Ai vén “Bức màn bí ẩn”?
Cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đều ghi nhận Triều Tiên đã phóng thử 2 quả tên lửa vào sáng hôm qua. Tuy nhiên, cả 3 quốc gia này không xác minh được chính xác đó là dòng tên lửa nào, chỉ biết đó là tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Với vụ phóng thử tên lửa này, Triều Tiên đã có tổng cộng 6 lần phóng thử các vật thể ra vùng biển Nhật Bản chỉ trong vòng chưa đẩy 1 tháng tính từ ngày 1/3. Vụ phóng ngày 1/3 cũng là vụ phóng thử tên lửa đạn đạo đầu tiên của Triều Tiên kể từ khi bắt đầu năm mới.
Thời điểm Triều Tiên ào ạt tiến hành các vụ phóng thử tên lửa cũng chính là thời điểm hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang phải đau đầu đối phó với tình trạng lây lan gần như “không thể ngăn cản” của đại dịch Covid-19. Cấm tụ tập đông người, rồi phong tỏa một thành phố, một vùng, một bang, rồi tới phong tỏa cả quốc gia…, tất cả những biện pháp mạnh tay mà những quốc gia như Italia, Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ, Ấn Độ… đang áp dụng không khiến cho số ca nhiễm mới và số ca tử vong tăng chậm lại. Lúc này, mục tiêu hàng đầu của hầu hết các chính phủ trên thế giới là làm thế nào kiểm soát được dịch bệnh, tất cả lịch trình về hoạt động đối ngoại gần như bị “đóng băng”.
Trong bối cảnh đó, việc Triều Tiên gia tăng tần số phóng thử tên lửa như một lời khẳng định mạnh mẽ rằng, Triều Tiên không phải đối mặt với đợt bùng phát dịch bệnh như các quốc gia khác, và điều đó giúp cho Triều Tiên kiên định theo đuổi các mục tiêu chiến lược của mình. Không những vậy, việc phóng thử tên lửa vào thời điểm các quốc gia đang dồn mọi nguồn lực vào chống dịch giúp Triều Tiên tránh được phản ứng dữ dội của cộng đồng quốc tế. Bằng chứng là sau vụ thử sáng hôm qua, chỉ có Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 quốc gia ngay lập tức lên án hành động của Triều Tiên, coi đây là bước đi nguy hiểm đe dọa tình hình an ninh trong khu vực.
Nhưng điều gì đang thực sự xảy ra ở Triều Tiên? Dường như không ai có thể vén được “bức màn bí ẩn” này. Ngoài số liệu hiếm hoi mà chính Triều Tiên công bố về việc cách ly hơn 10.000 người, không một tổ chức nào có được thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh tại Triều Tiên ở thời điểm hiện tại. Bởi thế, dù có băn khoăn, thế giới buộc phải nhìn nhận về dịch bệnh Covid-19 ở Triều Tiên như những gì mà nước này đang thể hiện, đó là chưa có người nhiễm SARS-CoV-2, và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh vẫn đang được siết chặt.
Trên các phương tiện truyền thông Triều Tiên là thông tin Triều Tiên đóng cửa toàn bộ biên giới, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tham dự lễ khởi công xây dựng một bệnh viện đa khoa ở Bình Nhưỡng, là thông tin một quan chức ở địa phương đã bị kỷ luật vì tổ chức các bữa tiệc, vi phạm quy định về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên toàn quốc. Tuy nhiên, một thông tin rất đáng chú ý về sự tự tin của Triều Tiên trong công tác kiểm soát dịch bệnh là phiên họp Hội đồng Nhân dân Tối cao vẫn được tổ chức vào tháng Tư sắp tới.
Đằng sau chuyện tên lửa - Covid
Khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng ra khắp thế giới, rất nhiều người cho rằng, với một nền kinh tế còn nhiều khó khăn, hệ thống y tế còn thiếu thốn, Triều Tiên sẽ rất khó khăn nếu để xảy ra kịch bản bùng phát dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, mâu thuẫn dai dẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc cũng như với Mỹ là điều không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đồng nghĩa với việc khó có thể tạo ra những thay đổi trong chính sách an ninh của Triều Tiên. Các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo là kết quả của nhiều thập kỷ của nỗ lực, của rủi ro và hy sinh. Vì vậy, nhiều người cho rằng Triều Tiên sẽ không đánh đổi kho vũ khí hạt nhân của mình, các chương trình phát triển tên lửa của mình bằng bất cứ giá nào, dù đó là suy giảm kinh tế hoặc những hậu quả của dịch bệnh. Không những vậy, khi một quốc gia có nguy cơ bị suy yếu bởi đại dịch, khả năng tự bảo vệ bằng năng lực hạt nhân càng có ý nghĩa sống còn.
Đã có ý kiến lo ngại rằng, đại dịch Covid-19 có thể tạo ra cơ hội để Triều Tiên có những hành động cứng rắn hơn do Mỹ và Hàn Quốc đang bị phân tán bởi những cuộc khủng hoảng nội bộ. Điều đó đồng nghĩa với việc, Triều Tiên sẽ tiếp tục tiến hành nhiều vụ thử tên lửa nữa sau vụ thử ngày hôm qua, thậm chí có thể vượt ngoài khuôn khổ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Nhưng một số khác lại cho rằng, dù không công bố các số liệu một cách chính thức, có khả năng Triều Tiên cũng đang phải đối mặt với bài toán tương tự, vì vậy, phải tập trung vào việc phục hồi sau dịch bệnh hơn là phát động một cuộc chiến.
Theo một số báo cáo, biện pháp đóng cửa toàn bộ biên giới đang gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng đối với nền kinh tế Triều Tiên, thiếu hụt hàng hóa cơ bản và giá cả tăng vọt. Bản thân nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng thừa nhận những điểm yếu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Triều Tiên và cho rằng một đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại quốc gia này có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, cho dù Triều Tiên sẽ không thay đổi chính sách an ninh, nhưng có thể theo đuổi một chiến thuật tạm thời, đó là hòa hoãn với Hàn Quốc. Một số người có thể nghi ngờ quan điểm này khi dẫn chứng bài phát biểu đanh thép của em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, bà Kim Jo-jong sau khi Hàn Quốc lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm 2/3. Nhưng giới phân tích cho rằng, bài phát biểu này nhằm mục tiêu lớn nhất là định vị vai trò của Kim Jo-jong trong chính quyền Triều Tiên chứ không phải là nhằm đánh giá về mối quan hệ liên Triều.
Những chỉ trích của bà Kim Jo-jong khi đó không nhắm trực tiếp vào Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, mà chỉ lên án hành động tập trận của Hàn Quốc - một phản ứng bình thường của Triều Tiên từ trước đến nay trước các động thái quân sự của người láng giềng. Nhận định này đã được chứng minh khi chỉ 1 ngày sau, Hàn Quốc đã thông báo ông Kim Jong-un gửi một bức thư cho Tổng thống Moon Jae-in, trong đó khẳng định “tình bạn không thể lay chuyển” giữa 2 nhà lãnh đạo.
Nếu Triều Tiên theo đuổi giải pháp hòa giải tạm thời với Hàn Quốc ở thời điểm này, đó sẽ là chiến lược có lợi cho cả đôi bên. Hiện tỷ lệ tín nhiệm trong nước của ông Moon Jae-in đang ở mức thấp, trong khi đảng của ông sẽ phải bước vào cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 4. Những tiến bộ trong mối quan hệ với Triều Tiên sẽ là điểm cộng quan trọng trong cuộc bầu cử này. Ở phía bên kia, mối quan hệ nồng ấm hơn với Hàn Quốc có thể mở ra cơ hội nhận viện trợ kinh tế hoặc viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên, giải tỏa áp lực với nền kinh tế trong nước. Giống như hầu hết các quốc gia khác, Triều Tiên chắc chắn hiểu được giá trị của ổn định kinh tế sau khi cơn bão Covid-19 đi qua.