Lá thư hợp tác

Trao đổi thư là một động thái ngoại giao đặc biệt và được thực hiện khá thường xuyên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un kể từ khi hai bên có cuộc gặp gỡ đầu tiên tại Singapore tháng 6/2018. Mối quan hệ giữa 2 nhà lãnh đạo này từ đối đầu sang thân thiết được thể hiện một phần qua các lá thư được gửi qua lại vào những dịp đặc biệt.

anh_1__trump_kim1920518_2332020.jpgTổng thống Mỹ Donald Trump (phải) gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trên đảo Sentosa ở Singapore ngày 12/6/2018. Ảnh: AP

Trong lá thư mới nhất gửi tới Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông thấy ấn tượng trước những nỗ lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên để bảo vệ người dân của mình trước virus Corona. Ông Trump cũng đồng thời “bày tỏ ý định muốn hợp tác trong việc chống dịch bệnh này với Triều Tiên”. Đây là lời đề nghị bất ngờ và hiếm hoi về việc “hợp tác chống dịch Covid 19” mà Tổng thống Trump đưa ra. Những quyết định gần đây của ông Trump đều được cho là đang “quay lưng” lại với ngay cả các đồng minh và các đối tác gần gũi. 

Cách đây 2 tuần ông Trump bất ngờ ra lệnh cấm tất cả các hoạt động đi lại từ châu Âu đến Mỹ mà không hề có sự tham vấn hoặc thông báo trước  - một động thái được cho là làm “tổn thương” các đồng minh ở Lục địa già, trong lúc các nước ở khu vực này đang bị virus SARS-CoV-2 tấn công mạnh mẽ nhất. Với nhiều người châu Âu, phản ứng này của Mỹ đã gây cảm giác hụt hẫng. Đó là chưa kể, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump cũng hầu như “lặng thinh” trước nhu cầu phối hợp liên quốc gia trước một đại dịch đang tàn phá thế giới như Covid-19. Mỹ năm nay là chủ tịch nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) nhưng người đề xuất hội nghị thượng đỉnh về nCoV thông qua video là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ông Trump đồng ý với đề xuất đó, nhưng người chịu trách nhiệm tổ chức vẫn là nước Pháp. Trong lúc châu Âu khẩn thiết kêu gọi sự hỗ trợ y tế để đối phó với dịch bệnh, những tín hiệu đáp trả lại không đến từ Mỹ mà là Trung Quốc.

Thông cáo yêu cầu "tránh tụ tập đông người và năng rửa tay" tại đường lên cầu Manhattan Bridge ở khu Brooklyn (New York City - Mỹ) ngày 20/3/2020. Ảnh: Reuters - Andrew Kelly

Trong nhiều thập niên qua, nước Mỹ từng dẫn đầu các nỗ lực quốc tế chống lại các dịch bệnh, như Ebola hay HIV/AIDS. Nhưng với một Tổng thống theo đuổi quan điểm “nước Mỹ trên hết” như ông Donald Trump, những nỗ lực này dường như không còn. Nói như một số nhà quan sát, nước Mỹ hiện tại đang “quay lưng” với thế giới trong nỗ lực chống kẻ thù chung. Peter Westmacott, cựu đại sứ Anh tại Mỹ, nhận định trên New York Times rằng, những màn thể hiện của Trump vừa qua gần như trùng khớp với những quan điểm vốn có của mọi người về ông. “Đó là cách cư xử chỉ vì bản thân, đồng thời không chịu nhận trách nhiệm cho những sai lầm ban đầu”…

Chính vì những thực tế này, việc ông Trump đề nghị hợp tác với Triều Tiên trong chống dịch Covid-19 xem ra rõ ràng là động thái khác biệt và tất nhiên cũng sẽ phản ánh những tính toán từ Washington. 

Xoa dịu Triều Tiên?

Vẫn còn quá sớm để khẳng định những động thái này cho thấy mối quan hệ Mỹ - Triều sẽ ấm lên sau thời gian nguội lạnh vì đàm phán hạt nhân không có kết quả thực chất. Tuy nhiên, lời đề nghị bất ngờ của Tổng thống Mỹ với Triều Tiên có thể là một thông điệp cho thấy, ông Trump vẫn đặt Triều Tiên trong “tầm ngắm” ưu tiên. Lá thư gửi tới Bình Nhưỡng vào thời điểm khó khăn khi cả thế giới chống chọi với dịch Covid-19 và mối quan hệ song phương Mỹ Triều đang ở giai đoạn thử thách cho thấy Tổng thống Mỹ muốn nỗ lực duy trì mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với Bình Nhưỡng giữa lúc nhiều khó khăn bủa vây.

Người dân Bình Nhưỡng đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Ảnh: AFP

Mặc dù theo các báo cáo, Triều Tiên hiện chưa có ca mắc Covid-19 nào, song nước này đã và đang có hàng loạt biện pháp mạnh mẽ và triệt để nhằm ngăn virus xâm nhập. Ngoài việc đóng cửa biên giới và cắt đứt giao thông với Trung Quốc, Triều Tiên cũng áp dụng biện pháp cách ly tới 30 ngày đối với người nước ngoài, hoặc công dân nước này trở về từ Trung Quốc.

Như vậy, chắc chắn các biện pháp kiểm soát dịch bệnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thương mại và du lịch của Triều Tiên cộng thêm khoản ngân sách cho các biện pháp phòng ngừa sự lây lan của virus ở trong nước sẽ gây ra những phản ứng tiêu cực đối với nền kinh tế, vốn đã bị đình trệ do những lệnh cấm vận của Mỹ và Liên hợp quốc.

Từ đầu tháng đến nay Triều Tiên đã nhiều lần phóng thử tên lửa và các  các đợt tập dượt với pháo tầm xa. Giới quan sát cho rằng, đây là động thái nhằm gây sức ép với Mỹ và các đồng minh để nới lỏng các trừng phạt kinh tế. Ngoài ra, trong khi các chính phủ trên thế giới, bao gồm Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tập trung vào việc kiềm chế sự lây lan của virus Corona và dường như không còn bận tâm đến Triều Tiên, Bình Nhưỡng cần phải làm điều gì đó để lấy lại sự chú ý. Các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng có thể báo hiệu rằng Triều Tiên vẫn là một cái tên mà Mỹ cần phải quan tâm.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một cuộc tập trận cuối tháng 2/2020. Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh như vậy, xem ra hành động “chìa tay” từ phía Mỹ được cho sẽ giúp xoa dịu và “củng cố niềm tin” của Bình Nhưỡng. Nói cách khác, bước đi trước này của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ “đánh trúng tâm lý” của Triều Tiên đang ở trong giai đoạn khó khăn. Những bước đi tiếp theo sẽ phụ thuộc vào hành động cụ thể của mỗi nước, chẳng hạn như cách thức nước Mỹ sẽ hỗ trợ Triều Tiên như thế nào, thái độ tiếp nhận của Bình Nhưỡng ra sao và xa hơn nữa là liệu các cuộc đàm phán có được nối lại hay không… Mục tiêu của Tổng thống Trump vẫn là muốn Triều Tiên nhượng bộ trong việc từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa để đổi lấy việc Mỹ xóa bỏ các lệnh trừng phạt. Trong tình thế dịch bệnh Covid 19 khiến kinh tế Triều Tiên càng thêm khó khăn, những nhượng bộ Mỹ để đạt được các mục tiêu giảm trừng phạt có thể nằm trong tính toán của Washington.