Thị trường bia Việt một lần nữa “dậy sóng” trước hàng loạt thông tin mua bán sáp nhập và các công bố từ cam kết trong Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) của các nước.
Sự kiện tập đoàn bia đến từ xứ sở hoa anh đào Sapporo mới đây công bố “mua đứt” phần vốn góp của VN trong liên doanh Sapporo Việt Nam (SVL) cho thấy, thị trường bia Việt luôn nóng với sự tấn công không khoan nhượng của các hãng bia ngoại. Chưa hết, sau khi tuyên bố sở hữu hoàn toàn SVL, trao đổi với báo giới tại buổi công bố thay đổi nhận diện bao bì một số sản phẩm, đại diện Tập đoàn Sapporo (Nhật) cũng cho biết, công ty sẽ đẩy mạnh doanh số bán hàng thông qua chiến lược mở rộng mạng lưới phân phối trên cả nước. Hiện nhà máy của tập đoàn này đặt tại Long An và cũng là nhà máy duy nhất của hãng cung cấp bia cho các thị trường Đông Nam Á, Hàn Quốc và Úc.
Thị trường béo bở
Trước thương vụ của Sapporo, thông tin Bộ Công thương quyết tâm đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng gây nóng trên thị trường chứng khoán. Theo kế hoạch, trong 89% cổ phần của Sabeco mà nhà nước đang sở hữu, sẽ bán tối đa 53% vốn cho các nhà đầu tư chiến lược. Ngay lập tức, Công ty Thai Beverage đánh tiếng mua phần vốn này với giá gần 1 tỉ USD, rồi Singha Bia cũng đến từ Thái cũng cho biết muốn làm đối tác chiến lược của Sabeco. Chưa hết, nhất loạt các hãng bia ngoại như: Asia Pacific Breweries, Sabmiller, Asahi Breweries, Kirin Brewery... đều lên tiếng trên thị trường muốn trở thành đối tác chiến lược của Sabeco.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Mikio Masawaki, Tổng giám đốc SVL không giấu tham vọng sẽ tiếp tục nghiên cứu tung sản phẩm mới tại VN bởi thị trường vẫn còn tiềm năng do tuổi trung bình người tiêu dùng trẻ, yêu thích những sản phẩm mới, hiện đại. Trong 10 năm tới, tầng lớp trung lưu của VN cũng sẽ tăng gấp 2 - 3 lần và tham vọng tập đoàn này đặt ra là đưa doanh thu của Sapporo tại thị trường VN chiếm 50% doanh thu nước ngoài của tập đoàn tại Nhật.
Mặt khác, theo tờ Nikkei, sau khi Bộ Ngoại giao Nhật công bố chương trình cắt giảm 81% thuế của các mặt hàng nông nghiệp, hai thị trường bia mà các công ty Nhật đang kỳ vọng là VN và Malaysia. Tương tự, đánh giá cơ hội từ TPP, trên một số kênh truyền thông, đại diện Hiệp hội Rượu bia Mỹ cũng cho rằng, VN là thị trường có cơ hội lớn nhất trong 12 thị trường thuộc khối TPP mà nhà kinh doanh rượu bia Mỹ kỳ vọng. Với TPP, theo cam kết, VN cũng sẽ giảm dần từ 35% thuế trên bia về 0% theo lộ trình 11 năm. Theo dự báo của Hiệp hội Bia rượu nước giải khát VN (VBA), giá bia nhập khẩu chắc chắn sẽ giảm mạnh sau TPP.
Trước đó, vào tháng 5 vừa qua, Công ty Anheuser - Busch Inbev (AB InBev), hãng bia hàng đầu thế giới đến từ Mỹ, đã khánh thành nhà máy sản xuất bia công suất 50 triệu lít mỗi năm tại Bình Dương. Theo kế hoạch, hãng bia này sẽ tăng lên 100 triệu lít/năm trong giai đoạn tiếp theo. Sản phẩm của hãng này, theo chia sẻ của đại diện AB InBev, sẽ phục vụ thị trường VN, xuất khẩu sang Ấn Độ, Lào, Campuchia và Philippines. “Sự cạnh tranh từ thị trường trong nước hiện nay khá lớn và gay gắt. Chúng tôi chưa thể kết luận được mức giảm chi phí sản xuất như thế nào, song sau TPP, chắc chắn sẽ có sự thay đổi về giá thành sản phẩm bia nói chung”, đại diện hãng bia ngoại tại VN dự báo.
Tận dụng hệ thống phân phối nội
Thực tế, cái tên Sabeco quá nóng trong thị trường bia là điều dễ hiểu, khi nhãn hàng này hiện đang chiếm lĩnh đến 46% thị phần. Thông tin từ VBA, năm 2014, tổng lượng bia sản xuất và tiêu thụ trên cả nước ước đạt 3,14 tỉ lít, tăng 8,1% so với năm trước. Năm 2015, dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 3,3 tỉ lít. Theo báo cáo của VBA, VN hiện xếp thứ 5 trong 10 nước châu Á về tiêu thụ bia, rượu bình quân, chỉ đứng sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc.
Theo chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, Tổng giám đốc Robenny, phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ, trong làn sóng dự báo có nhiều nhà đầu tư ngoại vào VN đón đầu TPP, không thể thiếu các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh. Bởi thị trường VN hiện đang cực kỳ hấp dẫn nhờ kế hoạch thoái vốn nhà nước khỏi những miếng bánh béo bở trong ngành bia, sữa, thực phẩm… Và Sabeco hay Habeco đều được đánh giá là những miếng bánh ngon trong “rổ” cổ phần hóa này. “Cũng như ngành bán lẻ, việc mua số lượng lớn cổ phần các công ty bia nội để tham gia vào thị trường ngay là chiến lược các tập đoàn nước ngoài đang nhắm đến. Không những sở hữu được mấy chục nhà máy bia với công suất lớn, khối lượng bất động sản của các công ty bia nội cũng là khối tài sản lớn đủ hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại”, ông Robert Trần phân tích.
Với các nhà đầu tư mới, theo TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing, vấn đề khó khăn thường xảy ra cho các nhà đầu tư nước ngoài là xây dựng được kênh phân phối trải rộng trên toàn quốc. Trong khi đó các thương hiệu bia trong nước đã có thế mạnh trong khâu phân phối. Đồng thời hiện nay với phong trào ưu tiên và ủng hộ sử dụng hàng Việt, các thương hiệu trong nước càng được lợi thế hơn và nhờ đó doanh số tiêu thụ cũng gia tăng. “Việc mua lại những nhà máy sản xuất ở các địa phương để từ đó phát triển nhanh hơn. Cộng với khả năng quản trị điều hành, bài toán vận chuyển… các nhà đầu tư ngoại dễ dàng tiết giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận cho mình. Đặc biệt việc mua lại tỷ lệ lớn cổ phần của các thương hiệu bia trung bình, có nhà máy sản xuất ở các tỉnh thành để nắm quyền chi phối sẽ dễ thực hiện hơn. Vì vậy sự cạnh tranh giữa một số thương hiệu nội lớn như Sabeco, Habeco với các nhà đầu tư ngoại sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt”, TS Thuận nói.
Theo Thanhnien online