(Baonghean) - Tết đến, Xuân về, mọi người hoàn tất những công việc cần thiết để tập trung vào ăn Tết, chơi Tết. Với người Thổ, thường thì công việc đồng áng đã gác lại vào sáng 25 tháng Chạp...
... Đến ngày 27 Tết, người Thổ mổ trâu (sau này có bò), gọi là “hóa kiếp” cho trâu. Ngày 29 Tết, người ta đi đón dâu (chưa cưới) về ăn Tết, còn đàn ông đi tảo mộ. Ngày 30 Tết, tất cả mọi nhà đều mổ lợn. Các bộ phận con lợn được pha ra, trong đó chú ý bộ lòng, làm sạch để luộc cúng tổ tiên. Đó cũng là ngày trồng cây nêu. Họ tìm chặt cây tre, cây mét cao, thẳng nhất, chặt đem về trồng nơi chái nhà, chỗ đặt cối giã gạo. Cây nêu phải cao ngang nóc nhà, có khi còn cao vượt lên trên mái nhà. Họ treo trầu cau, đồng tiền đồng, tiền kẽm, thỏi vàng (giả)... trên cây nêu. Xung quanh nhà, nơi chuồng lợn, chuồng gà, chuồng trâu,... người ta cắm các cây lau cù (lau đã ra hoa trắng). Khoảng 4 giờ chiều thì mọi nhà bày mâm cúng, mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Giao thừa, chủ nhà bày một mâm cúng gia tiên bằng rượu, trầu cau, bánh rán hoặc bánh trôi. Thanh niên, trẻ nhỏ ra suối “tắm nước tiên”. Người Thổ quan niệm lúc giao thừa là lúc nước trong lành nhất, các nàng tiên ở trên trời cũng xuống tắm. Vì vậy, ra tắm lúc này sẽ gặp “may mắn, khỏe mạnh” suốt cả năm!
Sáng mồng 1 Tết, mọi nhà đoàn tụ, thờ cúng ông bà cha mẹ và các vị thần khác. Đó là các vị Thổ thần, Long mạch, Quản Xuân (riêng đối với họ Đinh). Lễ cúng được tiến hành tại đền. Cúng xong, ăn uống tại chỗ. Những người già, có uy tín trong làng thì đi thăm hỏi, chúc Tết từng nhà trong làng. Sau đó mọi người mới đi chúc Tết lẫn nhau. Đến nhà nào cũng được mời ăn uống vui vẻ. Buổi trưa, người ta lại sửa soạn cúng tổ tiên. Lễ cúng này đặc biệt là có mâm của con cháu trong làng bưng đến (nếu chủ nhà là người cao tuổi, được xem là “thủ chỉ”). Buổi chiều, tổ chức cúng Thành hoàng làng, thần Cao Sơn Cao Các tại nhà trưởng họ (không làm đền thờ riêng). Đây thực chất là lễ cúng “họ”, mỗi năm, 3 nhà làm mâm lễ 1 lần. Cúng xong, tổ chức ăn uống chung. Tối mồng 1 Tết nhà nào có người già thì tổ chức lễ mừng thọ, gọi là “Vái xết”, tức là “Làm vía Tết”, thực chất là làm lễ yến lão cho ông bà cha mẹ. Cúng xong, con cháu lấy chạc vái (sợi gai) buộc vào tay (buộc vía) cho người được mừng thọ; ngược lại, người được mừng thọ cũng “chúc sức khỏe” cho con cháu bằng cách dùng sợi gai “buộc vía” vào tay con cháu.
Mồng 2 Tết, nhà nào có dâu (chưa cưới) về ăn Tết, thì sửa soạn lễ vật cho con trai tiễn cô dâu về lại nhà. Lễ vật ấy dùng để cúng ông bà, tổ tiên đằng ngoại. Các trò chơi dân gian được tổ chức: kéo co, khua luống, đánh cồng chiêng, đi chơi xuân.
Ngày mồng 3 Tết, người Thổ làm lễ “cúng đưa”, tức là “đưa ông bà, tổ tiên trở về trời. Sáng mồng 4 Tết, tổ chức Lễ tơm tru (cúng trâu). Đây là lễ “cảm ơn trâu” đã giúp người cày bừa một năm qua, và sẽ cày bừa trong năm tới. Mâm lễ gồm có con gà luộc, các món thịt, bánh trái, và không thể thiếu cá. Lời cúng thể hiện tình cảm của người với trâu: “Tru ếnh tru oáng/ Cả năm trâu khó nhọc, vất vả/ Năm mới cầu mong cho trâu mạnh khỏe/ Cùng với chủ cày bừa/ Làm ra cơm nếp tháng 5, cơm tẻ tháng 10/ Cho lúa đầy nhà/ Gà vịt đầy chuồng/ Mong vị Thổ thần phù hộ cho trâu/ Ăn cỏ ngoài rừng không bị hổ báo làm hại…”.
Ngày mồng 5 Tết, là ngày phường săn lấy làm “ngày may mắn”, tổ chức Lễ xang lái (quăng lưới săn thú, săn thật hoặc săn tượng trưng) đầu năm. Hôm đó mà “săn” được thú to thì cả năm coi như “Án thực moong nại, cái moong cả” (săn được nhiều thú vật to lớn).
Ngày mồng 6 Tết, là ngày tiếp tục vui chơi. Người nào chưa đi chúc Tết anh em, họ hàng, bà con xa gần thì đi thăm hỏi.
Ngày mồng 7 Tết là ngày khai hạ. Ngày này là ngày “pổ nêu” (hạ nêu). Người ta hạ cây nêu xuống, các thứ treo trên cây nêu rơi rụng xuống, mọi người tranh nhau nhặt, xem đó là “lộc” năm mới. Ai nhặt được nhiều thì năm tới sẽ gặp nhiều may mắn! Các nhà làm lễ cúng khai hạ: cúng thổ công, long mạch, Thành hoàng làng, Quản Xuân (đối với người họ Đinh), cúng lễ đón ông Táo trở về. Bảy ngày Tết cổ truyền của người Thổ kết thúc.
Tết của đồng bào Thổ nay đã có nhiều thay đổi, nhưng những gì tốt đẹp nhất, văn hóa, nhân văn nhất, đậm màu sắc dân tộc nhất thì vẫn còn mãi với thời gian.
Vi Miên - Xuân Uy