(Baonghean) - Bài viết "Đếm vịt trời" (mục Góc nhìn người Nghệ) của tác giả Đức Dương đăng trang 5, Nhật báo ngày 10/12/2013 là bài viết chưa trúng với chuyên mục, chưa hay trong cách xử lý vấn đề.
1. “Nỏ duyên”
Trước hết, khi đã viết bài cho chuyên mục “Góc nhìn người Nghệ", chúng ta cần đặt mình vào tôn chỉ, mục đích của chuyên mục để thể hiện qua lăng kính ấy. Nếu không được cầu toàn, thì cũng còn vướng chút ít hơi hướng của chuyên mục. Vậy, thử bàn một chút xung quanh tên gọi của chuyên mục. Khi đã đề cập đến "Góc nhìn người Nghệ" có nghĩa người viết phải nhìn nhận, đánh giá, suy xét vấn đề được đưa ra bằng cách nhìn của một "Nghệ nhân". Nghĩa là cách nhìn của người xứ Nghệ, của miền đất với rất nhiều đặc điểm khó trộn lẫn vào đâu được.
Dưới góc nhìn của nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn hóa thì xứ Nghệ có nhiều điểm mạnh trong tính cách, nói rộng ra là nhân cách khó pha lẫn với một vùng miền nào khác của đất nước. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nhìn nhận: “Có lẽ những người thông minh nhất và sâu sắc nhất thì Nghệ Tĩnh này là một nơi trung tâm”. Còn nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh thì cho rằng “Nói đến xứ Nghệ, điều trước tiên không thể không nói tới là con người, một biểu hiện độc đáo và gây ấn tượng nhất”. Cố học giả Đặng Thai Mai khi nói về con người Nghệ đã nhận xét người Nghệ “Can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan, và tằn tiện đến... cá gỗ". GS. Vũ Ngọc Khánh, một người con của chính đất Nghệ đã nghiên cứu người Nghệ và đưa ra những nhận định, đó là trong mỗi con người Nghệ có 4 đặc điểm: "Có lý tưởng trong tâm hồn; Sự trung kiên trong bản chất; Sự khắc khổ trong sinh hoạt; Sự cứng cỏi trong giao lưu”.
Trên đây là những cái nhìn khá căn bản của các nhà nghiên cứu, nhà chính trị về tính cách của người Nghệ. Bởi thế, "Góc nhìn người Nghệ" trong trường hợp này, ít nhất phải làm sao để người đọc khoái trá thấy được cái nhìn thâm thúy qua đôi mắt của ông đồ Nghệ xưa và kết tinh những nét tính cách đấy trong hôm nay. Tóm lại, đọc bài viết, người ta phải biết đó là do một "nghệ nhân" với đầy đủ “ri, mô, răng, rứa” dù là về bất kỳ đề tài nào.
Bài viết "Đếm vịt trời" đề cập đến tình trạng báo cáo láo từ địa phương lên Chính phủ, sai đến nỗi chênh lệch quá nhiều giữa mức tăng trưởng bình quân của 63 tỉnh thành và tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước. Tác giả viện dẫn ra cả câu chuyện dân gian về một người mua phải đàn vịt trời, ngày thì đếm đủ nhưng tối về lại thiếu vì chúng bay đi nơi khác. Câu chuyện thì hay về sự ngốc nghếch của anh nông dân, nhưng hình như tác giả gò ép nó vào đây nên “nỏ duyên tý mô”.
Cái thâm sâu, hài hước mà ý nhị của "Góc nhìn người Nghệ" ở bài viết này, tiếc thay, chẳng thấy nổi lên chút phao câu vịt trời nào cả! Hình như chúng đang bận mò mồi, chuẩn bị cho bài viết sau chăng?
2. Mất “hồn”!
Một bạn đọc khác cũng có cùng quan điểm như trên trong bình phẩm về bài “Đếm vịt trời” của tác giả Đức Dương.
Đã viết cho chuyên mục “Góc nhìn người Nghệ” có nghĩa là phải tuân thủ theo văn phong, ngôn ngữ của người Nghệ. Phải giữ và khoe cho được cái thứ “đặc sản” chỉ riêng có của người Nghệ mà thôi, không thể lẫn với bất cứ địa phương hay vùng miền nào. Những “đặc sản” ngôn ngữ đó tạo ra một nét văn hóa riêng, độc đáo mà người Nghệ dù đi đâu, về đâu cũng không thể quên và không có quyền được quên nó. Thế nhưng, bài viết “Đếm vịt trời” của Đức Dương lại không cho thấy cái riêng đó. Một điều tối kỵ là người viết chuyên mục không được làm mất tôn chỉ, mục đích, màu sắc của chuyên mục. Với bài “Đếm vịt trời” tác giả đã đánh mất cái “hồn” của chuyên mục.
Có thể kết một cách ngắn gọn về bài viết này: Ý tưởng thì tốt nhưng diễn đạt ngôn ngữ để tạo ra các riêng của chất Nghệ thì dở vô cùng.
Người xây dựng