(Baonghean) - Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc ngừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS vào năm 2016 (EPS là chương trình được sử dụng cho lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc, giúp họ được hưởng các chế độ như những lao động khác của Hàn Quốc) của 44 huyện, thành, thị thuộc 10 tỉnh, thành phố. Trong đó, Nghệ An đứng đầu danh sách với 11 huyện, thành, thị bị ngừng tiếp nhận lao động.

images1649396_m_i_tr__ng_l_m_vi_c_t_i_nh_t_b_n_ng_nh_n_ng_nghi_p.jpgLao động Việt Nam làm việc ở Hàn Quốc. Ảnh: Internet

Đây là một tin rất buồn cho nhiều lao động của Việt Nam, nhất là lao động Nghệ An đang chờ cơ hội việc làm từ Hàn Quốc. Đây chính là hậu quả của việc nhiều người Việt Nam được tuyển chọn sang Hàn Quốc lao động theo chương trình EPS không trở về sau khi hết hạn hợp đồng mà ở lại cư trú bất hợp pháp. Những quận, huyện bị đưa vào danh sách ngừng tiếp nhận lao động là những nơi có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc ở mức cao.

Những người cư trú bất hợp pháp đó, sau khi bị chính quyền sở tại bắt và trục xuất về Việt Nam nói rằng họ làm điều đó là bởi nếu về Việt Nam thì sẽ không thể kiếm được công việc nào có thể đem lại thu nhập cao hơn công việc làm “chui” ở Hàn Quốc. Thậm chí, nhiều lao động khi chưa hết hợp đồng vẫn trốn ra ngoài lao động bất hợp pháp bởi mức lương được trả cao hơn công việc theo hợp đồng đã ký. Người này thậm chí còn “mách” cho người kia cách để có thể ở lại Hàn Quốc lao động “chui” trót lọt. Và chính kiểu suy nghĩ, hành xử đó đã làm hại những đồng bào của họ ở quê hương đang hy vọng vào một cơ hội việc làm để “đổi đời”. 

Điều đáng nói, những lao động “chui” đều coi đó là chuyện hết sức bình thường, không hề lấy làm xấu hổ, cảm giác mảy may hối hận hay cao hơn như là một “mối nhục quốc thể”. Không ít người chỉ nhìn được cái lợi của riêng mình, mặc nhiên coi điều đó là đúng hoặc cũng tặc lưỡi bỏ qua nếu cảm thấy nó sai, rồi tự an ủi rằng chắc chẳng ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới cả.

Đó dường như là lối suy nghĩ rất phổ biến của người Việt trong ứng xử với những vấn đề tương tự. Chúng ta sẵn sàng vi phạm luật pháp hay các quy định chung, thậm chí đồng lõa với các hành vi đó, ủng hộ nó nếu như nó có lợi cho mình, cho gia đình, bạn bè mình và nó không bị phát hiện. Cũng giống như khi chúng ta vẫn thường vượt đèn đỏ vì nghĩ nó không ảnh hưởng đến ai, nhưng rồi lại chê bai những người vượt đèn đỏ mà ta thấy. 

Hầu như chúng ta chỉ lên án những việc làm trái pháp luật và đạo lý khi nó nằm ngoài lợi ích của mình, hoặc cho rằng người khác không biết được mình cũng từng vi phạm. Đó thực chất là một kiểu suy nghĩ và hành xử theo thói đạo đức giả rất có hại cho xã hội, nhất là khi nó trở thành phổ biến thì khó bảo đảm rằng các lợi ích của cộng đồng không bị xâm hại.

Đáng buồn thay, nhiều người trong chúng ta vẫn cứ cho kiểu làm đó là “khôn ngoan”, là “được việc” mà không chịu ngăn mình hoặc ít ra là có một lời can ngăn với người thân của mình trước những hành xử đầy cá nhân như vậy. Nếu tiếp tục kiểu suy nghĩ, hành xử chỉ nhìn thấy cái lợi của mình mà không thèm đếm xỉa đến cái lợi của người khác, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà không thèm quan tâm đến những cái hại về sau thì chúng ta vẫn sẽ tiếp tục nhận được những quả “đắng” như việc Hàn Quốc ngừng tiếp nhận lao động vừa rồi mà thôi. 

Bảo Ngân

TIN LIÊN QUAN