Đại biểu Quốc hội đòi hỏi thu phí và lệ phí phải tương xứng với dịch vụ công, không chồng chéo thuế với phí để tận thu từ người dân.
 
Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phí, lệ phí. Đại biểu Huỳnh Văn Tín (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) nêu ý kiến, danh mục phí và lệ phí có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việc thu phí và lệ phí phải tương xứng với dịch vụ công, nếu không rõ ràng và minh bạch, phí và lệ phí rất dễ trở thành nguồn tận thu từ người dân. Do đó, dự thảo Luật cần giải thích rõ bản chất của phí, lệ phí và giá dịch vụ, đảm bảo nguyên tắc phí và lệ phí không chồng thuế.
 
Đại biểu Huỳnh Văn Tín cũng cho rằng dự thảo Luật phí, lệ phí chưa rõ nội hàm từng loại phí và lệ phí. Cần phải làm rõ phí và lệ phí đã bao gồm cả dịch vụ công, cân nhắc phí dịch vụ công như phí khai thác tài liệu do Nhà nước quản lý. Đồng thời phải công khai khoản thu liên quan đến phí và lệ phí hàng năm.
 
Làm rõ hơn quan điểm này, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP HCM) nêu rõ nguyên tắc, phí và lệ phí được trả cho một bộ phận nào đó có nhu cầu sử dụng dịch vụ, những gì thuộc về dịch vụ chung do nhà nước đảm trách, toàn dân sử dụng thì người dân đã có trách nhiệm đóng thuế.
images1409194_truong_trong_nghia_hcmc_hfbg.jpgĐại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP HCM) không muốn người dân phải trả tiền cho dịch vụ công.

Một nguyên tắc khác theo Đại biểu Nghĩa là phí và lệ phí phải hợp lý, không thể là thuế thu nhập trá hình làm giảm nguồn thu nhập hợp pháp của người dân. Trong khi người dân đã đóng các loại thuế, không thể bắt người dân phải trả thêm tiền cho các dịch vụ công. Không thể thu phí, lệ phí để bù đắp cho tệ nạn tham nhũng, lãng phí, kém hiệu quả trong quản lý nhà nước đối với việc sử dụng tiền thuế của người dân.

“Không thể chấp nhận một lĩnh vực đầu tư yếu kém, làm tăng chi phí, không đủ tiền đầu tư rồi lại huy động các loại phí khác nhau để trả. Làm dự án BOT thì người dân lại phải đóng thêm tiền vào. Phí hạ tầng giao thông là thuế thu nhập trá hình khi nhà nước vay vốn ODA để đầu tư. Ở nhiều nước, chi phí hạ tầng giao thông, cầu đường chỉ được thu phí khi chứng minh đem lại giá trị gia tăng. Hoặc có những cung đường ghi rõ là được xây dựng bởi tiền người dân đóng góp, người dân chỉ trả thêm phí cho phần cải thiện đường, người dân được quyền khiếu kiện”, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa chỉ rõ.
 
Cũng theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, không cần thiết quy định theo nguyên tắc chung phí là cơ bản của một phần chi phí, bởi có những dịch vụ nhà nước chỉ thu một phần, không toàn bộ chi phí khi nhà nước chỉ bù lỗ một phần cho dịch vụ đó. Trong mức thu tối đa cũng không được vượt chi phí hợp lý, bởi có những trường hợp không nhất thiết phải thu tối đa, thu lệ phí cũng không được vượt chi phí hợp lý.
 
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề xuất bỏ cụm từ “khuyến khích xã hội hóa” trong Dự thảo Luật vì cụm từ này có tính chất mơ hồ, dễ bị lợi dụng. Trong khi nhiều dịch vụ thực chất là tư nhân hóa, Nhà nước lẽ ra phải đánh thuế trên số thu nhập của tư nhân, đồng thời phải giảm thuế tương ứng cho người dân.
 
“Người dân đã đóng thuế được hưởng dịch vụ ấy, nay chuyển dịch vụ đó cho tư nhân, lại phải đóng thêm phí là điều vô lý. Tư nhân hóa rẻ hơn thì ta tư nhân hóa, để tư nhân làm, nhưng cũng tránh việc tạo lợi thế tự nhiên cho tư nhân. Cấp phép cho tư nhân làm dự án thì họ được lợi thế lớn nên trong những trường hợp như vậy nhà nước nên tự làm”, Đại biểu Nghĩa nói.
 
Mặc dù đồng tình với dự thảo Luật quy định, lệ phí sẽ không điều chỉnh đối với các khoản thu dịch vụ do các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ngoài khu vực nhà nước đang cung cấp; khoản thu này các tổ chức, cá nhân hạch toán vào doanh thu và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước, nhưng Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) vẫn cho rằng, những khoản thu dịch vụ do các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện bản chất là giá dịch vụ, lâu nay trong đời sống xã hội luôn quen gọi là phí nên cần phải mạnh dạn chuyển sang cơ chế giá như giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá dịch vụ đào tạo...
 
“Có như vậy, chúng ta mới có thể thúc đẩy việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh xã hội hoá những lĩnh vực mà khu vực ngoài nhà nước có thể tham gia mang lại chất lượng cao cho xã hội”, Đại biểu Đỗ Văn Vẻ nói.
 
Nêu ý kiến về danh mục phí và lệ phí, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn ĐBQH TP HCM) phản ánh, trong thực tiễn người dân bức xúc hiện tượng phí chồng phí, phí chồng thuế và việc lạm thu phí tại danh mục chi tiết trong các khoản thuế phí. Có thể rất dễ nhận thấy điều này trong phí giao thông đường bộ, phí kiểm dịch động thực vật… khi chính phủ ban hành danh mục chi tiết đã có sự chồng chéo và trùng lắp.
 
“Đề nghị Chính phủ hàng năm phải báo cáo các danh mục chi tiết trong các khoản thuế, phí để Quốc hội cho ý kiến và có giám sát”, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị./.
Theo VOV