Khi thời tiết thay đổi từ nắng sang mưa và ngược lại sẽ khiến nhiệt độ ao nuôi thay đổi làm cho tôm, cá bị “stress”, sốc, đó là cơ hội để nhiều loại bệnh phát triển.

795833_small_97443.jpg

Tăng cường thức ăn, dinh dưỡng phù hợp cho tôm, cá vào mùa mưa
- Ảnh: Trần Út

Những bệnh thường gặp

Khi thời tiết thay đổi từ nắng sang mưa và ngược lại sẽ khiến nhiệt độ ao nuôi thay đổi làm cho tôm, cá bị “stress”, sốc, đó là cơ hội để nhiều loại bệnh phát triển.

Đối với cá tra, basa, mùa mưa cá thường mắc các bệnh như gan thận mủ, bệnh vàng da. Đây là những bệnh nguy hiểm và gây thiệt hại lớn. Bên cạnh đó, còn có các bệnh do nấm, ký sinh trùng gây ra.

Với tôm nuôi, mùa mưa tôm dễ bị sốc, tôm vùi mình, tiêu hóa thức ăn và bắt mồi kém, dễ mắc các bệnh như vi khuẩn nấm, bệnh phân trắng...

Đối với những loài cá nước ngọt, cá nuôi lồng, bè khác thì cũng ẩn chứa nhiều rủi ro lớn về môi trường và dịch bệnh.
 
Khắc phục

Tuân thủ thời vụ nuôi, lựa chọn thời điểm xuống giống cho phù hợp.

Đảm bảo mực nước trong ao ở mức thích hợp; các yếu tố môi trường ở mức hợp lý, hàm lượng ôxy hòa tan đầy đủ. Hạn chế nước mưa chảy xuống ao nuôi, vùng nuôi lồng, bè.

Nên sử dụng vôi như một loại “thuốc” an toàn cho môi trường và vật nuôi. Dùng vôi bột, vôi tôi rải trên bờ hoặc hòa nước té xuống ao, treo túi vôi ở đầu dòng chảy tại bè nuôi sẽ giảm bớt được dịch bệnh cho cá, tôm.

Vớt bỏ thức ăn thừa, vệ sinh khu vực cho ăn, sàng ăn, dụng cụ cho ăn đề phòng nấm mốc,... sẽ hạn chế được những tác động xấu của thức ăn thừa, nhất là khi trời mưa.

Tăng cường dinh dưỡng giúp vật nuôi ăn mồi nhiều và tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Thuốc kháng sinh và hóa chất cũng có thể là một lựa chọn trong thời điểm này để dùng phòng ngừa và trị bệnh phát triển trong mùa mưa ở tất cả các giai đoạn của cá nuôi. Tuy nhiên, sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về liều lượng, đối tượng điều trị, đặc biệt là không sử dụng các loại thuốc trong danh mục cấm.

Bên cạnh các biện pháp phòng ngừa thì ngay đầu vụ nuôi cần phải chuẩn bị ao, hồ thật kỹ; sử dụng con giống tốt, đã qua kiểm dịch; ương giống, thả nuôi với mật độ vừa phải. Đây là điều kiện cần thiết bởi nếu môi trường ao nuôi ban đầu không tốt, con giống kém khi gặp môi trường thay đổi (mưa nhiều, kéo dài) sẽ là cơ hội để bệnh tật phát triển và gây thiệt hại cho người nuôi.


Theo (ThuysanVietnam) – LC