(Baonghean) - Em trai tôi về nghỉ hè sau khi học xong năm thứ hai đại học cũng là lúc tôi bắt đầu để ý thấy ở nó nhiều sự thay đổi: Những bữa cơm nhà bớt đi, những cuộc đi chơi, ăn uống với bạn bè thường xuyên hơn.
Một lần nó về trễ tôi ngửi thấy mùi rượu bia và thuốc lá váng vất khi nó bước qua.
Có lẽ đã quá lâu tôi không để ý đến việc nó không còn là thằng nhóc lẵng nhẵng bám theo tôi như thời nhỏ nữa. Tiếng mẹ ho húng hắng trong phòng khiến cả hai anh em giật mình. Nó nheo mắt nói khẽ, mặt hơi đỏ lên căng thẳng: “Anh đừng nói gì với bố mẹ đấy”. Khoảnh khắc ấy, tôi thấy như trở về thời còn bé. Bất kể tôi làm gì, chơi gì, thằng bé đều bám theo và kỳ kèo nài nỉ tôi cho nó tham gia cùng. Dù chẳng bao giờ được là trung tâm của cuộc chơi, nhưng chỉ cần thế thôi cũng đủ làm nó sướng ngất ngây. Bao giờ tôi cũng ra điều kiện với nó: “Không được mách bố mẹ”.
Có lần, hai anh em đang đi từ trường về nhà thì thằng nhóc lớp bên cùng một đám bạn nhảy ra chặn đường. Tôi hơi chột dạ vì hôm đó đá bóng, tôi lỡ cùi tay vào mặt thằng kia hơi mạnh. Thằng bị tôi cùi tay chẳng nói chẳng rằng hằm hằm tiến đến, đấm cho tôi một cú ngay giữa bụng đau điếng. Em trai tôi mặt xanh như đít nhái, co cẳng bỏ chạy. Tôi ôm bụng, vừa đau vừa tức thằng em nhát gan, vừa sợ không biết sẽ bầm tím đến đâu dưới trận “đòn thù” này… Thằng kia túm lấy cổ áo tôi, hăm doạ một thôi một hồi rồi định đấm thêm cú nữa. Đúng lúc ấy, đứa em trai “chết nhát” của tôi hớt hải chạy đến, theo sau là mẹ tôi vừa chạy, vừa hô hoán “Đứa nào đánh thằng Nguyên đấy?”. Bọn kia thấy vậy hoảng quá chạy biến.
Mẹ vừa phủi quần áo cho tôi, vừa sờ nắn khắp người như thể sợ tôi sứt mẻ mất miếng nào, cẳn rẳn mãi không thôi: “Suốt ngày đánh nhau, mày có thương mẹ không hả con, nó chưa đánh thì về nhà bố mày cũng đánh!”. Tôi trợn mắt nhìn thằng em trai, lầm bầm dọa nó: “Bao nhiêu lần rồi, đã bảo mày không được mách bố mẹ còn gì. Lần sau không cho mày chơi cùng nữa”. Có thế thôi mà nó khóc oà lên như thể nó mới là người bị đấm chứ không phải tôi. Đúng là cái thằng trẻ con…
Giờ thì cái thằng trẻ con ấy lại dặn tôi “Đừng mách bố mẹ”, còn chính tôi lại là người dõi theo nó và những trò vui bồng bột. Có khác chăng là ngày xưa nó nhìn tôi bằng sự thán phục, thèm thuồng còn tôi quan sát nó bằng sự lo lắng như mẹ từng lo cho tôi mỗi lần bầm tím trở về nhà. Với nó, những trò vui nhất thời đó chẳng phải là chuyện gì nghiêm trọng. Thậm chí nó nghĩ: việc của nó, nó tự lo được, chẳng để bố mẹ phải lo lắng nhiều, bởi nó đã lớn rồi. Ấy chính tôi cũng từng có những suy nghĩ như vậy. Lần đầu tiên tôi hút thuốc, lần đầu tiên tôi uống say, lần đầu tiên tôi đi phượt, lần đầu tiên tôi đi làm…tôi ung dung cho rằng tất cả những việc đó chỉ là việc của riêng tôi, chẳng cần ai giúp đỡ, chẳng khiến ai nhọc lòng. Nhưng hoá ra tôi nhầm!
Chỉ có trẻ con mới tự coi mình là trung tâm thế giới và hài lòng khi tự làm mọi thứ chẳng cần phiền đến ai - đấy là chúng nhầm tưởng như thế. Còn một người lớn thực thụ? Thay vì để cho người khác lo nghĩ, họ trở thành điểm tựa.
Hải Triều
TIN LIÊN QUAN |
---|