Dự Đại hội có các đồng chí: Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương…
Tham dự Đại hội có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương. Đặc biệt, có 553 đại biểu đại diện cho 27.448 hội viên sinh hoạt trong 288 đơn vị cấp hội, 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên Chi hội, 205 Chi hội trực thuộc Trung ương hội; các đồng chí nguyên lãnh đạo hội qua các thời kỳ, đại diện lãnh đạo một số cơ quan báo, đài và các cấp Hội Nhà báo.
Đoàn đại biểu Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An tham dự Đại hội với 6 đại biểu chính thức, 1 đại biểu mời.
Danh sách đoàn đại biểu Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An tham dự Đại hội:
1. Trần Minh Ngọc – Giám đốc Đài PT-TH Nghệ An, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An.
2. Ngô Đức Kiên – Tổng Biên tập Báo Nghệ An, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An.
3. Hồ Thị Ngân – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An.
4. Nguyễn Bá Hảo – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nghệ An.
5. Nguyễn Thanh Diệp – Chánh Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An.
6. Hồ Viết Dũng - nguyên Phó TBT Báo Công an Nghệ An (nay đồng chí Dũng là Phó trưởng Phòng P03- Công an tỉnh Nghệ An).
7. Trần Duy Ngoãn – nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An (đại biểu khách mời).
Trước khi bước vào phần chính thức của Đại hội, các đại biểu đã làm lễ chào cờ và dành phút tưởng niệm, tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng liệt sỹ, các nhà báo đã cống hiến, hy sinh vì nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Đồng chí nhấn mạnh: Đại hội XI của Hội Nhà báo được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cả hệ thống chính trị đang tích cực tạo ra nhiều bước phát triển quan trọng về mọi mặt, phát huy những thành quả của quá trình đổi mới, hướng tới dấu mốc năm 2030 nhân 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và dấu mốc năm 2045 kỷ niệm 100 năm lập quốc.
Trong nhiệm kỳ qua, tình hình chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới bị tác động tiêu cực do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 kéo dài suốt 2 năm. Nhiều cơ quan báo chí trên thế giới phải thu hẹp hoạt động, giảm bớt việc làm do vấp phải cạnh tranh gay gắt từ các tập đoàn công nghệ - truyền thông khổng lồ, doanh thu quảng cáo giảm sút không chỉ với báo in mà ngay cả phát thanh - truyền hình và báo điện tử, sự thay đổi về hành vi tiếp nhận thông tin của người dùng cũng tạo ra nhiều thách thức với báo chí chính thống.
Hoạt động báo chí của nước ta trong bối cảnh đó cũng đối mặt nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần và sứ mệnh cống hiến cao cả, với truyền thống vẻ vang của những người làm báo cách mạng qua gần 1 thế kỷ, đội ngũ người làm báo cách mạng nước ta, tập hợp dưới mái nhà chung là Hội Nhà báo Việt Nam, đã nỗ lực phấn đấu, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân. Trong khó khăn, thử thách mới, đội ngũ những người làm báo cả nước càng thể hiện tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, vì một nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Đại hội có nhiệm vụ đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X, Hội Nhà báo Việt Nam; kiểm điểm đánh giá việc thực hiện những chủ trương, nhiệm vụ về công tác báo chí nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; 15 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư TƯ Đảng (Khóa IX) về “Nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới”, triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”; thảo luận, hoàn thiện Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành, thảo luận sửa đổi, bổ sung và thông qua Điều lệ hội và các văn kiện quan trọng khác trình Đại hội.
Đại hội có nhiệm vụ hết sức quan trọng là bầu Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, gồm những nhà báo có phẩm chất và năng lực, có uy tín và điều kiện cũng như tâm huyết, để lãnh đạo các mặt công tác của hội trong nhiệm kỳ tới.
Báo chí là diễn đàn tin cậy của Nhân dân, tiên phongtrong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
Tiếp đó, thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 trình bày Báo cáo Chính trị trình Đại hội XI của Ban Chấp hành khóa X. Báo cáo nêu rõ:
Tính đến cuối năm 2021, cả nước có trên 830 cơ quan báo chí thuộc 4 loại hình: báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử. Các cơ quan báo chí thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; là diễn đàn tin cậy của Nhân dân, là kênh thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội. Báo chí đã tích cực, chủ động, kịp thời phản ánh, tuyên truyền, cổ vũ thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; phản ánh chân thực đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước và quốc tế; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thực hiện ngày càng có hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội. Báo chí là lực lượng chủ lực, đi đầu trong tuyên truyền phòng, chống, đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Đặc biệt, báo chí đã tỏ rõ vai trò tiên phong và hiệu quả trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của các tầng lớp nhân dân.
Báo chí tích cực thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Về phát triển đội ngũ người làm báo, so với năm 1986 - thời điểm đất nước ta bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới, số lượng cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo hiện nay tăng gần 5 lần. Báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, với hơn 45.000 lao động làm việc tại các cơ quan báo chí, trong đó, hơn 20.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên ngày càng trẻ hóa, được đào tạo cơ bản.
Hội Nhà báo Việt Nam - một nhiệm kỳ hoạt động tích cực, hiệu quả
Các cấp hội, các cơ quan báo chí đã chú trọng đổi mới công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, tiên phong thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về công tác thông tin, báo chí. Hội đã thực hiện tốt Đề án báo chí chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2020, tổ chức tốt Giải Báo chí Quốc gia và các giải báo chí chuyên ngành.Trong 5 năm (2016 - 2020) đã hỗ trợ sáng tạo hơn 14.000 tác phẩm báo chí chất lượng cao ở Trung ương và các địa phương. Giải Báo chí Quốc gia tiếp tục đi vào nền nếp và có sức thu hút ngày càng cao đối với giới báo chí cũng như sự quan tâm của công chúng cả nước. Đặc biệt, Hội Nhà báo tất cả các tỉnh, thành phố đều có tác phẩm tham dự giải.
Các công tác bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, người làm báo; chỉ đạo, quản lý báo chí; kiểm tra, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển và quản lý báo chí, đội ngũ người làm báo… được quan tâm, triển khai kịp thời.
Trong nhiệm kỳ qua, lãnh đạo hội đã chỉ đạo các cấp hội tăng cường rà soát, kiện toàn tổ chức hội, chất lượng đội ngũ hội viên. Trong nhiệm kỳ đã kết nạp 7.109 hội viên mới, bình quân mỗi năm kết nạp gần 1.500 hội viên, đây là con số cao nhất từ trước đến nay. Các cấp hội trực thuộc Trung ương hội hoạt động hiệu quả, khá đồng đều, tham gia tích cực các phong trào chung của hội phát động, tuân thủ nghiêm túc Điều lệ hội, thực hiện tốt chế độ báo cáo cũng như các hoạt động khác.
Với 13.621 hội viên, chiếm hơn 50% số lượng hội viên trong toàn quốc, hầu hết 63 Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố đều được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, được cấp kinh phí, bố trí trụ sở, phương tiện làm việc, cán bộ chuyên trách nên duy trì nền nếp sinh hoạt, tạo được sự đồng thuận trong đội ngũ hội viên - nhà báo.
19 Liên Chi hội trực thuộc có 6.214 hội viên, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, có nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo.
Những tồn tại cần khắc phục và định hướng thời gian tới
Báo cáo Chính trị tại Đại hội đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là sự gia tăng nhanh số lượng cơ quan báo chí dẫn đến sự bất cập trong quản lý và phát sinh tiêu cực; một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ mục đích, chưa chú trọng việc nêu gương, biểu dương, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, sa vào thông tin về mặt trái của xã hội, thiếu tính nhân văn, phản giáo dục.
Việc thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 có mặt còn lúng túng, có nơi còn mang tính hình thức; một số cơ quan báo chí thông tin thiếu định hướng trong một số vấn đề quan trọng của đất nước và xã hội; khai thác thông tin trên mạng xã hội thiếu kiểm chứng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái có lúc còn bị động, thiếu sắc bén.
Cùng với đó, một số ít người làm báo lợi dụng danh nghĩa báo chí để vụ lợi, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, một số nhà báo tham gia mạng xã hội thiếu chuẩn mực và thiếu trách nhiệm; một số văn phòng đại diện, phóng viên thường trú hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ; tình trạng vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, bản quyền; tình trạng “báo hóa tạp chí và trang thông tin điện tử” chậm được khắc phục…
Định hướng trong thời gian tới, Báo cáo Chính trị nêu rõ: Tập trung xây dựng tổ chức hội vững mạnh toàn diện, tiếp tục đổi mới và nâng cao vai trò, uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam trong hoạt động báo chí và đời sống xã hội, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại, vì lợi ích của đất nước và Nhân dân. Các cấp hội đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm tập hợp, đoàn kết, động viên toàn thể hội viên, người làm báo, triển khai thực hiện và tuyên truyền có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam. Triển khai thực hiện Chỉ thị 43 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, các cấp hội tiếp tục rà soát, kiện toàn xây dựng hệ thống tổ chức hội theo hướng tinh giảm đầu mối trực thuộc Trung ương hội.
Song song với đó, xây dựng đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng về trình độ nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, nâng cao uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt trong cộng đồng ASEAN.
Báo cáo Chính trị cũng nêu 9 nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện từ nay đến năm 2025.
Tiếp đó, Đại hội nghe Báo cáo Kiểm điểm BCH khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020.
Đại hội cũng đã được nghe các tham luận của các đại biểu đại diện các Liên chi hội nhà báo, Hội Nhà báo một số địa phương...
Tiếp đó, Đại hội đã công bố danh sách các đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra và các chức danh: Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Trước đó, trong phiên làm việc ngày 30/12, Đại hội đã tiến hành công tác nhân sự, bầu 52/62 đồng chí vào BCH Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Tại Hội nghị lần thứ nhất, BCH khóa mới đã bầu 12 đồng chí tham gia Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025; bầu 15 đồng chí vào Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
BCH khóa mới cũng tiến hành bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch. Kết quả, với tỷ lệ phiếu bầu đạt 100%, đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Các đồng chí: Trần Trọng Dũng, Nguyễn Đức Lợi được bầu giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Sau khi Ban Chấp hành khóa mới ra mắt, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội. Đại hội kêu gọi các cấp hội, đội ngũ những người làm báo cả nước phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam, tăng cường đoàn kết, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, chủ động, năng động sáng tạo, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, khó khăn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu mà Đại hội lần thứ XI đã đề ra, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, sự tin yêu của Nhân dân.
Tiếp đó, đồng chí Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 đọc diễn văn bế mạc Đại hội.