(Baonghean) - Trong những ngày vừa qua, tại các phường Hưng Bình, Hưng Phúc, Hà Huy Tập… xẩy ta tình trạng mất điện cục bộ, làm đảo lộn nếp sống thường nhật của người dân và tạo nên sự bức xúc cho không ít khách hàng dùng điện. Người dân và cả khách hàng là các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều có chung băn khoăn: Mùa hè này, liệu có thiếu điện và cắt điện luân phiên như đã từng xẩy ra trước đây?
Hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu
Mấy ngày mất điện vừa qua, dù máy phát của khách sạn Hương Giang ở đường Nguyễn Đức Cảnh – phường Hưng Bình không đủ công suất để chạy máy điều hòa, mà chỉ dùng được quạt nhưng khách vẫn kín phòng, bởi người dân xung quanh khu vực này thuê tránh nóng vì bị cắt điện vào ban đêm. Những người chậm chân không thuê được phòng ngủ thì rủ nhau đưa ghế ra hè đường ngồi đón gió trời và tán chuyện… Vất vả nhất là những gia đình có con nhỏ nửa đêm bồng bế nhau đến nhà người quen ngủ nhờ… Bị mất điện, lại vào giờ cao điểm ban đêm nên đã gây ra không biết bao nhiêu phiền toái cho người dân. Hiện tượng này xẩy ra đã nhiều ngày nhưng ngành Điện vẫn chưa chủ động khắc phục được.
Mùa hè này, liệu có thiếu điện và cắt luân phiên như đã từng xẩy ra trước đây? - Đem nỗi băn khoăn đó đến với ông Bành Hồng Hiển – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An, được ông lý giải: “Vào mùa khác, bình quân mỗi ngày trên địa bàn tỉnh ta tiêu thụ lượng điện 4,3 triệu KW/h, nhưng trong những ngày hè nóng nực thì lượng điện tiêu thụ bình quân là 6,2 triệu KW/h. Lượng điện tiêu thụ tăng đột biến làm cho một số nơi bị quá tải. Để bảo đảm an toàn cho hệ thống cấp điện, thì Điện lực bắt buộc phải sa thải điện năng. Chính vì thế, một số nơi trên địa bàn TP Vinh đã bị cắt điện và sau đó đã tiến hành kết lại điện phục vụ khách hàng. Còn về nguồn điện cấp, theo thông báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các tỉnh trong khu vực phía Bắc, trong đó có Nghệ An không xẩy ra tiết giảm điện do thiếu nguồn, trừ trường hợp đặc biệt về sự cố nguồn điện và lưới điện. Như vậy, trong mùa hè này, tại tỉnh ta sẽ không thiếu nguồn điện”.
Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh ta đã có 6 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động (gồm Hủa Na, Bản Vẽ, Nậm Mô, Bản Cốc, Bản Cánh, Sao Va) đã hòa vào điện lưới quốc gia với sản lượng hàng tỷ kWh. Nhờ đó, không những làm tăng nguồn, mà còn tăng chất lượng điện tại địa phương.
Không thiếu nguồn điện, nhưng vẫn bị mất điện, nghịch lý này vẫn đang xẩy ra trên địa bàn mà vẫn chưa được khắc phục. Vậy nguyên nhân do đâu? Trước hết đó là do vấn đề hạ tầng kỹ thuật của ngành Điện chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện của khách hàng, song song với đó là sự phát triển quá nhanh nhu cầu dùng điện của khách hàng và lại phát triển tự phát, thiếu quy hoạch, nên ngành Điện rất bị động.
Tìm hiểu được biết, tại một trạm biến áp điện ở phường Hưng Dũng (TP. Vinh), trước đây công suất chỉ 250 kVA mà vẫn hoạt động tốt, nhưng sau đó bỗng nhiên quá tải vì khách hàng tăng đột biến nên phải thay trạm công suất 400 kVA, một thời gian sau lại phải sa thải điện vì quá tải và đành phải lắp trạm công suất 630 kVA, đồng thời xen dắm thêm một trạm biến áp nữa mới đủ công suất phục vụ cho người dân. Hay tại một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong những ngày trung tuần tháng 5 vừa qua ngay trong giờ hành chính cũng bị mất điện, nguyên nhân do trạm biến áp công suất nhỏ không đáp ứng được công suất sử dụng điện.
Một cán bộ ngành Điện nói rằng: “Tại nhiều đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp khi tiến hành cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc đã xây dựng thêm nhiều khối nhà cao tầng, nhà thi đấu thể thao, lắp đặt thêm nhiều bộ điều hòa… mà không có phương án nâng cấp trạm biến áp, nên khi đi vào sử dụng đã xẩy ra tình trạng quá tải. Vì vậy, để bảo đảm cấp điện ổn định cho khách hàng, cần có sự phối hợp chặt chẽ với ngành Điện”.
Cần giải pháp kịp thời cho hệ thống lưới điện TP. Vinh
Hệ thống lưới điện của TP Vinh đã có từ khá lâu và trải qua quá trình dài sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng, nhất là không phù hợp với quy hoạch phát triển của thành phố. Chính vì vậy, thời gian qua hệ thống lưới điện từng bước được đầu tư, nâng cấp dần và hiện nay, những trạm biến áp, hệ thống đường dây cũ nát đã được cắt bỏ, thay thế. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố như: quy hoạch, vốn đầu tư… nên hệ thống lưới điện của TP Vinh được cải tạo, nâng cấp không đồng bộ và một điều rất dễ nhận thấy tại nhiều khối phố, trục đường giao thông chính là dây điện neo, kéo chằng chịt trông rất phản cảm và không những làm mất cảnh quan đô thị, mà còn tiềm ẩn mối nguy hiểm trong mùa mưa bão…
Với sự đầu tư phát triển hạ tầng ngành Điện, hiện nay Điện lực TP Vinh đang quản lý 278,84 km đường dây trung thế (35,22, 10kV), trong đó có 117 km cáp ngầm; đường dây hạ thế hơn 1.050 km và quản lý 528 trạm biến áp với tổng dung lượng định mức 187.945 kVA… Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu sử dụng điện ngày càng tăng của khách hàng với chất lượng tốt hơn (hiện nay tại TP Vinh có 72.443 khách hàng sử dụng điện), thì hạ tầng kỹ thuật của ngành Điện cần được đầu tư đồng bộ. Thực tế thấy rằng, trong thời gian qua, ngành Điện phần lớn vẫn đang tập trung vào việc đầu tư các dự án chống quá tải điện năng và xử lý sự cố (và được biết, trong thời gian tới, các dự án mà ngành Điện tập trung đầu tư tại TP Vinh phần lớn đều là để chống quá tải điện năng), mà những vấn đề lớn hơn như quy hoạch, những dự án mang tính định hướng, chiến lược phát triển lâu dài… thì vẫn chưa thực hiện được nhiều.
Cán bộ kỹ thuật Điện lực TP. Vinh xử lý sự cố đường điện tại phường Lê Mao (TP. Vinh).
Trong khi hạ tầng kỹ thuật điện ở TP Vinh đang trong quá trình đầu tư, nâng cấp, lại chưa có sự phối hợp từ phía khách hàng, thì ngành Điện đành phải xử lý tình huống theo sự cố. Nơi nào xẩy ra tình trạng quá tải thì tập trung xử lý nơi đó. Với cách làm này, chỉ trong thời gian ngắn đầu hè đến nay, Điện lực Nghệ An đã tiến hành nâng cấp nhiều máy biến áp tại các điểm xẩy ra quá tải như ở phường Hưng Bình, Lê Mao, Hưng Phúc, Hà Huy Tập, Nghi Phú và thay thế 6 Actomat nhánh… nên tại một số khách hàng ưu tiên như Bệnh viện Nhi, Sở NN&PTNT… đã không xẩy ra tình trạng bị mất điện.
Ông Trần Tiến Dũng – Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Điện lực TP. Vinh cho biết: “Từ đầu năm 2013 đến nay, Điện lực TP Vinh đã tiến hành nâng công suất 7 máy biến áp để chống quá tải cho lưới điện tại một số khu vực ở TP Vinh và tiến hành đóng điện 3 trạm biến áp ở Nghi Phú, Quán Bàu, Vinh Tân để san tải cho lưới điện khu vực và đã kéo 6.459 m cáp xoắn các loại để kết nối san tải, chống quá tải trên lưới và hiện nay đang xen dắm thêm 3 trạm biến áp ở Hưng Phúc, Quang Trung…” Với những cách làm kịp thời đó, ngành Điện cho rằng, ở TP. Vinh thời gian tới sẽ cơ bản khắc phục được tình trạng phải sa thải điện.
Không phải sa thải điện do quá tải có nghĩa là không bị mất điện cục bộ. Đây là một thông tin vui đối với người dân TP Vinh, nhưng liệu điều này có thực hiện được hay không vẫn đang còn chờ thực tế trả lời, bởi thời điểm hiện nay đang mới đầu mùa hè…
Để hệ thống lưới điện của TP Vinh ngày càng phát triển, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng điện của khách hàng thì các cấp, ngành và nhất là ngành Điện lực Nghệ An cần có những giải pháp kịp thời, hữu hiệu mang tính chiến lược để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống lưới điện của TP. Vinh tương xứng với đô thị loại I.
Không thiếu nguồn, nhưng vẫn bị cắt…
Hoàng Vĩnh