(Baonghean) - Thỉnh thoảng báo chí lại rộ lên những chuyện về sự lãng phí không đáng có khiến ai biết đến đều thấy rất đau lòng. Mà nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đó luôn dính dáng đến hai vấn đề: cơ chế và trách nhiệm.
 
Mới phát lộ gần đây là chuyện hơn 90m3 gỗ thủy tùng, loại gỗ nhóm 1A, có tên trong Sách Đỏ thế giới do các cơ quan chức năng ở ba huyện Ea H’leo, Krông Năng và Krông Búk (Đắk Lắk) đã thu giữ của dân buôn lậu từ năm 2007 và để ngoài mưa nắng suốt 8 năm qua, đến nay đã mục nát tới mức dùng tay bóp nhẹ là thành bột. Trong khi, đây là loại gỗ rất quý hiếm có giá hàng trăm triệu đồng 1m3. Dù rất đắt, nhưng muốn mua không phải dễ, vì rất khó kiếm.
 
Thế mà, đống gỗ quý có giá hàng chục tỷ đồng đó cứ “phôi pha” theo thời gian. Còn các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thì vẫn loay hoay không biết xử lý thế nào cho đúng vì chưa có tiền lệ. Huyện đề xuất lên tỉnh cho phép sung công và sử dụng vào các công trình công cộng vì Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ có quy định “thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm 1A là tang vật xử lý tịch thu theo quy định hiện hành của Nhà nước thì được phép chế biến, kinh doanh vì mục đích thương mại”. Nhưng không hiểu sao tỉnh không dám quyết.
 
Sau nhiều cuộc họp bàn, nhiều văn bản tham mưu, gần đây UBND tỉnh Đắk Lắk mới quyết định cho bán đấu giá, song lại không biết bán với giá nào, vì loại gỗ này không nằm trong danh mục giá do tỉnh ban hành. Cuối cùng, đành gửi văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho cơ chế tiêu thụ, đồng thời quy định giá bán. Nhưng đến nay, Bộ vẫn chưa trả lời... Thế là đống gỗ quý đó tiếp tục hư hao. E là khi quyết định được phương án xử lý thì số gỗ đó cho có lẽ không ai lấy vì đã thành đống củi mục.
 
Chuyện thứ hai, đã được báo chí đề cập khá nhiều từ ba, bốn năm nay. Đó là trên địa bàn Hà Nội có hàng chục bãi đang lưu giữ hàng nghìn xe gắn máy, mô tô, ô tô… các loại ước trị giá hàng trăm tỷ đồng. Số xe này đang biến thành sắt vụn dưới mưa nắng, mà không thể thanh lý hay vứt bỏ vì trình tự thủ tục giải quyết xe vi phạm, quy trình thanh lý tài sản dạng này đang quá chặt và rườm rà. Theo quy định hiện hành, hết thời hạn tạm giữ phải thông báo ít nhất 2 lần trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng phải sau 30 ngày mới có thể ra quyết định tịch thu, rồi mới chuyển cho đơn vị khác bán đấu giá thanh lý. Như vậy, mất chừng… nửa năm để giải quyết gọn 1 chiếc xe bị bỏ lại. Trong khi đó, quy trình thanh lý cũng rất chặt chẽ, rườm rà với sự có mặt đầy đủ của các cơ quan chức năng như Công an, Quản lý công sản, Tài chính…. Thế nên, đống phương tiện có giá hàng trăm tỷ đó đó tiếp tục mòn rỉ, hư hao trong gió, sương, mưa, nắng.
 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hai câu chuyện buồn đó. Nhưng chủ yếu là do sự thiếu trách nhiệm và sợ trách nhiệm. Cứ việc gì chưa có tiền lệ là không dám làm, không dám quyết. Cho dù đã có nghị định hướng dẫn hẳn hoi như ở câu chuyện thứ nhất. Còn câu chuyện thứ hai là điển hình cho cơ chế, thủ tục quá rườm rà, nhiêu khê khiến cho ai đụng đến cũng thấy nản lòng, nên đành chấp nhận để mất tiền còn hơn là đi xin lại, hoặc tổ chức đấu giá bán lấy tiền sung công quỹ. Một nguyên nhân nữa là khối tài sản đó không của riêng ai nên “cha chung không ai khóc”.
 
Đó chính là những góc khuất trong hệ thống, trong cơ chế hiện hành cần sớm được loại bỏ.
 
 
Duy Hương