(Baonghean.vn)-Dân ca xứ Nghệ thể hiện được một số đặc điểm rất quan trọng của tính cách người Nghệ, cũng như góp phần giáo dục nhân cách, hình thành nhân cách, cá tính của con người... Tiến sỹ Lê Thanh Nga - Giảng viên Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Vinh, trả lời PV Báo Nghệ An nhân dịp Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.
Một đặc điểm rất quan trọng của văn học dân gian nói chung và dân ca nói riêng đó là văn học dân gian là loại hình văn học mà nó đi vào đời sống bằng hình thức diễn xướng khác với văn học viết. Chính hình thức diễn xướng đó đã tạo ra sân chơi rất bổ ích và điều quan trọng là bằng hình thức diễn xướng trực tiếp đó gồm cả người biểu diễn và cả người thưởng thức đều được tiếp xúc trực tiếp với nhau, trong một không gian, cho nên nó rất dễ đi vào tình cảm tâm hồn con người và cũng như nó dễ tạo sự lây lan cảm xúc. Chính vì điều đó sẽ dẫn tới chi phối trực tiếp nhân cách cũng như tình cảm, tư tưởng của con người.
Tôi thấy dân ca xứ Nghệ thể hiện được một số đặc điểm rất quan trọng của tính cách người Nghệ, cũng như góp phần giáo dục nhân cách, hình thành nhân cách, cá tính của con người. Hầu hết tất cả các chủ đề, những đề tài của dân ca xứ Nghệ đều phản ánh đời sống lao động của người Nghệ, ví dụ như hát ví phường vải, phường nón, hò kéo gỗ… xét về trong lời ca, nhịp điệu, yếu tố âm nhạc chúng ta cũng thấy điều này thể hiện rất rõ.
Ở trong âm nhạc, tôi rất thích ví, giặm xứ Nghệ đặc biệt là những câu hát giặm thì chúng ta thấy sự thể hiện tính cách người Nghệ là khã rõ. Ở đây bằng những đoạn, những khúc dồn dập và ở những quãng 4 nó thể hiện được tính chất cương quyết. Các nhà nghiên cứu hay nói là cương quyết, bộc trực đến bạo liệt của người xứ Nghệ. Hoặc trong ca từ chúng ta cũng thấy được các ca từ đó rất quyết liệt và thẳng thắn, rất gần gũi, thể hiện tính cách sinh động của người Nghệ. Ở dân ca các vùng miền khác thì có ít lặp lại, như ở trong dân ca ví giặm ví dụ như câu “Cha tôi mới hỏi mần răng rứa con ơi, mẹ tôi cũng hỏi chơ mần răng rứa con ơi” thực ra đó không phải là tình cảm nhất thời của người diễn xướng nữa mà ở đó nó thể hiện cốt cách của người Nghệ bao giờ cũng muốn nhấn đi, nhấn lại ở những điểm theo mình là quan trọng, đó là điểm sáng và điều đó nó đã thể hiện cá tính của người Nghệ.
Ở trong ca từ, tôi thấy chưa có thể loại dân ca của vùng miền nào có ca từ mà có những câu rất độc đáo như ở ví giặm xứ Nghệ. Ví dụ như câu “Trăm năm đá nát vàng phai, đốt chùa không tội bằng sai lời nguyền”, như vậy điều đó có nghĩa là chữ tín đối với người Nghệ hết sức quan trọng...
Nói chung nếu chúng ta để ý nghe thì có rất nhiều điều có thể nói về dân ca ví, giặm xứ Nghệ - nơi thể hiện tâm hồn, cốt cách con người xứ Nghệ.
Video clip tiến sỹ Lê Thanh Nga trả lời PV Báo Nghệ An:
Đức Dũng- Đức Anh(ghi)