(Baonghean) - Tôi đã xúc động nghẹn ngào khi ngồi trong không gian khán phòng ấy. Phía dưới rực rỡ đèn hoa sân khấu, khuất sau tiếng nhạc, là những nụ cười lẫn giọt nước mắt của ngày hạnh ngộ. Họ - những nhạc sỹ, nghệ sỹ, những nghệ nhân dân gian đủ mọi lứa tuổi, tề tựu về đây từ khắp mọi miền đất nước. Họ có thể biết và không biết về nhau, nhưng điều ấy có hề gì, khi tình yêu chung thiêng liêng mang tên ví, giặm đã níu gần tất thảy…
Người đàn ông có vẻ ngoài lãng tử, với mái tóc thưa màu muối tiêu và búi tó hờ hững và dáng người gầy gò, đến từ rất sớm và ngồi đăm chiêu một mình trên dãy ghế mênh mông. “Tui đến hơi sớm, vì sốt ruột quá, đọc đi đọc lại giấy mời 9h mà vẫn cứ đến sớm hẳn 1 tiếng đồng hồ!”- nghệ nhân dân gian Nguyễn Cảnh Bình (phường Nghi Hải, Thị xã Cửa Lò) mở đầu câu chuyện. Nghệ nhân Nguyễn Cảnh Bình được UBND tỉnh mời tham dự lễ gặp mặt, tôn vinh nghệ nhân và những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn, phát huy xây dựng hồ sơ Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Nghệ nhân Nguyễn Cảnh Bình dễ cho người ta ấn tượng về sự lãng tử, phớt đời với vẻ ngoài bụi bặm của mình, nhưng càng trò chuyện, càng nhận ra rằng, chút lãng tử “ngỡ như…” ấy nếu có, thì dường như chỉ tồn tại trong những giờ phút ông thăng hoa sáng tác, đặt lời mới cho các làn điệu Dân ca ví, giặm. Còn lại, tất cả là sự chân thành, nghiêm túc và cầu thị.
Đã có những khoảng lặng nghẹn ngào khi ông kể cho tôi về tuổi thơ nghèo khó của mình, với hình ảnh những ngày biển động, chiếc thuyền nhỏ xác xơ của cha lặng lẽ gác mũi lên bờ cát bạc rớm máu những thân sò. Anh em ông bảo nhau đi cào từng con nghêu, nhặt từng con ốc, dằm từng bát muối ớt thêm vào cho qua bữa ăn ngày đói. “Ngày biển động, cả làng ngồi chờ trời qua cơn thế thôi. Mẹ tui vừa ngồi đan lưới, vừa hát. Bà hay hát và hát hay lắm, những điệu hò chèo thuyền, những lời dặm công cha nghĩa mẹ, rồi điệu ví của người miệt biển… cứ thế thấm dần vào tôi khi nào không hay biết.”- Nghệ nhân dân gian Nguyễn Cảnh Bình tâm sự. Và ông bảo, người ta vẫn thường nói, hát cho quên đói khổ, hát để tiếp thêm niềm tin và sức mạnh đến tương lai, tưởng đâu là chuyện sáo rỗng, nhưng có thực đấy. “Vì ví, giặm tài tình lắm, hát mà như kể chuyện mình, thấy cả quá khứ và tương lai mình trong đó. Nó buồn, nhưng không kéo người ta xuống mà nâng người ta lên”.
Chính nỗi buồn mộc mạc từ trong những câu dân ca mẹ hát, đã chắp cánh cho tình yêu ví, giặm trong ông, để từ đó nhận ra nó đã trở thành một phần máu thịt không thể thiếu. Năm nay đã qua tuổi bát tuần, ngót 70 năm ông gắn với Dân ca ví, giặm. Ông miệt mài sưu tầm các điệu ví, giặm cổ của người miền biển, góp thêm vào kho tàng dân ca xứ Nghệ một mảng rất đặc sắc. Khác với Dân ca ví, giặm ở những miền đồng bằng, trung du, ví, giặm miền chân sóng mặn mòi, có sức hấp dẫn riêng, vừa khỏe khoắn với những hò bơi thuyền, mô tả khung cảnh và kích thích tinh thần lao động, vừa là khúc hát nỗi niềm của những thân phận lênh đênh sóng nước. Gần trọn đời người, ông tự bỏ tiền túi đi khắp bãi trên, bến dưới miệt biển xứ Nghệ này để tìm và chép lại những khúc hát chân thật, sống động như thế. Nào là hò cá thửng, hò nhật trình… Mỗi chuyến điền dã trở về, cuốn sổ tay “gia bảo” của ông lại dày thêm lên một chút, và ông trọn vẹn sống trong niềm hạnh phúc giữa bầu dân ca dung dị, đằm địa của quê mình. “Tui từng sợ những khúc hát dân ca của người miền biển bị mất đi, sợ đến mức, tôi chép đi chép lại những đoạn sưu tầm được, rồi hát cho con cháu nghe. Đến giờ thì yên lòng rồi, Dân ca ví, giặm đã trở thành di sản phi vật thể của nhân loại, điều này đã đánh thức trách nhiệm gìn giữ, phát huy ví, giặm trong toàn thể nhân dân.”- Nghệ nhân dân gian Nguyễn Cảnh Bình khẳng định.
Tôi may mắn được gặp nghệ nhân dân gian Nguyễn Nghĩa Hợi (Nghĩa Hội, Nghĩa Đàn), một trong những người neo giữ Dân ca ví, giặm trên mảnh đất bazan Phủ Quỳ - vùng đất đa dân tộc, đa bản sắc. Ông từng là cựu giáo chức khả kính tại nhiều trường học trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn. Mấy chục năm miệt mài nghiệp phấn trắng, bảng đen, ngay từ những năm đầu thập kỷ 1960, 1970, ngoài dạy chữ, rèn người, ông còn tâm huyết lồng ghép các buổi tập hát dân ca vào những giờ ngoại khóa, tổ chức các cuộc thi hát trong học sinh, giáo viên để khơi dậy tình yêu Dân ca ví, giặm. “Ca từ của Dân ca ví, giặm hầu hết là lời ân nghĩa, có tính chất giáo dục nhân cách và bồi đắp tâm hồn thế hệ trẻ rất tốt. Dân ca không chỉ là câu hát, mà còn là bài học, tôi rất vui vì hiện nay, ngành Giáo dục tỉnh nhà đã đẩy mạnh phong trào hát dân ca trong trường học, để dân ca thực sự sống mãnh liệt trong lòng các bạn trẻ” - Nghệ nhân dân gian Nguyễn Nghĩa Hợi chia sẻ. Và ông tự hào cho biết, ở mảnh đất Phủ Quỳ, không chỉ có đồng bào dân tộc Kinh, mà cả những đồng bào dân tộc Thái, Thổ cũng yêu và hát Dân ca ví, giặm hay không thua kém nơi nào.
Ví, giặm là tiếng hát vút lên từ cuộc sống thường nhật của nhân dân, vì thế, không “kén” không gian diễn xướng, cũng không gắt gao với người hát lẫn người thưởng thức. Ai cũng có thể hát và nghe ví, giặm, vì nó đi vào lòng người mộc mạc mà lâu đằm đến thế! Trong khán phòng hôm nay, có những gương mặt quen trong chặng đường làm báo, có cả những người đã trở thành nhân vật trong nhiều tác phẩm báo chí như Nghệ nhân Võ Thị Vân (Ngọc Sơn, Thanh Chương), Nghệ nhân Cao Xuân Thưởng (Diễn Hoa, Diễn Châu), Nghệ nhân Trần Văn Hồng (xã Đông Hiếu, Thị xã Thái Hòa)… và các nhạc sỹ trọn đời chọn dân ca làm kim chỉ nam cho con đường nghệ thuật của mình như nhạc sỹ Lê Hàm, nhạc sỹ Thanh Lưu, nhạc sỹ Võ Văn Thế… Niềm vui sáng rỡ trên khuôn mặt từng người, những cái bắt tay nồng ấm tình thân, những câu chuyện chung, và cả những tiếng hát mộc mạc đã cất lên. Dường như ai cũng muốn tỏ bày thật nhiều nỗi lòng mình, nhưng nói sao cho thỏa niềm hạnh ngộ hôm nay của những người chung chí hướng?
Rưng rưng lặng đi sau niềm vui gặp gỡ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo chậm rãi bảo, cũng như bao người con xứ Nghệ khác, ông đã chờ đợi rất lâu để được thấy giây phút Dân ca ví, giặm - viên ngọc quý của xứ sở gió Lào được vinh danh. Từ Thủ đô Hà Nội, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo đã đáp chuyến tàu đêm về với mảnh đất quê hương, và trước khi đến dự sự kiện gặp gỡ, tôn vinh này, ông đã kịp hành hương về đất tổ. Đó là Phủ Diễn - nơi có dòng sông Bùng thao thiết chảy, dòng sông mà hẳn thuở ấu thời, ông cùng chúng bạn đã biết bao lần “úp mặt vào sông quê”, như úp mặt vào bầu sữa mẹ, để rồi ký ức êm đềm ấy tỏa thành câu hát, nói hộ nỗi lòng của những người xa xứ. Trên dòng Bùng giang thu nguyệt ấy, ông đã chứng kiến hàng trăm buổi hát đối đáp của những người nông dân chân lấm, tay bùn, tiếng hát mộc mạc, khỏe khoắn khắc sâu vào tâm khảm người nghệ sỹ, và như một điều tất yếu, ví, giặm trở thành mạch nguồn chảy suốt sáng tác nghệ thuật của ông. Dẫu cách xa về địa lý, nhưng ông như luôn sống êm đềm trong lòng quê bình dị, bao dung, chính nhờ điệu ví, giặm thân thương. Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo bảo, “ví, giặm là ân tình của cuộc đời tôi”!
Đã có bao người như vị nhạc sỹ khả kính ấy, thốt lên như vậy? Ví, giặm ân tình được chắt chiu từ ruộng đồng tháng Bảy, tháng Ba, từ lở, bồi khúc sông quê, từ những đêm trăng bờ ngô, bãi mía… Từ muôn vàn giản dị, ví, giặm đã chuyên chở đến nhân loại bao điều cao cả: nhân nghĩa, đạo lý, thủy chung, ngọt, bùi… Bình dị và cao cả, đã làm sáng lên tình yêu ví, giặm ở muôn người...
Phương Chi