để gia đình em rể (là phó chủ tịch xã này), được vào...danh sách hộ nghèo. Ông chủ tịch xã phán một câu chắc như... củ chuối: "Cho hắn...nghèo để vay được đôi đồng mà yên tâm lo việc xã" (?). Còn một thực tế khác nữa, hiện nay rất ít các xã xin ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi). Từng có một số cán bộ địa phương thật thà tâm sự: Chỉ cần xin thêm được vài dự án sẽ mang về cho địa phương nguồn kinh phí lớn, có khi hơn cả nguồn thu ngân sách một năm. Cán bộ còn có tâm lý ỷ lại như thế, nói gì đến người dân!
 
Cùng với những cái nghèo rất cần nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện và chăm lo của toàn xã hội như những hộ nghèo trong diện chính sách, thì có những cái nghèo cần phải lên án như những trường hợp nghiện ngập rượu chè, cờ bạc, hút hít đến sạt nghiệp; nghèo do dầm dề trong chốn hủ tục đua chen ma chay cưới xin; nghèo dai dẳng do lười nhác, ỷ lại... 
 
Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại một số phương thức trợ giúp thoát nghèo, sao cho chính sách thật sự là động lực chứ không phải tạo ra sức ỳ trong sự phát triển. 
 
Xin được thoát nghèo
 
Hình ảnh cụ Lưu Đình Ấn, 69 tuổi ở bản Thạch Tiến, là thương binh 4/4, bệnh binh 2/3 lại mang trong mình chất độc da cam, nói với vợ (cựu TNXP Nguyễn Thị Tơ) rằng: "Tôi đã khỏi bệnh, nhà đã bớt khó khăn, tôi làm đơn rút khỏi danh sách hộ nghèo bà nhé?". Có thể nhận xét một cách không hề khiên cưỡng về người CCB này rằng, ông rất biết tự trọng, vẫn vẹn nguyên phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ. Tấm gương của ông Ấn đã được noi theo bằng việc nhiều người trong bản cũng xin rút khỏi danh sách hộ nghèo, đồng nghĩa với sự xin khước từ sự ưu đãi của Nhà nước như lời thổ lộ của chị Lô Thị Hương ở bản Đồng Tâm, chồng mất, 1 nách 4 con thơ:" Nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống thì hẵng còn nhiều người vất vả hơn mình. Phải xin rút thôi để dành suất cho người khác".
 
Trong 4 câu chuyện được tác giả Nhật Lân đưa ra trong bài viết, có thể thấy những người nghèo, thực sự nghèo với từng nỗi cơ hàn khác nhau, Nhưng khi nhờ chính sách của Nhà nước, họ đã dần gượng dậy, dần tự chủ cuộc sống. Đẹp và ý nghĩa hơn là cả 4 người trong số họ đều xin nhường lại suất "hộ nghèo" của mình cho những gia đình láng giềng nghèo khó như chính họ trước đây. 
 
Thực ra, việc xin ra khỏi danh sách hộ nghèo ở Nghệ An đã không còn là chuyện lạ. Trường hợp đầu tiên của tỉnh là ở Quỳ Châu, vùng miền núi phía Tây với không ít hoàn cảnh còn lao đao trong cuộc mưu sinh. Tháng 4 năm 2010, có một người phụ nữ ở xã Châu Bính (Quỳ Châu) đã tự mình làm một việc "động trời" ở một vùng quê có biết bao người đang “đấu tranh” để… được nghèo. Đó là chị Hà Thị Quê, chồng mất khi con út mới lên 1 tuổi. Một mình nuôi 4 con ăn học, chị Quê là người được nhận khoản trợ cấp hộ nghèo của xã. Nhưng chăm chỉ và cần cù, không cam chịu, chị đã dần ổn định cuộc sống. Và kết cục có hậu của câu chuyện là chị và 4 con xây được nhà, bé thôi, nhưng vẫn do tay họ làm nên và thóc lúa, lợn gà tạm gọi là dư giả. Đây được ghi nhận là trường hợp đầu tiên của tỉnh Nghệ An tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Hỏi lý do của quyết định được nhiều người cho là “động trời” này, chị trả lời mộc mạc: “Mình đã không còn thiếu đói, không nên ỷ lại vào lòng thương của người khác để sống!”.
 
Nhìn xa hơn ra các tỉnh bạn, việc người nghèo bắt đầu "rũ tấm áo rách", tự tin xây đắp cuộc sống, nhường phần thảo thơm cho người bên cạnh đã không còn là chuyện hiếm. Ở xã Bình Dương (huyện Thăng Bình-Quảng Ngãi) năm 2012 mới có 4 hộ, đến năm 2013 đã có gần 20 hộ xin thoát nghèo.  Năm 2012, thị trấn Khánh Yên (huyện Văn Bàn-Lào Cai) có 204 hộ nghèo trên tổng số 1500 hộ (chiếm gần 14%). Phần lớn nằm ở các tổ dân phố mà đời sống người dân chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp này. Ấy vậy mà 2013 đã có niều hộ tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo, đây là lần đầu tiên ở thị trấn Khánh Yên có người làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Cũng mới đầu năm 2013 này, có đến 80 hộ nghèo ở xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước (Cà Mau) đồng loạt tự nguyện làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo với lý do họ đã thoát nghèo nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước, và do chí thú làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Nên nhớ rằng, mới chỉ mấy năm trước, họ đều là những hộ phải hỗ trợ nhà ở tình thương, thậm chí có hộ phải cứu đói gay gắt. 
 
Những câu chuyện trên có thể định danh bằng một từ: Lòng tự trọng của người nghèo - Những người nghèo "chân chính".
 
2. Đòi được nghèo, là một bài bình ở dưới góc độ khác về tư tưởng trông chờ ỷ lại những ưu đãi từ chính sách hộ nghèo, đòi được nghèo để  trục lợi. Nó trái ngược với hình ảnh những người dân “rũ tấm áo rách” vươn lên thoát nghèo trong bài “Chuyện vui ở xứ núi Thạch Ngàn” của tác giả Nhật Lân.
 
Thực tế hộ nghèo được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, do đó không ít người đã bằng mọi cách để được nằm trong diện nghèo. Nếu như mọi người ai cũng muốn nghèo thì nhà nước phải chi một khoản tiền rất lớn cho những người thực sự đã thoát nghèo nhưng vẫn cứ đòi nghèo. Trong  xã hội vẫn còn một số lượng không nhỏ người vẫn có tư tưởng “đòi được nghèo”
 
Lẽ ra, khi xét những hộ nghèo, người ta rất ngại và khổ tâm nếu phải đứng tên trong danh sách ấy. Nhiều trường hợp rất nghèo, nhưng cố tránh, vì tự trọng. Vậy mà giờ đây không ít người đang trong độ tuổi lao động, có việc làm mang lại thu nhập; thậm chí nhà cửa đầy đủ các thiết bị như ti-vi, tủ lạnh, máy giặt..., ấy vậy mà họ tìm mọi cách, từ khai báo không trung thực đến "chạy chọt" để ở lại trong diện nghèo! Tiếc thay, trong số ấy không chỉ những người lười lao động, thiếu ý chí, thiếu nỗ lực vươn lên, ỷ lại vào những chế độ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mà có cả những người biết làm ăn nhưng không muốn thoát nghèo, vì đã "quen" hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Ðó là những cái nghèo có tội với gia đình và xã hội. Họ cố tình trông chờ vào chính sách đãi ngộ, gây ảnh hưởng rất xấu trong cộng đồng, tạo tâm lý không lành mạnh, ganh đua nhau để được là "hộ nghèo".
 
Nếu cứ để tồn tại cung cách ưu đãi sai đối tượng thế này thì những kẻ quen ỷ lại và "mạo danh nghèo" sẽ hút mất một phần tiền không hề nhỏ của Nhà nước. Mà tiền Nhà nước là tiền ở đâu nếu không phải là những giọt mồ hôi của biết bao những người dân cần cù tần tảo, chịu thương chịu khó, thắt lưng buộc bụng đóng góp nghĩa vụ thuế cho Nhà nước...
 
Chuyện một số hộ dân ở Thạch Ngàn, Con Cuông đã vươn lên, thoát nghèo bằng chính khả năng, tự nguyện rút tên ra khỏi danh sách hộ nghèo…thực sự là những tấm gương cho xã hội noi theo.
 
Đây là một đề tài thú vị, cần tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng. Tác giả đã chịu khó thu thập, đi về cơ cơ sở để phản ánh một chủ đề tưởng như rất đơn giản nhưng lại có ý nghĩa cổ vũ rất lớn, nhằm nêu gương điển hình và phát động phong trào thoát nghèo.
 
Người Xây Dựng