Bệnh nhân Trương Xuân Thao (SN 1947), bị xuất huyết não cách đây 6 tháng. Đợt điều trị lần đầu tại bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Sau một thời gian điều trị, bác sĩ cho bệnh nhân ra viện trong tình trạng: liệt nhẹ 1/2 người trái, khó nói, nói ngọng, đi lại yếu, khó khăn, tay trái vận động yếu... Người bệnh về nhà tự tập luyện, leo cầu thang ngã và rồi chân trái không thể đi lại được, còn tay thì vẫn vận động như trước lúc ngã...
Người nhà và người bệnh có nguyện vọng được chuyển đến Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An (đóng tại TX. Cửa Lò) để phục hồi chức năng. Sau khi nhập viện ngày 23/3/2018, bệnh nhân được khám sàng lọc tại Khoa Khám bệnh cấp cứu và chuyển vào điều trị nội trú tại Khoa Hoạt động trị liệu - Bệnh viện PHCN Nghệ An.
Bác sĩ Hồ Thị Phương B - người trực tiếp thăm khám cho biết: Sau khi tiếp xúc hỏi bệnh, thăm khám thấy tay trái bệnh nhân bị liệt nhẹ, thử cơ ở mức 3. Nhưng chân trái lại không thể vận động được, cử động rất đau vùng cổ xương đùi trái... Cảm thấy nghi ngờ, bác sĩ Phương B đã chỉ định cho bệnh nhân chụp X-Quang, xương chậu, cổ, xương đùi và chụp X-Quang tim phổi. Kết quả: bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi trái...
Ngay lập tức, bác sỹ Phương B đã báo cáo cho bác sỹ trưởng khoa, mời hội chẩn và thống nhất liên hệ với Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An quyết định chuyển lên Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An để được phẫu thuật thay chỏm xương đùi, rồi tiếp tục phục hồi chức năng. Bệnh nhân Trương Xuân Thao cho biết: “Sau khi phẫu thuật thay chỏm xương đùi tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An, tôi được chuyển về phục hồi chức năng tại Bệnh viện PHCN Nghệ An. Hiện nay, sức khỏe của tôi đã ổn định. Có thể tự phục vụ bản thân và đi lại dễ dàng hơn”.
Trường hợp như bệnh nhân Trương Xuân Thao không phải là trường hợp duy nhất mà có rất nhiều bệnh nhân bị gãy xương, tưởng chừng tàn phế nhưng sau khi được phục hồi chức năng tại Bệnh viện PHCN Nghệ An, sức khỏe, tinh thần đã trở lại bình thường, điển hình có trường hợp quay trở lại làm việc, trở thành trụ cột chính của gia đình trong phát triển kinh tế.
Bác sỹ Thái Thị Xuân - Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An cho biết: Khi gãy xương có những trường hợp bị giập, như vậy không chỉ xương bị tổn thương mà các cơ, gân, dây chằng cũng bị tổn thương theo. Tùy theo từng mức độ thương tổn, bệnh nhân được bó bột hay phải mổ kết xương và khâu lại phần mềm bị rách, giập.
Sau một thời gian bị cố định, người bệnh hầu như không có sự vận động ở chỗ bị tổn thương cho nên dễ bị mất cảm giác và có biểu hiện teo ở những nơi này. Có những trường hợp do đau đớn không chịu vận động đã dẫn đến loét do tỳ đè lâu ngày, thậm chí nhiễm khuẩn hô hấp, tắc mạch chi, giảm phản xạ đại tiểu tiện… đây là biểu hiện hay gặp ở người già. Vì vậy sau mổ, phải bó bột, người bệnh phải tự giác, kiên trì, chịu đau, phục hồi cử động khớp, duy trì sức cơ, tỷ lệ liền xương sẽ tăng nhờ vận động.
Theo bác sỹ Thái Thị Xuân đến với Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An, người bệnh sẽ được phục hồi theo 2 giai đoạn:
1. Phục hồi chức năng giai đoạn bất động: Là giai đoạn bó nẹp, bó bột, giai đoạn hậu phẫu sau phẫu thuật kết xương.
Mục đích: Tránh biến chứng (loét, viêm phổi…); giảm đau, chống phù nề; tránh teo cơ, cứng khớp do bất động; duy trì vận động phần thân thể không bị bất động.
Phương pháp: Tránh biến chứng bằng thay đổi tư thế, chăm sóc điểm tỳ. Dùng nhiệt: Tác dụng của dùng nhiệt là giảm đau, đỡ khó chịu, có lợi ích khi tập cử động chủ động. Dùng túi chườm nước nóng, chiếu đèn hồng ngoại. Biện pháp xoa nắn: xoa nắn thường xuyên ổ gãy xương liền khớp. Chỉ xoa nắn nhẹ nhàng bằng tay mà không được dùng các loại dầu cao, cồn, thuốc xoa bóp nào để xoa vào các khớp, vì như vậy rất có thể làm cho xơ cứng khớp, vôi hóa cạnh khớp. Đồng thời kết hợp tập duy trì sức cơ như tập co cơ đẳng trường hay co cơ tĩnh (độ dài bó cơ không thay đổi, khớp không cử động). Khi khớp cử động còn đau nhiều thì tập căng cơ, khi khớp đỡ đau thì tập co cơ. Hoặc tập vận động chủ động: đối với các cơ, khớp không bị bất động.
2. Phục hồi chức năng giai đoạn sau bất động.
Mục đích: Giảm đau, giảm sưng nề; gia tăng tuần hoàn, phá tan kết dính; gia tăng tầm vận động khớp; gia tăng sức mạnh các cơ; phục hồi chức năng tối đa, nhanh chóng đưa bệnh nhân trở lại cuộc sống.Phương pháp: Giảm sưng, giảm đau bằng các phương pháp vật lý trị liệu: nhiệt nóng, điện di, xoa bóp. kết hợp điện xung, châm cứu, chiếu đèn hồng ngoại, bó Paraffin, điện từ trường, siêu âm điều trị, điện phân, bó thuốc, điện xung...
Vận động khớp: Khớp bất động lâu sẽ bị cứng do cơ co ngắn lại, bao khớp bị co rúm, bao hoạt dịch tăng sản mỡ, sụn bị mỏng. Do vậy, cử động khớp là cách tốt nhất để bơm cho dịch khớp ra vào, khớp được nuôi dưỡng và trở nên mềm mại. Khi xương đã liền vững chắc có thể dùng các phương pháp kéo ép khớp để phá cứng khớp.
Tập đi: Dùng nạng gỗ tập đi khi xương chưa liền. Giai đoạn tiếp theo, dùng gậy chống lúc xương đã gần liền vững. Thời kỳ xương liền vững tỳ không đau ở ổ gãy xương thì bỏ gậy và tập đi như bình thường.
Tập mạnh cơ: Các bài tập tăng cường sức cơ như tập co duỗi, tập vận động thụ động, chủ động, tập leo cầu thang, tập quỳ, tập đứng lên ngồi xuống...
Tập sinh hoạt thông thường: Cần tập làm động tác trong sinh hoạt bằng lên xuống cầu thang, bậc thềm nhà, tập ngồi xổm đứng lên. Đối với tổn thương xương tay thì tập nắm, mở bàn tay (dùng hòn đá hình quả trứng để nắm), tập cầm bút, đũa, tránh không để tay bị cong, khoèo.
Hội đồng khoa học kỹ thuật - Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An, với tinh thần: “Tất cả vì sự hài lòng của người bệnh”; Là “Nơi người bệnh gửi gắm niềm tin”; Xây dựng mô hình: “Bệnh viện - Khách sạn” Xanh - Sạch - Đẹp đầu tiên tại Nghệ An.
Địa chỉ: Số 220, đường Bình Minh, Thị xã Cửa Lò, Nghệ An
ĐT liên hệ: ĐT Phòng khám: 02383.949.709 - ĐT trực 24/24: 02383.952.020 - ĐT nóng: 0966.251.414 - ĐT hotline: 0912.002.210 - ĐT Giám đốc: 0912.487.568.