(Baonghean.vn) - Thật nức lòng khi tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ khóa mới, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định sẽ xây dựng một Chính phủ hành động; một Chính phủ phục vụ dân. Không như những “lời có cánh” khác, phát biểu của Thủ tướng gieo vào lòng người nghe sự phấn khởi và cả sự tin tưởng.
Tin là người đứng đầu Chính phủ sẽ làm đúng như đã nói. Vì lẽ, ngay khi mới lên nhậm chức ở khóa trước, việc đầu tiên là Thủ tướng quyết định đóng cửa rừng, không cho phép chuyển đổi rừng nghèo sang làm rừng kinh tế. Bởi trong bao nhiêu năm qua, máu rừng đã chảy cạn kiệt vì chủ trương đó bị không ít người trong bộ máy cấu kết với doanh nghiệp hầu lợi dụng, biến tướng thành một kiểu phá rừng công khai, thu lợi không biết bao nhiêu mà kể.
Đó chính là một biểu hiện rất rõ nét của cái gọi là lợi ích nhóm. Việc đó, không phải không ai biết mà rất nhiều người biết, nhiều người xót xa cho tài nguyên quý giá của đất nước bị rơi vào túi của không ít vị quan tham. Biết mà không làm gì được vì việc đó là “đúng quy trình” và vì lợi ích nhóm đã ôm chặt nhau, không dễ gì gỡ ra được. Thế nên, việc Thủ tướng chấm dứt chủ trương chuyển đổi rừng nghèo vừa bảo vệ được tài nguyên đất nước, vừa giáng một đòn nặng nề vào các nhóm lợi ích. Và cũng cho thấy tầm nhìn, quyết tâm mới của người đứng đầu Chính phủ.
Như thế, việc Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ phải toàn tâm, toàn ý vào công việc, giảm tối đa việc “đánh bóng cá nhân”, “thi tuyển tìm người tài chứ không phải tìm người nhà”, chung tay xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ nhân dân, hướng về nhân dân... hoàn toàn không mới, bởi trước đó cũng có không ít những phát biểu tương tự, nhưng không gây được sự chú ý cũng như lòng tin của người dân vì thấy nói chỉ để mà… nói. Nói xong rồi mà không thấy hành động. Thậm chí hành động còn đi ngược lời nói. Còn nay, cũng những phát biểu tương tự, nhưng người nghe lại thấy rất tin tưởng và rất kỳ vọng vào Chính phủ mới và người đứng đầu bởi họ đã được chứng kiến những hành động quyết liệt, được người dân ủng hộ trong việc chỉ đạo xử lý những vụ việc nổi cộm, gây bức xúc kéo dài đã thể hiện trước đó.
Hẳn mọi người còn nhớ, trước đây, ở thời phong kiến, người nắm giữ trọng trách trong bộ máy cai trị được gọi là “quan”. Và thời đó phổ biến quan niệm quan lại là “phụ mẫu chi dân”. Có nghĩa quan lại như là cha mẹ dân. Bỏ qua cái gọi là tàn dư, là tư tưởng phong kiến, thì phải nói quan điểm đó có những mặt rất tích cực. Quan lại là cha mẹ thì đương nhiên dân là như con cái của quan.
Mà đã là cha mẹ thì phải toàn tâm, toàn ý lo cho con, hy sinh vì con và nhất là không bao giờ hành hạ, sách nhiễu, gây khó con để trục lợi cho mình. Và cha mẹ cũng phải sống, làm việc nghiêm túc, giữ đúng phẩm hạnh “cần kiệm, liêm chính” làm gương cho con cái. Bởi thượng bất chính hạ tắc loạn. Thế nên, khi người đứng đầu Chính phủ mới yêu cầu xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ nhân dân, hướng về nhân dân và từng thành viên Chính phủ phải đi đầu trong công tác tiết kiệm, chống lãng phí. Các bộ, ngành, đơn vị sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách, tài sản, nhất là xe công, trụ sở, hội họp, đi công tác. Thủ tướng làm gương, không mua xe mới, thấy thấp thoáng bóng dáng của cái câu xưa cũ: phụ mẫu chi dân.
Bụt Sơn