(Baonghean.vn) - Sáng 12/11, dưới sự chủ trì của đồng chí Đinh Viết Hồng – Phó chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe và cho ý kiến về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển vùng chè công nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2020, phân vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến chè trên địa bàn tỉnh. Cùng dự có đại diện các Sở: NN&PTNT, Tài nguyên&môi trường, KH&CN, kế hoạch & đầu tư.


images1409217_1.jpgĐồng chí phó chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng chủ trì cuộc làm việc.
Phó giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Lập báo cáo tình hình phát triển và phân vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến chè trên địa bàn.

Theo báo cáo từ Sở NN&PTNT, giai đoạn 2008-2014, nhờ làm tốt công tác khuyến nông và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đầu tư thâm canh từ khâu trồng mới, chăm sóc cơ bản, chăm sóc chè kinh doanh và thu hái sản phẩm, nên năng suất chè tăng hàng năm từ 76,16 tạ/ha năm 2008 tăng lên 114 tạ/ha năm 2014.


Đại diện Công ty TNHH MTV chè Nghệ An cho rằng cần quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và tránh tình trạng tranh mua tranh bán hiện nay giữa các cơ sở chế biến

Toàn tỉnh hiện có 86 dây chuyền chế biến với tổng công suất thiết kế 602 tấn búp tươi/ngày. Năm 2014, sản lượng chè búp tươi toàn tỉnh khoảng 67.394 tấn, sản lượng chế biến đạt 12.000 tấn chè búp khô các loại. Trong đó, Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển chè Nghệ An thu mua chế biến 32.000 tấn nguyên liệu, sản lượng chế biến đạt 6.400 tấn. Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến còn lại thu mua chế biến 35.394 tấn nguyên liệu, sản lượng chế biến 5.600 tấn.


Diện tích chè đang được điều chỉnh giảm (Trong ảnh: thu hái chè tại Thanh Thủy, Thanh Chương)

Theo Quyết định 6290 của UBND tỉnh thì đến năm 2020, toàn tỉnh quy hoạch 12.000 ha chè kinh doanh. Tuy nhiên, do chuyển đổi cơ cấu cây trồng, một số địa phương chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả hơn... nên điều chỉnh xuống còn 10.700 ha chè kinh doanh; năng suất dự kiến 130 tạ/ha, sản lượng 139.100 tấn búp tươi, tương đương 27.820 tấn búp khô. Cụ thể: Quỳ Hợp giảm 10 ha, còn 140 ha; Tương Dương giảm 100 ha còn lại 200 ha; Thanh Chương 4.480 ha, giảm so với quy hoạch cũ 1.290 ha; Con Cuông giảm 280 ha so với phương án quy hoạch cũ; huyện Anh Sơn tăng 80 ha so với phương án cũ, Kỳ Sơn giữ nguyên phương án quy hoạch cũ là 1.000 ha.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các sở ngành, phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh thống nhất các giải pháp phát triển vùng nguyên liệu như báo cáo. Đồng thời yêu cầu Sở NN&PTNT làm rõ nguyên nhân điều chỉnh, bổ sung căn cứ quy hoạch cũng như tiêu chí phân vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến trên địa bàn. Sở NN&PTNT cần hoàn chỉnh  báo cáo tóm tắt, cập nhật lại số liệu… để đề án sớm được thông qua tại cuộc họp UBND tỉnh sắp tới.

Thu Huyền

TIN LIÊN QUAN