(Baonghean) - Năm 2017 là năm đầu tiên Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Bệnh viện đã có rất nhiều cách làm hiệu quả. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với bác sỹ Thái Thị Xuân - Giám đốc Bệnh viện xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Xin bác sỹ cho biết những kết quả nổi bật của Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An trong năm 2017?

1513942129112.jpgBan Tuyên giáo Thị ủy Cửa Lò trao phần thưởng cho các đảng viên xuất sắc tiêu biểu năm 2017. Ảnh: Thanh Thủy

Bác sỹ Thái Thị Xuân:Năm 2017 là một năm đặc biệt, có nhiều khó khăn, thách thức và cả những cơ hội thuận lợi trong công tác phát triển Bệnh viện. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, ngay từ đầu năm, Bệnh viện đã xây dựng và thực hiện kế hoạch về phát triển trong năm 2017 và những năm tiếp theo.

Với mục đích nâng cao chất lượng cả về chuyên môn, thái độ phục vụ của nhân viên y tế cũng như xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, để từng bước nâng cao thương hiệu bệnh viện. Cụ thể: Mời các chuyên gia đào tạo và cấp giấy chứng nhận về quản lý chất lượng bệnh viện; triển khai xây dựng phương án "tự chủ" về chi thường xuyên, được UBND tỉnh phê duyệt (là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên được phê duyệt "tự chủ" trong số 8 bệnh viện "tự chủ" của tỉnh) theo Quyết định số 1791/QĐ-UBND ngày 5/5/2017 của UBND tỉnh, giai đoạn 2017 - 2019, từ đó bệnh viện đã kiện toàn tổ chức bộ máy và công tác cán bộ.

Ngày 23/5/2017 đã thành lập mới 4 khoa lâm sàng gồm Nội tổng hợp, Y học cổ truyền, Hoạt động trị liệu, Kiểm soát nhiễm khuẩn và 3 phòng chức năng: Hành chính - quản trị, Quản lý chất lượng đào tạo và chỉ đạo tuyến; Vật tư - Trang thiết bị và CNTT để đáp ứng nhu cầu phục vụ người bệnh. Hợp tác với các giáo sư đầu ngành về chuyên ngành phục hồi chức năng, chuyên ngành nội thần kinh, các bác sỹ chuyên ngành hồi sức cấp cứu, y học cổ truyền... để khám chữa bệnh, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật nâng cao kỹ năng cho nghiệp vụ y tế; Hợp tác với Trường Đại học Y Hải Phòng đào tạo tại chỗ chuyên khoa định hướng phục hồi chức năng cho 42 bác sỹ của bệnh viện. 

Đặc biệt, năm 2017, Bệnh viện đã được cấp mã đào tạo theo Quyết định số 78/QĐ - K2ĐT ngày 10/7/2017 của Cục KHCN và ĐT - Bộ Y tế. Bệnh viện đã đào tạo và cấp chứng chỉ về vật lý trị liệu - phục hồi chức năng cho 61 học viên trong bệnh viện và cho các cơ sở y tế trong tỉnh. 

Giáo sư đầu ngành khám, điều trị cho bệnh nhân tai biến mạch máu não đang điều trị tại Bệnh viện. Ảnh: Lâm Tùng

Đến ngày 15/12/2017 đã khám và tiếp nhận điều trị nội trú cho 6.646 lượt người bệnh. Từng bước cải thiện, nâng cao đời sống CBVC lao động, thu nhập tăng thêm bình quân khoảng 2 triệu đồng/người/tháng (đạt hơn mục tiêu Đại hội Chi bộ lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020). Công tác nghiên cứu khoa học cũng được Bệnh viện chú trọng, trong năm đã có 8 đề tài, nghiệm thu có 4 loại tốt và 4 loại khá, làm tốt công tác chỉ đạo tuyến cho 10 huyện, thị với 64 xã trong tỉnh. Năm 2017, Bệnh viện đã được Sở Y tế Nghệ An xếp loại xuất sắc và đề nghị UBND tỉnh tặng Bằng khen. Chi bộ được đề nghị xếp loại trong sạch, vững mạnh; Công đoàn và Đoàn thanh niên bệnh viện được đề nghị xếp loại xuất sắc. Công đoàn được đề nghị tặng Bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh.

Phóng viên: Bên cạnh hoàn thành tốt nhiệm vụ chính là khám, điều trị, phục hồi chức năng cho bệnh nhân, năm 2017 cũng là năm mà Bệnh viện đã khẳng định được “thương hiệu” của mình qua rất nhiều các hoạt động chuyên môn khác?

Bác sỹ Thái Thị Xuân:Quả đúng như vậy. Năm 2017 bệnh viện được Bộ Y tế giao là đầu mối để lập kế hoạch, triển khai hoạt động chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng năm 2017 (Nghệ An là 1 trong 14 tỉnh trong cả nước) và được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt dự án "Chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin" giai đoạn 2018 - 2021 (Nghệ An là 1 trong 10 tỉnh trong cả nước), Bệnh viện được giao phối hợp tham gia; đã phối hợp với Cục Quản lý khám chữa bệnh tập huấn phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật (25 - 27/10/2017) cho 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Đặc biệt, một sự kiện lần đầu tiên được tổ chức trong toàn quốc đã diễn ra tại Nghệ An mà Bệnh viện Phục hồi chức năng là đơn vị đồng tổ chức rất thành công đó là “Hội nghị Khoa học toàn quốc các đơn vị chống đau lần thứ nhất” (ngày 25-26/11/2017). Đây là một sự kiện khoa học lớn, có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống khoa học của các chuyên gia nghiên cứu đau Việt Nam. Hội nghị là diễn đàn để các đơn vị chống đau trong và ngoài tỉnh báo cáo kinh nghiệm hoạt động và các thành tích đã đạt được ban đầu. Đồng thời lắng nghe các ý kiến tâm huyết bổ sung quan trọng để xác định cơ cấu nhân sự, trang bị, thuốc men và chức năng nhiệm vụ của đơn vị chống đau.

Dịp này, CLB các đơn vị chống đau đã được thành lập và vạch ra chiến lược hoạt động cụ thể đều đặn hàng năm cho hoạt động chống đau trong thực hành. Một phần rất quan trọng của hội nghị là các nhà quản lý và các chuyên gia sẽ bàn về kế hoạch tiếp cận để từng bước đào tạo, huấn luyện kỹ năng chống đau và các nội dung về y học đau cho đội ngũ chuyên môn.

Ra mắt CLB các đơn vị chống đau tại Hội thảo các đơn vị chống đau toàn quốc. Ảnh: Lâm Tùng

Phóng viên:Năm 2018 cũng là năm sẽ đặt ra cho Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An rất nhiều thách thức. Vậy Bệnh viện sẽ tập trung vào những giải pháp nào để thực hiện tốt nhiệm vụ, thưa bác sỹ?

Bác sỹ Thái Thị Xuân: Năm 2018, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Bệnh viện tập trung vào những giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường mối đoàn kết thống nhất toàn diện trong bệnh viện, từ cấp uỷ, lãnh đạo, cán bộ chủ chốt đến toàn thể CBVCLĐ.

Thứ hai, nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, công nhân viên bệnh viện bằng nhiều hình thức: cử đi đào tạo chuyên sâu về các lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý, chính trị, ngoại ngữ, công nghệ thông tin... Đào tạo tại chỗ, đào tạo liên tục, ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Đặc biệt chú trọng đào tạo chuyên ngành phục hồi chức năng toàn diện cho đội ngũ nhân viên y tế. Phối hợp tốt các tổ chức đoàn thể trong đơn vị.

Thứ ba, nâng cấp cơ sở vật chất vật tư trang thiết bị hiện đại và đồng bộ.

Thứ tư, tuyên truyền sâu rộng cho mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ, vai trò vị trí của bệnh viện.

Thứ năm, sàng lọc người bệnh để đưa vào điều trị nội trú đúng đối tượng, đồng thời hướng dẫn người dân tự tập luyện tại cộng đồng để phòng ngừa và hạn chế khuyết tật, tái phát bệnh.

Thứ sáu, tăng cường công tác chỉ đạo tuyến dưới về phục hồi chức năng, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng và phục hồi chức năng cho nạn nhân nhiễm chất độc dioxin.

Thứ bảy, phát huy tối đa nội lực và tranh thủ sự hỗ trợ giúp đỡ của các cấp các ngành và các tổ chức liên quan để giữ vững và phát huy “thương hiệu” bệnh viện xanh - sạch - đẹp, xứng đáng là mô hình khách sạn - bệnh viện đầu tiên trong tỉnh.

Phóng viên:Cảm ơn bác sỹ về cuộc trao đổi này!

Thanh Thủy

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN