Đồng chí Lê Văn Thành - Phó Thủ tướng Chính phủ đến dự và chỉ đạo hội nghị. Đồng chí Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường chủ trì tại điểm cầu Trung ương. Tại điểm cầu Nghệ An do các đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Phạm Văn Toàn - Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường chủ trì.
Năm 2021, bên cạnh đại dịch Covid-19, tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai, suy giảm hệ sinh thái tự nhiên cũng đã tác động đến hoạt động của toàn ngành Tài nguyên và Môi trường. Song với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, ngành đã đạt được nhiều kết quả, đóng góp trực tiếp, quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô.
Cụ thể, ngành Tài nguyên và Môi trường đã tập trung hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các vướng mắc, nhất là nút thắt về quỹ đất đai, vướng mắc về nguyên liệu khoáng sản cho sản xuất, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.
Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được thúc đẩy với 95% số thủ tục hành chính được trả kết quả đúng hạn; 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện liên thông thủ tục đất đai với các tổ chức tín dụng trong thanh toán nghĩa vụ tài chính, giúp cắt giảm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Tiềm năng, lợi thế các vùng biển được phát huy, trở thành khu vực phát triển năng động, thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo động lực phát triển, mở cửa, hội nhập quốc tế, hình thành và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp gắn với hình thành chuỗi đô thị ven biển.
Trong năm, ngành Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao về tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tại khu vực đô thị đạt khoảng 94,71% (cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao 89%).
Các mô hình xử lý rác thải theo hình thức đốt rác phát điện thay cho chôn lấp được triển khai ở nhiều địa phương; 80% cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao được kiểm soát vận hành.
Ngành cũng nâng cao độ chính xác trong công tác dự báo, tiệm cận với trình độ các nước tiên tiến trong khu vực, thế giới; tập trung thiết lập các nền tảng hạ tầng số, chuyển đổi số ngành Tài nguyên và Môi trường, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp; tăng cường hoạt động đối ngoại, tranh thủ các cơ hội hỗ trợ đầu tư công nghệ và phát triển năng lượng tái tạo.
Xử lý nghiêm các dự án "treo", dự án vi phạm pháp luật
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao sự nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và những kết quả đạt được của ngành Tài nguyên và Môi trường trong năm 2021.
Nhấn mạnh, tài nguyên và môi trường là nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển đất nước, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đặt ra yêu cầu đối với ngành Tài nguyên và Môi trường trong năm 2022 tiếp tục tạo đột phá về thể chế, rà soát các bất cập trong các quy định để sửa đổi, bổ sung, phân cấp mạnh mẽ, khơi dậy tiềm lực để phát triển.
Gắn với đó là xây dựng đề án tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; đồng thời xây dựng đề án sửa đổi Luật Đất đai trình Quốc hội trong năm 2022 nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc đặt ra hiện nay, nhất là về giá đất, hạn mức đất, giải phóng mặt bằng...; tập trung quy hoạch đất đai quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025.
Chỉ rõ, hiện nay tại nhiều địa phương đang tồn tại nhiều dự án "treo", dự án vi phạm pháp luật, dự án sử dụng sai mục đích với diện tích sử dụng đất lớn, nằm ở vị trí "đắc địa", gây lãng phí nguồn lực đất đai của đất nước, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương tập trung rà soát kỹ, phân nhóm các dự án để xử lý nghiêm đúng quy định, đồng thời chuyển đổi để tiếp sử dụng đất, tránh lãng phí.
Đẩy mạnh công tác điều tra trữ lượng khoáng sản, nhất là khoáng sản chiến lược quan trọng; tập trung hoàn thành quy hoạch không gian biển và vùng bờ đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 nhằm đưa vào quản lý và khai thác có hiệu quả không gian biển, vùng bờ.
Ngành Tài nguyên và Môi trường cần tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đảm bảo phát triển bền vững; gắn với quyết tâm thực hiện tốt cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26; chú trọng nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; quan tâm đầu tư về con người và cơ sở, vật chất, trang thiết bị phục vụ hiệu quả công tác quản lý tài nguyên - môi trường trên phạm vi cả nước.