(Baonghean) - Đó là những thông tin được Bác sỹ Thái Thị Xuân - Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An, đồng Trưởng ban Tổ chức Hội nghị chống đau “Mùa thu duyên hải” đưa ra trong cuộc PV mới đây với Báo Nghệ An.
P.V:Xin bác sỹ cho biết mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức Hội nghị chống đau “Mùa thu duyên hải" với nội dung khoa học “Đơn vị chống đau - Mô hình lâm sàng linh hoạt cho y học đau”?
Bác sỹ Thái Thị Xuân:Được sự nhất trí của Liên hiệp Các Hội Y học Hà Nội cùng sự đồng thuận của 12 bệnh viện tỉnh, ngành trong cả nước như. Sở Y tế tỉnh Nghệ An, Hội Chống đau Hà Nội và Bệnh viện PHCN tỉnh Nghệ An phối hợp cùng tổ chức Hội nghị chống đau “Mùa thu duyên hải” với nội dung khoa học “Đơn vị chống đau - Mô hình lâm sàng linh hoạt cho y học đau” vào 2 ngày 25 - 26/11/2017 tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Nghệ An - Địa chỉ: 220 đường Bình Minh, thị xã Cửa Lò, Nghệ An.
Đây là một sự kiện khoa học lớn toàn quốc, có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống khoa học của các chuyên gia nghiên cứu đau Việt Nam. Hơn 500 đại biểu gồm các chủ tịch, phó chủ tịch các hội chuyên ngành (Hội chống đau; cơ - xương - khớp; ung bướu; gây mê hồi sức; phục hồi chức năng; đột quỵ) liên quan trực tiếp đến công tác chống đau, là các chuyên gia (GS.PGS.TS) đang hoạt động trong lĩnh vực đào tạo và thực hành lâm sàng chống đau; chánh, phó sở y tế các tỉnh; đại diện ban giám đốc 12 bệnh viện đã có và sẽ triển khai đơn vị chống đau; nhân viên các đơn vị chống đau đang hoạt động tại các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh sẽ về dự.
P.V:Là một trong những bệnh viện đầu tiên trong tỉnh, trong khu vực Bắc Trung bộ thành lập đơn vị chống đau, đó có phải là lý do để Bệnh viện được chọn là địa điểm chính để tổ chức hội nghị lần này?
Bác sỹ Thái Thị Xuân:Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An thời gian qua đã nỗ lực không ngừng, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục hồi chức năng thành công cho nhiều ca bệnh phức tạp, đem lại niềm vui và niềm tin cho người bệnh. Bệnh viện đã tăng cường áp dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc phối hợp với các phương pháp điều trị khác nhằm nâng cao hiệu quả điều trị, đảm bảo quyền lợi được khám, điều trị phục hồi chức năng của nhân dân. Bệnh viện đã chủ động mời các chuyên gia giỏi đầu ngành về trực tiếp đào tạo, thăm khám, chuyển giao kỹ thuật cho y, bác sỹ từ đó chất lượng chuyên môn của y, bác sỹ đã được nâng lên rõ rệt.
Để đáp ứng nhu cầu người bệnh, nhất là giảm bớt những cơn đau đớn của người bệnh trong quá trình điều trị, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh và giảm gánh nặng cho toàn xã hội, tháng 4/2017, Bệnh viện đã thành lập Trung tâm Phục hồi chức năng đột quỵ và Đơn vị chống đau. Từ những nỗ lực đó, Bệnh viện đã chữa trị thành công nhiều ca bệnh phức tạp về phục hồi chức năng, quan trọng là người bệnh trong tỉnh có thêm một cơ sở điều trị uy tín mà không phải ra Hà Nội điều trị.
Có thể khẳng định rằng, đơn vị chống đau của Bệnh viện Phục hồi chức năng với sự giúp đỡ của GS Nguyễn Văn Chương - Nguyên trưởng bộ môn Thần Kinh, Bệnh viện 103, Chủ tịch Hội chống đau Hà Nội - là đơn vị chống đau đầu tiên của khu vực Bắc Trung bộ, niềm tự hào không chỉ của riêng Bệnh viện mà còn là của tỉnh Nghệ An. Điều quan trọng là tuy không phải là Bệnh viện đầu tiên trong cả nước thành lập đơn vị chống đau nhưng sau khi đi vào hoạt động Đơn vị chống đau của Bệnh viện đã tạo hiệu ứng rất tốt. Điều này được chứng minh qua hiệu quả điều trị, qua sức lan tỏa... đến các cơ sở y tế trong và ngoài tỉnh. Và việc Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An được chọn là địa điểm tổ chức hội nghị lần này đã chứng minh điều đó.
P.V: Vậy bác sỹ có thể nói rõ hơn từ khi thành lập đơn vị chống đau, hiệu quả điều trị như thế nào, thưa bác sỹ?
Bác sỹ Thái Thị Xuân:Có thể nói rằng Đơn vị chống đau là tâm huyết của toàn thể Bệnh viện, là trăn trở của lãnh đạo Bệnh viện, của đội ngũ y, bác sỹ và đặc biệt có sự hỗ trợ quan trọng của GS Nguyễn Văn Chương - Nguyên Trưởng bộ môn Thần Kinh, Bệnh viện 103, Chủ tịch Hội chống đau Hà Nội. Bệnh viện đã tạo mọi điều kiện từ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đến nguồn nhân lực... để đáp ứng yêu cầu của Đơn vị chống đau.
Sau 6 tháng hoạt động, Đơn vị chống đau của Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An đã tiếp nhận khám cho 758 lượt bệnh nhân. Trong đó có 667 lượt bệnh nhân được can thiệp điều trị đau. Nhiều kỹ thuật cao được GS Nguyễn Văn Chương đào tạo, trực tiếp thực hiện và chuyển giao như tiêm ngoài màng cứng đốt sống cổ; tiêm ngoài màng cứng cột sống thắt lưng; tiêm phóng bế các dây thần kinh, dây chằng và cột sống.
Ngoài ra, giáo sư còn trực tiếp hướng dẫn cho các kỹ thuật viên của bệnh viện điều trị các bệnh thần kinh khác như: đột quỵ não, chấn thương sọ não, Parkinson và sa sút trí tuệ. Nhờ vậy mà người bệnh trong tỉnh đã tin tưởng và đến với Bệnh viện, không phải lặn lội đi xa.
P.V:Được biết, bên cạnh là diễn đàn để các đơn vị trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong chống đau, dịp này, hội nghị cũng sẽ thành lập CLB các đơn vị chống đau phải vậy không thưa bác sỹ?
Bác sỹ Thái Thị Xuân:Đúng như vậy, hội nghị là diễn đàn để các đơn vị chống đau trong và ngoài tỉnh báo cáo kinh nghiệm hoạt động và các thành tích đã đạt được ban đầu. Đồng thời lắng nghe các ý kiến tâm huyết bổ sung quan trọng để xác định cơ cấu nhân sự, trang bị, thuốc men và chức năng nhiệm vụ của đơn vị chống đau. Đặc biệt dịp này, CLB các đơn vị chống đau cũng sẽ được thành lập và vạch ra chiến lược hoạt động cụ thể đều đặn hàng năm cho hoạt động chống đau trong thực hành. Một phần rất quan trọng của hội nghị là các nhà quản lý và các chuyên gia sẽ bàn về kế hoạch tiếp cận từng bước đào tạo; huấn luyện kỹ năng chống đau và các nội dung về y học đau cho đội ngũ chuyên môn.
Có thể nói rằng, Hội nghị khoa học “Mùa thu duyên hải” là nơi hội tụ các nhà quản lý cấp tiến có vai trò làm chính sách, trực tiếp chỉ đạo việc đào tạo, huấn luyện, là diễn đàn của các chuyên gia, của các nhà khoa học trực tiếp triển khai hoạt động đào tạo, huấn luyện chống đau trong thực hành lâm sàng. Một sự kết nối trực tiếp vĩ mô và vi mô hoàn hảo sẽ mang đến những ý tưởng mới mẻ và hứa hẹn tương lai thành công cho công việc chống đau.
P.V:Xin cảm ơn bác sỹ về cuộc trao đổi này!
Thanh Thủy
(Thực hiện)