Niềm vui lớn nhất, có tính lịch sử là lần đầu tiên ĐT bóng đá nam Việt Nam lọt vào Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á; là ĐT nam Futsal Việt Nam lần thứ 2 lọt vào VCK Futsal World Cup và cũng lần thứ 2 liên tiếp lọt vòng 2 của giải đấu này; là ĐT U23 lọt vào VCK châu Á 2022…
Đi cùng đó là nỗi buồn về 6 trận thất bại liên tiếp của ĐT Việt Nam trong chiến dịch vòng loại thứ 3 ở sân chơi châu lục; là thất bại trước kình địch Thái Lan ở AFF Cup 2021… Ở sân chơi trong nước, việc V. League 2021 bị hủy do dịch Covid-19 dĩ nhiên là tin không vui đối với người hâm mộ.
Việc cố gắng vượt lên để tổ chức thành công Giải U21 quốc gia Thanh Niên 2021 là đáng ghi nhận. Niềm vui lớn lao đến với Học viện Bóng đá NutiFood, HLV Graechen với tiền đạo xuất sắc, đầy hứa hẹn Nguyễn Quốc Việt cùng lứa học trò 18 tuổi lần đầu dự giải và nỗi buồn cùng những bất ngờ đáng quan tâm về bóng đá trẻ khi những lò nổi tiếng bỗng dưng để tuột mất ngôi như Hà Nội, Viettel, SLNA, Nam Định…
Điều đọng lại trong năm 2021 có lẽ là 2 bộ mặt khác nhau của nhiều tuyển thủ quốc gia ở ĐT Việt Nam cũng như U23 Việt Nam. Sự ổn định, luôn chứng minh được đẳng cấp của mình có lẽ chỉ xuất hiện ở Quang Hải, sự tiến bộ vượt bậc, kịp thời của Hoàng Đức, sự trở lại vững chắc, tin cậy của Nguyên Mạnh… Nếu như ở V. League 2021, các cầu thủ HAGL như Công Phượng, Văn Toàn, Văn Thanh, Hồng Duy… chơi xuất sắc, bùng nổ bao nhiêu thì có thể nói, càng về cuối năm họ bị đuối dần, mất động lực, sức bật bấy nhiêu và sẽ mất rất nhiều công sức, thời gian để giúp các tuyển thủ này lấy lại cảm hứng chơi bóng, trở lại phong độ vốn có.
Tương tự, các tuyển thủ U23 như Xuân Tú, Hai Long, Văn Tới (Hà Nội), Mạnh Dũng (Viettel), Bảo Toàn (HAGL) Văn Việt, Sỹ Hoàng (SLNA), Xuân Quyết (Nam Định)… khi về chơi tại giải U21 năm nay cũng bất ngờ mất phong độ đáng ngạc nhiên, buộc phải lùi ra hậu trường để các đàn em thay nhau tỏa sáng?
Người ta có thể giải thích sự thiếu ổn định như một tất yếu của bóng đá trẻ như cách các đội U21 Viettel, PVF Hưng Yên, SLNA hay Nam Định thể hiện mới đây. Nhưng với những người từng ăn cơm tuyển nhiều năm, là trò cưng nhiều kỳ tuyển quân của HLV Park Hang-seo, thi đấu vòng loại thứ 3 World Cup không đến nỗi nào mà khi về chơi tại AFF Cup thì mất hết “hồn vía”, phong độ thường thấy hẳn nhiên là có vấn đề đặt ra. Câu trả lời chỉ có thể là “điểm rơi” phong độ, “trần” phong độ của từng người mà thôi.
Không phải ngẫu nhiên mà sau khi ĐT Việt Nam thất bại tại AFF Cup, các CLB bóng đá nước ngoài lại tìm đến Hoàng Đức hay Quang Hải, Tiến Dũng? Câu trả lời cũng nằm ở ngay người luôn giành phần thắng: Chanathip, Theerathon… của ĐT Thái Lan từng nhiều năm chơi ở J. League và chúng ta thua trận trước hết là thua 2 vị trí này? Ai cũng biết, chỉ cần yếu hơn, thủng một vị trí đã là “mỏ” cho đối phương khai thác. Đằng này, người Thái hơn đối thủ ít nhất 2 vị trí trên sân thì việc họ thắng, thậm chí thắng dễ đối thủ là chuyện thường tình, thường lệ mà thôi.
Nguyên nhân của thắng lợi hay thất bại của một giải đấu, một trận đấu luôn bắt nguồn trực tiếp từ HLV, từ mỗi cầu thủ, nhưng đồng thời luôn có những nguyên nhân sâu xa hơn, từ sự chuẩn bị, sự định hướng, mục tiêu. Chẳng hạn ĐT Việt Nam nếu tập trung sức cho Vòng 3 World Cup thì việc thất bại ở AFF Cup là lỗi của định hướng, của tham vọng vượt tầm, khiến BHL và cầu thủ không đủ sức gánh vác đồng thời cả 2 nhiệm vụ. Còn nếu đem lứa U23 đi tập dượt, trải nghiệm ở Vòng loại World Cup dù thất bại nhưng là cơ sở cho thành công ở SEA Games lại là một cách làm đáng học hỏi, làm theo.
Dĩ nhiên, không ai “đánh thuế” tham vọng, nhất là tìm một tấm vé đi World Cup. Nhưng vấn đề là phải mau chóng tỉnh thức, mau chóng nhận ra mình đang ở đâu, tầm mức nào để làm mới, làm lại kịp thời, không để sụp đổ dây chuyền tiếp diễn, nhất là trong năm mới 2022. Hy vọng, sau những gì đã thấy, các tuyển thủ quốc gia ở ĐT Việt Nam, U23 Việt Nam sớm lấy lại những gì đã có, tạm biệt những biểu hiện “2 mặt” trong quá trình thi đấu và cống hiến, dù điều đó thực ra không bao giờ dễ dàng có được...